Dù học chuyên Nga và không có điểm SAT, Quang Duy trúng tuyển ngành Khoa học sức khỏe của Đại học Johns Hopkins – top 9 ở Mỹ và hai trường hàng đầu Canada.
Phạm Quang Duy là học sinh chuyên Nga của THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam. Từ cuối tháng ba, em nhận thư trúng tuyển Đại học Toronto, British Columbia, John Hopkins và Boston.
Theo US News, Toronto và British Columbia là hai trường đứng đầu ở Canada, còn John Hopkins đứng thứ 9 và Boston thuộc top 43 đại học tốt nhất nước Mỹ.
Trở thành bác sĩ là mơ ước của Quang Duy từ năm lớp 9, sau chuyến tình nguyện tại Viện huyết học – Truyền máu Trung ương cùng mẹ. Nhìn thấy các em nhỏ hàng ngày chiến đấu với căn bệnh di truyền hay ung thư máu, Duy mơ có phép màu để chữa khỏi bệnh, giúp các em được trở về nhà.
“Từ đó, em đọc thêm tài liệu về các bệnh di truyền và dần yêu thích lĩnh vực sinh học phân tử, điều trị bệnh di truyền hoặc các phát minh mới trong lĩnh vực y sinh”, Duy nói.
Ban đầu, Duy đặt mục tiêu du học ở Canada, chọn các ngành Khoa học sức khỏe. Lý do là chương trình đào tạo Y khoa tại đây tương đương bậc thạc sĩ, yêu cầu ứng viên có bằng cử nhân ở lĩnh vực liên quan trước khi theo học.
Ngay khi vào 10, Duy bắt tay chuẩn bị hồ sơ, gồm bảng điểm, bài luận và hoạt động ngoại khóa. Nam sinh duy trì điểm trung bình ở trường ở mức 9,5, đạt 8.0 IELTS.
Thời gian này đúng lúc dịch Covid-19 bùng phát, nên Duy không thể tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa. Cậu nảy ra ý tưởng cùng bạn bè nghiên cứu về sức khỏe tâm thần vị thành niên trong giai đoạn giãn cách. Kết quả, nghiên cứu của em và nhóm được trình bày tại Hội thảo về Sức khỏe và Giáo dục quốc tế do Đại học Montreal, Canada, tổ chức năm 2022.
“Kết quả nghiên cứu cho thấy các bạn trẻ thiếu kỹ năng tìm kiếm hỗ trợ xã hội và việc học online kéo dài, cộng thêm sử dụng mạng xã hội thường xuyên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe tinh thần”, Duy cho hay.
Bài nghiên cứu còn được đăng trên một tạp chí về sức khỏe cộng đồng. Nam sinh nhìn nhận khi đó, dịch Covid-19 là chủ đề nóng hổi trên toàn thế giới, do đó các nghiên cứu liên quan được quan tâm. Em phải nộp bản thảo trước một tháng và trải qua quá trình bình duyệt của các chuyên gia, trước khi báo cáo.
Năm 2023, Duy tiếp tục tham gia tại hội thảo về Y tế công cộng tại Thái Lan. Bài trình bày về thực trạng nghiện sử dụng Internet ở vị thành niên và các hệ lụy với sức khỏe tinh thần của em được lựa chọn là bài trình bày xuất sắc nhất phiên về “Sức khỏe tâm thần”. Đây là điểm nhấn mà nam sinh nêu trong phần hoạt động ngoại khóa, cùng các đợt thực tập nghiên cứu tại một số trường Y ở Hà Nội.
Ý định ban đầu của Duy là du học Canada, nhưng cậu sau đó nảy ra ý định nộp thêm các trường ở Mỹ để thử sức. Quyết định muộn nên Duy không kịp thi SAT – bài thi chuẩn hóa phổ biến trong xét tuyển đại học Mỹ.
