Dưới đây là chia sẻ của một người phụ nữ trung niên ở Trung Quốc:
Bước sang tuổi 60, tôi mới hiểu ra chất lượng cuộc sống trong những năm cuối đời phụ thuộc vào thái độ và mối quan hệ với con cái! Ở độ tuổi này, việc trước đây bạn làm nghề gì hay bạn có bao nhiêu tiền tiết kiệm không quan trọng.
Không thành vấn đề nếu bạn là một chuyên gia, một giáo sư hay một công nhân bình thường. Cũng không có vấn đề gì nếu bạn không có tiền tiết kiệm hoặc có rất nhiều tiền. Đây không phải là những yếu tố quan trọng nhất quyết định chất lượng cuộc sống của bạn trong những năm sau này.
Điều gì là quan trọng nhất? Chỉ 2 từ: Con cái!
Một số người già xuất thân từ những gia đình rất bình thường, còn con cái của họ là những người làm công ăn lương, kiếm được 3.000 – 4.000 NDT mỗi tháng. Nhưng họ thường xuyên đến thăm cha mẹ, trong nhà luôn có tiếng trẻ con cười đùa.
Trong khi đó, một số người già trước khi nghỉ hưu có lương cao, địa vị cao nhưng lại cô đơn quanh năm. Có khi họ thấy không khỏe nhưng lại không thể liên lạc được với con. Nhân viên xã hội còn lo lắng cho họ hơn cả con họ.
Quả là 1 sự tương phản mạnh mẽ.
Tại sao người ta nói rằng nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến trạng thái của một người khi về già là thái độ của con cái đối với họ? Có ba lý do.
Đầu tiên , hãy thừa nhận rằng bạn và con cái đều chỉ là những “người bình thường”, như vậy những năm cuối đời bạn sẽ thoải mái và hạnh phúc hơn
Xã hội chúng ta có tư duy cố định, đó là: Các bậc cha mẹ đều tin rằng con mình “vĩ đại”, “xuất sắc” và mong rằng con khi lớn lên sẽ trở thành những người thành đạt.
Trên thực tế, hầu hết mọi người đều là người bình thường.
Nhưng một số người già lại khó thừa nhận điều này, họ luôn cảm thấy đã hy sinh rất nhiều cho con cái thì con phải trở thành người thành đạt để báo đáp và mang lại vinh quang cho gia đình.
Tâm lý “coi con như công cụ” này sẽ chỉ khiến không khí gia đình ngày càng căng thẳng.
Thứ hai, hãy phát triển mối quan hệ hòa hợp với con cái khi con đã trưởng thành, quan tâm lẫn nhau nhưng giữ khoảng cách
Bạn có nhận thấy hiện tượng này không? Nhiều người cao tuổi có mối quan hệ tốt với con cái trước khi con kết hôn và lập gia đình. Dù là con trai hay con gái thì khi còn độc thân đều rất gần gũi với bố mẹ, hàng năm, lễ Tết đều sẽ về thăm bố mẹ và mua quà.
Nhưng sau khi kết hôn, đặc biệt là trong những gia đình có con trai, mối quan hệ dần chuyển từ quan hệ hòa thuận sang quan hệ hỗn loạn!
Tôi biết một gia đình như thế này: Nhiều năm trước ở cơ quan có một đồng nghiệp nam, khi anh ấy ở độ tuổi đôi mươi, bố mẹ đã giúp trả tiền đặt cọc để mua một căn nhà và anh ấy đã chuyển đến ngôi nhà mới.
Khi còn độc thân, mối quan hệ của anh với bố mẹ vẫn ổn, anh sẽ về thăm bố mẹ vào cuối tuần và dịp Tết, thỉnh thoảng mua quà. Giai đoạn này, mẹ anh thường đến nhà con trai để giúp dọn phòng.
Dù phàn nàn “con lớn như vậy mà vẫn luộm thuộm” nhưng tuần nào bà cũng đến dọn dẹp và không bao giờ thấy chán. Hai năm sau, người đồng nghiệp này kết hôn và ngôi nhà mới chào đón thêm cô con dâu.
