Quê ngoại tôi ở Tam Thanh, nay tách thành hai huyện Tam Nông và Thanh Thủy, Phú Thọ. Được bao bọc bởi hai con sông lớn là sông Hồng và sông Đà, nước vào nước ra, vùng này mỗi năm ngập nước ít nhất vài ba tháng. Khi ấy lụt trắng đồng. Bởi thế, nhà cửa thường được dựng trên đồi. Lúa chỉ trồng được một vụ đông, đến hè gặt xong là nước về.
Cả vùng chuyển sang nghề hạ bạc. Nhà nhà dựng vó bè, giăng câu thả lưới, đặt cụp bẫy cá chép, đặt trúm bắt lươn đồng. Ngoài những cánh đồng ngập theo mùa, trong vùng còn có những đồng nước sâu, quanh năm không cạn. Ở đây là nơi trú ngụ của đủ loại động vật dưới nước. Tôi hay được nhiều người trong vùng kể về loài giải, tức là loài ba ba khổng lồ, có thể nặng đến hơn hai tạ. Sau này học lên, tôi biết đó là rùa mai mềm cùng giống loài với rùa ở Hồ Gươm, còn gọi là giải mai mềm Thượng Hải.
Hồi đó giải còn nhiều, lâu lâu người ta lại bắt làm thịt. Nhưng phải là những phường săn chuyên bẫy bắt giải, dân bình thường không có cách nào tóm được những con ba ba nặng hàng tạ, với cái miệng và bốn cái chân cực khỏe, có thể phá tan bất cứ mảnh lưới nào.
Ông ngoại tôi không tham gia bắt giải, dù đã từng ăn thịt giải. Ngoài cày bừa gặt hái, việc ông thích nhất là đặt trúm, đặt cụp và bắt ếch. Ông bắt ếch quanh năm, chỉ trừ mấy tháng mùa đông, khi ấy ếch đã chui vào hang tránh rét.
Mùa xuân, đầu hè, khi lúa đã lên xanh um, cao ngang bụng người, ngoại tôi bắt đầu sửa soạn đồ câu ếch. Cần câu làm bằng cây hóp, tức là một loại tre nhỏ, thân thẳng, dẻo dai. Ông lựa cây hóp có đốt gốc độ ngón chân cái, dài 7-8m. Khi cây còn tươi, ông đem hơ lửa, uôn cây cần cho thật thẳng. Sau đó buộc chặt cây cần vào cột nhà đầu hè để định hình, chờ cây hóp khô hẳn thì mang ra dùng. Ông gắn một sợi cước to gần bằng chiếc tăm, cuối sợi dây có gắn miếng chì, rồi đến lưỡi câu.
10 giờ đêm, sau khi cơm nước xong, ông tôi ra đồng câu ếch. Những người bắt ếch lâu năm ở trong vùng như ông tôi đều có thể phân biệt được đâu là ếch, là nhái, chẫu chàng hay cóc, chỉ qua ánh sáng đèn pin phản chiếu lại từ đôi mắt con vật. Mắt cóc và ếch cách xa nhau, trong khi mắt chẫu chàng và nhái thì gần nhau. “Muốn biết đâu là cóc, đâu là ếch, thì chú ý đặc điểm này: Mắt ếch trong, còn mắt cóc có ánh đỏ”, ông tôi bảo.
Nhưng khác với lúc soi ếch, khi câu, cần thủ phải tuyệt đối không dùng đèn pin, tránh gây tiếng động, trừ tiếng động của mồi câu, để con ếch tự tin đớp mồi. Thường ông tôi dùng giun đất, móc thành cục, nhấc lên thả xuống tõm tõm trong ruộng lúa lấp xấp nước. “Tiếng tõm tõm, như một con mồi nhỏ đang đi kiếm ăn, cùng mùi tanh từ đám giun đất, kích thích những con ếch lớn”, ông tôi nói. Nhiều hôm đi vội không đào được giun, ông tôi bắt con nhái, móc lấy cái dạ dày nhái làm mồi. Câu bằng dạ dày nhái cũng nhạy, mồi lại dai, bền, tuy độ nhạy mồi không bằng giun đất.