Khó khăn lớn nhất khi chuyển hướng sang Mỹ, theo Duy là lựa chọn chủ đề bài luận. Lúc đầu, do say mê chủ đề sinh học phân tử và nghiên cứu về khoa học thần kinh, Duy định viết về lĩnh vực này nhưng nhận ra vốn hiểu biết và trải nghiệm của mình chưa đủ. Cuối cùng, nam sinh thay đổi chủ đề sang mô tả quá trình tự nghiên cứu từ năm lớp 10, nhấn mạnh vào các khó khăn, cách giải quyết.
Chẳng hạn, nam sinh nêu những khó khăn khi khảo sát online trong dịch Covid-19 và quá trình tìm tài liệu để xây dựng bộ công cụ và quá trình học các phương pháp phân tích phù hợp.
“Em nghĩ điều này thể hiện sự cam kết của em với công việc nghiên cứu và khả năng tự học”, Duy nhìn nhận.
Thời gian chuẩn bị gấp gáp nên Duy cũng bớt áp lực, không kỳ vọng nhiều về kết quả. Khi nhận tin trúng tuyển của Johns Hopkins cách đây hai tuần, Duy và cả nhà bất ngờ.
“Đọc dòng chữ ‘welcome to class 2028’, em không tin vào mắt mình, cảm thấy rất may mắn khi đã có cơ hội trải nghiệm và đạt được kết quả tốt”, Duy nói.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Ngân, chuyên gia tổ chức nghiên cứu về sức khỏe – UNC Việt Nam, là người dẫn dắt Duy, từ khái niệm, định hướng đến các phần mềm thống kê. Cô Ngân đánh giá cao Duy khi nỗ lực học hỏi để thực hiện một nghiên cứu khoa học hoàn chỉnh. Theo cô, học sinh cấp 3 thường tham gia một vài khâu như thu thập số liệu hay nhập liệu, ít bạn làm đến khâu phân tích dữ liệu và viết bài.
“Duy đam mê với lĩnh vực y sinh, có khả năng tự học và đọc tài liệu rất tốt”, cô nhận xét.
Cô Hoa Hồng Nhung, giáo viên dạy Toán ở trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, cũng đánh giá nam sinh có năng lực tự học tốt, tìm tòi nhiều cách giải cho cùng một vấn đề.
“Em ấy thường chủ động sắp xếp thời gian sau giờ học để xin tư vấn”, cô nói.
Nhìn lại quá trình ứng tuyển, Duy đánh giá điểm mạnh trong hồ sơ là sự nhất quán, thể hiện cam kết với định hướng đã chọn.
“Hồ sơ không cần quá đa dạng mà cần thể hiện được điểm mạnh, sự cam kết, năng lực tự học và phát triển bản thân như một lộ trình thay vì cố chứng tỏ mình tốt về mọi mặt”, Duy nhìn nhận. Một kinh nghiệm khác của Duy khi làm hồ sơ là tham khảo các bài báo về anh, chị du học sinh để học hỏi.
Điều khiến Duy tâm đắc là em tự tìm hiểu và nộp hồ sơ ứng tuyển. Nếu ở Canada, Duy nộp hồ sơ theo yêu cầu của từng trường, thì ở Mỹ, việc này được thực hiện trên hệ thống nộp đơn chung (Common App).
“Khi mở Common App, em choáng ngợp vì rất nhiều mục phải chuẩn bị. Ở mỗi bước, em phải tự tra cứu trên mạng, vào các trang tư vấn du học cả Việt Nam và nước ngoài để tìm hướng dẫn, do vậy việc hoàn thiện hồ sơ khá vất vả”, Duy nhìn nhận. “Nhưng qua đó, em tăng khả năng tra cứu và chủ động học tập, vốn là kỹ năng quan trọng ở đại học”.
Duy chưa chốt đi Mỹ hay Canada. Nam sinh còn cân nhắc chương trình bác sĩ đa khoa của Đại học VinUni, nơi em được cấp học bổng 90%.
Mặc dù biết theo đuổi ngành Y là con đường rất thách thức, Duy kiên định với mục tiêu trở thành bác sĩ hoặc nhà nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học thần kinh.
“Em mong trải nghiệm các thách thức mới để hoàn thiện bản thân, giống như lần nộp hồ sơ đại học lần này”, Duy chia sẻ.
Thảo Nguyên – Doãn Hùng