Giữ thói quen đạp xe quanh Hồ Tây mỗi chiều thứ 7 hàng tuần, Thùy Liên (24 tuổi, Cầu Giấy) thường chi trả khoảng 30.000 đồng/xe cho 2 tiếng thuê xe đạp tại khu vực này.
Khác với mục đích di chuyển giữa các địa điểm, Liên và bạn của mình coi việc đạp xe hàng tuần là cách để rèn luyện sức khỏe sau 1 tuần làm việc hầu như chỉ ngồi ở văn phòng. Vì vậy, theo Liên, tiêu chí để chọn xe đạp phù hợp với mục đích của cô là đi êm, có giảm xóc, chắc chắn và an toàn.
Giải mã sức hút
Hiện nay, xe đạp công cộng đang rất tiện lợi và được kỳ vọng là phương tiện “quốc dân” trong thời gian tới tại Việt Nam. Mặc dù vậy, phương tiện này phù hợp với việc di chuyển hàng ngày hơn so với hoạt động rèn luyện thể thao.
Nguyên nhân trên tạo điều kiện cho mô hình kinh doanh thuê xe đạp tại hồ Tây ngày càng nở rộ. Các cửa hàng cho thuê xe dọc các tuyến phố Nguyễn Đình Thi, Trích Sài… luôn tấp nập khách ra vào, cho dù hệ thống xe đạp công cộng đã được triển khai tại khắp Hà Nội.
Trao đổi với phóng viên, bà L.T.H (30 tuổi), chủ một cửa hàng trên phố Trích Sài cho rằng:
“Xe đạp cộng đồng có kích thước nhỏ, không có bộ phận tăng giảm tốc độ như xe địa hình. Vì vậy, người dân coi đạp xe như hoạt động thể thao thì sẽ thích di chuyển bằng xe địa hình để đi hơn, do có khung xe chắc chắn, bánh xe dày thích ứng tốt với phần đường không bằng phẳng”.
Thường xuyên sử dụng dịch vụ thuê đạp xe hồ Tây, chị Thùy Liên (24 tuổi, Cầu Giấy) nói: “Tôi phải di chuyển xe máy ra Hồ Tây, nên tôi ưu tiên chọn các khu vực cho thuê xe đạp ở Trích Sài nhiều hơn, vì các địa điểm xe cộng đồng ít bãi đỗ xe hoặc sẽ bị tính phí”.
Là một nhân viên công sở, dùng cả 2 dịch vụ thuê xe đạp công cộng và địa hình, anh Trung Dũng (27 tuổi, Tây Hồ) chia sẻ:
“Tôi hay chọn đi xe đạp công cộng để tới công ty hàng ngày vì gần nhà, có cả rổ đựng đồ nữa nên khá tiện. Còn để rèn luyện sức khỏe, tôi thích loại xe địa hình, tại các cửa hàng cho thuê có đa dạng các loại xe giúp tôi thoải mái lựa chọn để trải nghiệm”.
So sánh về giá tiền hai loại hình này không hề chênh lệch nhau. Mức giá cho thuê xe đạp công cộng là 5.000 đồng/30 phút cho xe đạp cơ và 10.000 đồng/30 phút cho xe đạp điện. Trong khi dịch vụ cho thuê xe đạp ở Hồ Tây thường có giá là 30.000 đồng/xe/3 tiếng.
Những chiếc xe đạp công cộng được thiết kế đơn giản với gam màu chủ đạo là trắng và xanh dương. Khung xe bằng sắt rất chắc, có kèm một cái kẹp ở giữa tay lái để kẹp điện thoại phòng trường hợp khách cần xem bản đồ hoặc nghe nhạc. Xe có thể điều chỉnh độ cao thấp của yên một cách dễ dàng và nhanh chóng.
Người thuê có thể lấy, gửi trả xe tại một trạm bất kỳ, cũng có thể mua vé ngày, vé tháng. Nhìn chung, phương tiện công cộng được thiết kế khá tiện lợi, dễ dàng, thân thiện, đáp ứng được nhu cầu cơ bản sử dụng cho mọi đối tượng sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.
