Khi NATO kỷ niệm 75 năm thành lập, lời hứa về một tương lai nằm trong liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương cho Ukraine một lần nữa được đưa ra.
Ukraine cuối cùng sẽ gia nhập NATO vì sự hỗ trợ từ các nước thành viên vẫn vững chắc, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết hôm 4/4.
“Ukraine sẽ trở thành thành viên của NATO. Mục đích của chúng tôi tại hội nghị thượng đỉnh là giúp xây dựng cầu nối cho tư cách thành viên đó”, ông Blinken nói với các phóng viên ở Brussels.
Bình luận của nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ được đưa ra sau cuộc gặp của ông với người đồng cấp Ukraine tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao NATO.
“Tất nhiên, chúng tôi tin rằng Ukraine xứng đáng trở thành thành viên của NATO và điều này sớm hay muộn sẽ xảy ra”, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba đáp lại.
Hai Bộ trưởng cũng thảo luận về xung đột Nga-Ukraine và các cách để củng cố ngành năng lượng của quốc gia Đông Âu trước các làn sóng tấn công của Moscow. Khả năng Ukraine gia nhập NATO là một trong những lý do Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở quốc gia Đông Âu để phản ứng.
Về bình luận mới nhất của Ngoại trưởng Mỹ, Thượng nghị sĩ J.D. Vance của Đảng Cộng hòa gọi tuyên bố của ông Blinken là “vô trách nhiệm”.
“Ukraine không nên gia nhập NATO, mời họ gia nhập khối trong thời chiến là mời đất nước chúng ta tham chiến”, ông Vance viết trên X/Twitter. “Các vị có muốn lực lượng mặt đất của Mỹ ở Ukraine không? Nếu không, chúng ta phải phản đối ý kiến cho rằng Ukraine nên gia nhập NATO”.
Những ngày này NATO cũng đồng thời đang tranh luận về kế hoạch cung cấp thêm hỗ trợ quân sự cho Ukraine trong bối cảnh các lực lượng Nga chiếm thế thượng phong trên chiến trường, gói viện trợ bổ sung của Washington bị tắc tại Hạ viện Mỹ, lời hứa của châu Âu về việc cung cấp 1 triệu viên đạn đã bị thất bại thảm hại.
Về kịch bản NATO đưa quân tới Ukraine mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron liên tục nhắc đến trong những tuần qua, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định liên minh không có kế hoạch triển khai quân tới đó, và Kiev cũng không đưa ra yêu cầu như vậy.
Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp của các Ngoại trưởng NATO ở Brussels hôm 4/4, ông Stoltenberg nói: “Cuộc chiến đã bước sang năm thứ 3… Tình hình trên chiến trường rất khó khăn. Đây là lập luận để tăng cường chứ không giảm bớt sự ủng hộ của chúng tôi”.
Trả lời câu hỏi về nhu cầu của Ukraine và nhu cầu có thêm hệ thống phòng không, bao gồm cả hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất, ông Stoltenberg lưu ý rằng các đồng minh NATO hiểu được tính cấp bách của tình hình. Ông nói: “Vì vậy, các đồng minh sẽ xem xét tồn kho của mình để xem có thể cung cấp thêm các hệ thống, đặc biệt là Patriot, hay không”.
Trả lời một câu hỏi khác về khả năng Nga phát động cuộc tấn công mùa xuân, vị quan chức hàng đầu NATO nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải huy động thêm sự hỗ trợ cho Ukraine. Ông cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cung cấp sự hỗ trợ lâu dài hơn cho Ukraine.
Minh Đức (Theo Fox News, Anadolu)