Ngày 7-4, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, tiến sĩ Hoàng Dương Tùng – chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam – cho biết mấy năm gần đây ô nhiễm không khí ở nhiều tỉnh, thành ở phía Bắc, trong đó có Hà Nội diễn biến xấu.
Theo ông Tùng, chất lượng không khí xấu, trong đó có bụi mịn PM2.5 ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe. Những người khỏe mạnh có thể khó cảm nhận ngay, nhưng theo thời gian sẽ ảnh hưởng đến đường hô hấp và nhiều cơ quan khác của con người.
“Do bụi mịn PM2.5 kích thước chỉ nhỏ bằng 1/30 sợi tóc, vì quá nhỏ nên phòng chống rất khó. Bụi mịn PM2.5 thường bay lơ lửng trong không khí, có thời gian lắng xuống, nhưng chỉ cần một đợt gió sẽ bay lên cao, khi có mưa bụi mịn PM2.5 mới được rửa trôi”, ông Tùng nói.
Theo ông Tùng, “mùa” ô nhiễm không khí chủ yếu diễn ra vào mùa đông (từ tháng 10 năm trước đến hết tháng 4 năm sau). Bước vào mùa nắng nóng, có nhiều mưa rào, gió mạnh, bụi mịn PM2.5 phát tán yếu, chất lượng không khí sẽ dần được cải thiện.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, từ thời gian sau Tết Nguyên đán đến nay, có thời điểm nhiều ngày liên tiếp ở Hà Nội có chất lượng không khí xấu.
Tại Cổng thông tin quan trắc chất lượng không khí của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), và Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đều cập nhật chất lượng không khí theo từng giờ trong ngày.
Theo hai cổng thông tin này, ngoài Hà Nội, có nhiều điểm quan trắc chất lượng không khí xấu, Bắc Ninh có ngày chất lượng không khí còn ghi nhận ở ngưỡng nguy hại.
Bụi mịn PM2.5 sinh ra từ đâu?
* Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam Hoàng Dương Tùng:
– Quá trình nghiên cứu, tổng hợp cho thấy bụi mịn PM2.5 gồm hai loại sơ cấp và thứ cấp.
Bụi mịn sơ cấp sinh ra từ hoạt động xây dựng, đốt rác, quá trình cọ xát giữa lốp xe ô tô, xe máy với mặt đường đã sinh ra những hạt bụi nhỏ li ti. Còn bụi mịn thứ cấp là từ hóa chất kết hợp với hạt bụi qua phản ứng hóa học thành bụi mịn PM2.5.
Ô nhiễm không khí chỉ giảm khi chúng ta kiểm soát được các nguồn thải gây khuếch tán bụi mịn.
Để hạn chế ô nhiễm không khí, trước mắt cần tăng cường kiểm soát các loại nguồn thải, khí thải xe máy… Đồng thời chuyển đổi nhiên liệu trong sản xuất, tăng cường giao thông công cộng, giao thông xanh…
Ô nhiễm không khí tác động ra sao đến sức khỏe con người?
Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Nguyễn Ngọc Hồng – trưởng khoa bệnh phổi nghề nghiệp, Bệnh viện Phổi trung ương – cho biết những hạt bụi có thể xâm nhập vào hệ thống hô hấp qua không khí, đi vào phổi.
Khi không khí bị ô nhiễm, có nhiều bụi nhỏ, hạt bụi càng nhỏ sẽ càng đi sâu vào cơ thể hơn. Tại những môi trường đô thị với mật độ giao thông đông sẽ khiến lượng bụi hữu cơ nhiều hơn.
Việc đốt cháy nhiên liệu động cơ, sản sinh ra các tạp chất phát tán ra môi trường như carbon, nitơ, lưu huỳnh… rất độc hại. Những hạt bụi này có kích thước nhỏ và chứa nhiều hợp chất hóa học, lơ lửng trong không khí.
“Những chất này khi vào cơ thể nhẹ thì gây kích ứng như hắt hơi, sổ mũi, nặng có thể khiến con người có phản ứng ho, khạc đờm kéo dài, thậm chí khó thở. Đặc biệt, lo ngại ở những người có bệnh hô hấp, viêm phế quản mạn tính, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…”, bác sĩ Hồng nêu.