Tuy nhiên, xét về mục đích rèn luyện sức khỏe, thể lực hàng ngày, chinh phục những cung đường dài, nhiều người vẫn ưa thích lựa chọn loại xe địa hình.
Khung xe đạp địa hình thường lớn và chắc chắn, được làm từ vật liệu cao cấp để tăng độ bền và khả năng chịu va đập. Bánh xe có nhiều rãnh sâu nhỏ giúp tăng cường ma sát với mặt đường, phù hợp cho việc di chuyển trên các địa hình khó khăn. Ghi đông thẳng được thiết kế để giảm mệt mỏi cho người điều khiển. Lốp xe có độ dày vừa phải, giúp hạn chế nguy cơ xịt lốp khi di chuyển trên đường.
Một phần, cũng nhờ lợi thế về mẫu mã, kiểu dáng đa dạng như xe đạp đôi, xe đạp bé cho trẻ con mà dịch vụ thuê đã giúp nhiều tiểu thương không quá bị lép vế, cạnh tranh khốc liệt với mô hình xe đạp công cộng.
Chính vì thế, trong khi dịch vụ thuê xe đạp công cộng khá đìu hiu thì dịch vụ thuê xe đạp của các tiểu thương lại tấp nập khách ra vào.
Hút khách hơn khi vào hè
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, dọc tuyến phố Trích Sài, Nguyễn Đình Thi (Tây Hồ, Hà Nội) có tới hơn 10 cửa hàng cho thuê xe đạp, còn lại là 4-5 điểm cho thuê tự phát, treo 1 chiếc biển thông báo giá lên cây và trưng bày vài chiếc xe đạp trên vỉa hè.
Đây là tuyến đường thông thoáng, thuận tiện cho người thuê xe có thể dễ dàng bắt đầu hành trình đạp xe quanh hồ. Trên vỉa hè, các loại xe đạp được xếp theo từng cụm gồm: Xe đạp địa hình, xe đạp thường, xe đạp đôi,… phù hợp với lứa tuổi, sở thích của khách hàng.
Các cửa hàng thuê thường tận dụng vỉa hè để chứa khoảng 20-30 chiếc xe đạp. Một ngày thường đón 50 đến 60 lượt khách, cuối tuần đông hơn có thể lên đến 200 lượt khách.
Mở cửa hàng từ 5h sáng đến 9h tối hàng ngày, anh Trương Văn Dũng (30 tuổi), chủ một cửa hàng trên phố Trích Sài cho biết, doanh thu trung bình 1 tháng rơi vào khoảng 60-70 triệu đồng, chưa tính các chi phí khác. Hiện tại, cửa hàng anh đang có tầm 60 chiếc xe.
Bận rộn hướng dẫn khách thuê xe, anh Tùng (28 tuổi), nhân viên cửa hàng cho thuê xe đạp trên phố Trích Sài chia sẻ:
“Mỗi lượt khách trả là tôi phải lau chùi lại cho người đằng sau thuê, vừa phải để ý trông xe khách đề phòng mất cắp. Vào hè nên nhiều người thích đạp xe quanh hồ vì thời tiết mát mẻ, nên thành ra nhiều hôm tất bật cả ngày từ sáng đến tối”.
Đam mê đạp xe sau mỗi giờ tan làm, chị Minh Hương (30 tuổi) cho biết: “Sau khi kết thúc công việc, tôi thường đạp xe quanh hồ để thư giãn sau một ngày lao động năng suất. Đây cũng là một hoạt động gắn kết tình cảm của gia đình tôi vào mỗi cuối tuần”.
Hưởng ứng theo phong trào, bạn Hồng Thắm (20 tuổi) chia sẻ: “Đi học toàn thời gian, vì vậy, cuối tuần tôi thường rủ bạn lên hồ Tây đạp xe. Dịch vụ thuê xe đạp khá tiện lợi, nó phù hợp với nhu cầu hiện tại chỉ đạp xe khi có thời gian rảnh của tôi”.
Đa số người sử dụng hình thức thuê xe đạp đều bày tỏ sự hứng thú với loại hình thể dục này. Để tránh giờ cao điểm, người lớn tuổi thường lựa chọn đạp xe vào khoảng 15h, vì dọc đường Hồ Tây thường tắc nghẽn.
Diễm Quỳnh