Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Giào, Viện trưởng Viện Ứng dụng khoa học tâm lý – giáo dục, chia sẻ như vậy với PV Báo Thanh Niên bên lề sự kiện lễ kỷ niệm 3 năm ngày thành lập Viện Ứng dụng khoa học tâm lý – giáo dục vừa diễn ra hôm nay, 6.4 tại TP.HCM.
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Giào nêu ra hiện tượng phổ biến trong đời sống hiện đại, bùng nổ công nghệ, là các thành viên trong gia đình ít có thời gian quan tâm, chăm sóc lẫn nhau. Vì cuộc sống làm việc bận bịu, nhiều bậc phụ huynh không có thời gian tâm sự, lắng nghe, thấu hiểu con mình, trong khi con cái cũng chạy theo với sự thay đổi phát triển của xã hội. Nhiều em lại được tiếp xúc với công nghệ từ sớm, thiếu sự sát sao của gia đình. Chính vì vậy, áp lực cuộc sống, gia đình, áp lực và học tập… dần dần đẩy con cái ra xa cha mẹ. Từ đó, nhận thức tiêu cực của giới trẻ không được phát hiện để điều chỉnh kịp thời nên ngày càng có điều kiện để phát triển và bộc lộ những hành động tiêu cực.
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Giào cũng nhìn nhận rằng học sinh, sinh viên hiện nay phải đối mặt với nhiều áp lực từ việc học tập, thi cử, các vấn đề từ bạo lực học đường, từ đó làm gia tăng nguy cơ mắc phải bệnh trầm cảm, căng thẳng thần kinh, rối loạn lo âu vô cùng nguy hiểm.
Trong thực tế làm việc, tiếp xúc, lắng nghe nhiều chia sẻ của học sinh, sinh viên, Viện trưởng Viện Ứng dụng khoa học tâm lý – giáo dục cho biết nhiều bạn trẻ gặp áp lực lớn từ cả sự kỳ vọng của cha mẹ. Trong khi phụ huynh không quan tâm đến hành trình con đang đi mà chỉ quan tâm tới kết quả, điểm số, tức là bạn học sinh – sinh viên đó đang thiếu đi sự hỗ trợ nguồn lực từ cha mẹ. Nhiều bạn gặp khủng hoảng tâm lý, quá ngưỡng chịu đựng, có những biểu hiện như hay sợ hãi, gặp ác mộng, các bạn hay cau có, khó chịu với các âm thanh, tiếng ồn xung quanh, không vui vẻ khi học tập…
Trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm ngày 6.4, ông Giào nhận định: “Cơn bão trầm cảm trở thành một vấn nạn nan giải trong nhà trường, xã hội hiện nay. Hiện tượng trầm cảm của học sinh ngày càng có diễn biến phức tạp, thậm chí, có những em vì vượt quá sức chịu đựng của bản thân đã dẫn tới nhiều hệ lụy đáng tiếc khác”.
Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Giào dẫn ra các con số đáng chú ý: Trên thế giới, với 1,2 tỉ trẻ vị thành niên thì ước tính có đến 10 – 20% trẻ mắc các vấn đề về sức khỏe tinh thần. Ở Việt Nam, số trẻ ở độ tuổi vị thành niên mắc phải các vấn đề sức khỏe tinh thần ở mức 30%, đặc biệt là ở trong giai đoạn tuổi dậy thì, nhiều gấp 1,5 đến 2 lần so với thế giới. Tỷ lệ tổn thương sức khỏe tinh thần cao, khoảng 8% đến 29%.
Theo khảo sát dịch tễ học quốc gia tại 10 tỉnh/thành phố trong số 64 tỉnh/thành phố thì có khoảng 12%, tương đương khoảng 3 triệu trẻ em và vị thành niên gặp vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần. Thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai cho thấy tại Việt Nam, hiện có khoảng 30% dân số có rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. Mỗi năm, số người tự sát do trầm cảm ở nước ta từ 36.000 – 40.000 người. Theo báo cáo của UNICEF, có ít nhất 3 triệu thanh thiếu niên tại Việt Nam gặp phải các vấn đề về tâm lý, tinh thần nhưng sự can thiệp của y tế cũng như các hỗ trợ cần thiết chỉ tiếp cận được khoảng 20% trong tổng số. Còn theo một khảo sát được thực hiện trên địa bàn TP.HCM cho thấy 6% dân số bị mắc chứng trầm cảm và có xu hướng trẻ hóa với sự gia tăng số người mắc trong độ tuổi từ 15 – 27.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Giào, trong các giải pháp cho từng vấn đề nêu trên có vai trò quan trọng của gia đình – cha mẹ, người thân bên cạnh các em, của nhà trường, người làm công tác quản lý giáo dục và hoạt động tham vấn tâm lý, vì con người là trung tâm của mọi vấn đề. Do đó, trong ngày kỷ niệm 3 năm ngày thành lập Viện, ông Phạm Văn Giào khẳng định trong các năm tới, Viện sẽ tiếp tục phát huy chức năng tư vấn, phản biện, giám định xã hội; nghiên cứu, ứng dụng thành tựu khoa học tâm lý – giáo dục và những khoa học khác có liên quan, hội tụ những thầy cô có tâm, tài, nhiệt huyết, vì các thế hệ học sinh, sinh viên và người học nói chung.
Viện Ứng dụng khoa học tâm lý – giáo dục (viết tắt là IAPE) thành lập ngày 1.4.2021 theo quyết định của Hội khoa học tâm lý – giáo dục Việt Nam ban hành, được Bộ Khoa học – Công nghệ cấp phép hoạt động.