Tuy nhiên, mẹ của người đàn ông vẫn thường xuyên đến nhà con trai và con dâu mỗi tuần, trên danh nghĩa là để dọn dẹp nhà cửa, thực ra là để giám sát con dâu ăn ở ra sao. Thậm chí có lần bà còn đi vào phòng ngủ của đôi vợ chồng trẻ để sắp xếp lại đồ đạc.
Thậm chí có lần quần áo mới giặt của con dâu được cho thẳng vào tủ khi chưa khô khiến toàn bộ tủ bị ẩm mốc.
Đôi vợ chồng trẻ có sở thích riêng khi mua đồ gia dụng, đặc biệt là về màu sắc, hình dáng. Nhưng mỗi lần mẹ chồng đi siêu thị, bà luôn mua về rất nhiều nồi chảo rẻ tiền, không phù hợp với phong cách của cả nhà. Sự oán giận của con dâu ngày càng lớn, cô lấy chồng hay lấy mẹ chồng?
Nhưng mẹ chồng lúc nào cũng tự tin: “Tôi đã đặt cọc căn nhà này, chủ nhân là con trai tôi, sao tôi không vào được?”.
Sau đó, cuộc hôn nhân của đôi trẻ kéo dài chưa đầy hai năm và kết thúc bằng một cuộc ly hôn tồi tệ. Nam đồng nghiệp sau đó có không còn về thăm cha mẹ nhiều như trước, trong lòng cũng có nút thắt.
Tại sao chuyện này lại xảy ra? Lý do quan trọng nhất là một số người lớn tuổi “quan tâm” quá mức tới gia đình nhỏ của con cái, dang tay quá xa, gây bất bình cho con cái và bạn đời.
Thứ ba, đối với hầu hết người cao tuổi, việc tham gia vào cuộc sống của con cái là niềm an ủi tinh thần duy nhất của họ trong những năm cuối đời
Sau khi nói chuyện với một số người có quan hệ xa cách với cha mẹ, tôi phát hiện ra một hiện tượng thú vị: Những người có mối quan hệ không tốt với gia đình thường có tính cách rất mạnh mẽ và độc lập, đồng thời cũng đạt được thành tích tốt trong sự nghiệp cá nhân.
Và chính vì sự thành công trong sự nghiệp mang lại cho họ sự thuận tiện: Không cần phải nhờ đến sự giúp đỡ tài chính từ cha mẹ nên không nhiều khi không quá gần gũi với cha mẹ.
Tôi biết một cô gái như thế này: Những năm tuổi trẻ cô rất yêu một người bạn trai nhưng bố mẹ đã bắt chia tay anh ta. Người bạn trai sau đó trở thành nỗi tiếc nuối đau đớn nhất của cô gái. Kể từ đó, cô chỉ muốn kiếm tiền và có một sự nghiệp thành công. Hiện cô ấy đang điều hành hai công ty.
Khi cô sinh đứa con đầu lòng, bố mẹ đã đề nghị giúp chăm sóc em bé và cô trong thời gian ở cữ. Tuy nhiên cô từ chối: “Con đã thuê bảo mẫu và quản gia rồi, nên không làm phiền bố mẹ nữa”. Bây giờ cô đã có hai con, dù khi mang thai, sinh nở hay lúc khác, đều không phụ thuộc vào nhà ngoại một xu.
Hãy nghĩ xem, những năm tháng cuối đời, cuộc sống của con cái và các cháu đều trở thành tâm điểm được quan tâm đối với người già. Hầu hết người cao tuổi đều muốn tham gia vào cuộc đời con cái. Tuy nhiên, nếu mối quan hệ với con cái căng thẳng, không hòa thuận thì những việc như “chơi đùa với cháu”, “hạnh phúc quây quần”, chẳng phải cũng trở nên xa xỉ hay sao?