Trong đêm tối, ông tôi đội nón mê, hông đeo giỏ, nhịp cần câu giữa đồng lúa mênh mang. Đang nhịp cần nhè nhẹ, bỗng thấy gốc lúa động đậy, sợi dây câu níu ở đầu nằng nặng, ông biết con ếch đã cắn câu. Đếm từ một đến mười cho nó nuốt sâu, ông vẩy đầu cần rồi nhấc lên cao. Chú ếch cụ huơ huơ bốn cái chân, giãy đạp dữ dội hòng chạy thoát. Nhưng rồi nó cũng buộc phải vào ngồi trong giỏ cùng với các đồng bọn bị tóm trước đó đang kêu ọp ọp.
Hôm thì được 2-3 con, có hôm nhiều, ông câu được cả chục con, đủ nấu một nồi ếch om chuối đậu cho cả nhà xì xụp vào tối hôm sau. Cứ tầm 2h sáng, dù ít dù nhiều ông cũng về, để sáng còn ra đồng.
Nhưng đó là mùa cạn. Vào mùa nước lụt, ông ngoại tôi bắt ếch bằng vợt, chèo thuyền nan.
Tối nay, ông cho tôi, thằng cháu tuy sinh ra ở quê nhưng lớn lên ở ngoại thành Hà Nội, bám càng đi bắt ếch cùng.
Đêm nay 16 âm lịch, ánh trăng rải khắp cánh đồng nước mênh mông. Tôi chưa hiểu bắt ếch giữa đồng nước sâu đến ngang bụng thì bắt kiểu gì. Ông bảo: Lát cháu cứ xem ông bắt thì sẽ hiểu.
Ông tôi bỏ đồ nghề phía trước thuyền, đầu đeo đèn pin, chèo thuyền nhè nhẹ, tôi ở phía sau quan sát. Thuyền chúng tôi lướt đi giữa những đám sen, súng, trang.
Bỗng ông tôi buông chèo, tay chuyển qua cây vợt dài. Theo ánh đèn pin trên đầu ông, tôi đã thấy con ếch, ngồi trên một cái lá trang, quay mặt lại phía hai chúng tôi. Tôi nghĩ: “chỉ cần đụng nhẹ là nó nhảy xuống nước mất tiêu”.
Ông tôi đưa cây vợt ra phía trước mặt con ếch rồi lấy mái chèo gõ vào mạn thuyền. Con ếch giật mình nhảy vọt đi, nhưng hướng nó nhảy đã có cái vượt lưới của ông tôi đợi sẵn.
Ông tôi giải thích: Con ếch bị chiếu đèn vào mắt, lóa nên chưa hiểu chuyện gì, chưa biết sẽ làm gì. Ta làm nó giật mình, theo phản xạ nó sẽ tung mình lao về phía trước và rơi vào rọ.
Đêm ấy, ông cháu tôi bắt được hơn hai cân ếch đồng. Một nửa để bà tôi mang ra chợ bán, phần còn lại ông nướng để thằng cháu thành phố biết mùi vị đồng quê.
Thoáng một cái mà ông tôi đã thành người thiên cổ cả chục năm. Sông Hồng, sông Đà giờ có nhiều thủy điện ở thượng nguồn, quê tôi cũng không còn cảnh ngập lụt nữa. Thành ra cá mú ít đi nhiều, cũng chẳng còn mấy ai đêm đi vợt ếch trong đồng nước hay câu ếch như xưa nữa. Mà có câu, cũng không phải cầu kỳ, mất công nhiều ngày làm cần hóp như ông tôi. Họ chỉ bỏ ra trăm bạc, mua cây cần rút làm bằng sợi thủy tinh là xong.
Đêm đến, từ làng trên xóm dưới, tiếng karaoke xập xình át đi tiếng ri ri của dế, của ếch nhái vốn cũng không còn nhiều như xưa. Cánh đồng đêm trăng năm nào nay cạn nhe, ô tô cỡ lớn đã vào đây đổ đất làm đường.