Ứng viên bất ngờ
Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã bắt tay vào công cuộc tìm kiếm người kế nhiệm HLV Philippe Troussier trên cương vị “thuyền trưởng” đội tuyển Việt Nam. Dù còn tới 2 tháng mới đến đợt tập trung tiếp theo (để thi đấu nốt 2 trận cuối vòng loại 2 World Cup 2026), nhưng việc sớm tìm được HLV trưởng cho đội tuyển (và có thể là U.23 VN) là điều nên làm.
Bởi chiến lược gia mới sẽ không chỉ đảm nhận công tác huấn luyện và chỉ đạo chuyên môn, mà còn phải phối hợp với VFF để lên kế hoạch dài hạn cho đội tuyển Việt Nam, trong bối cảnh cửa vào vòng loại 3 đã rất hẹp, mà bóng đá Việt Nam đang ở giai đoạn chuyển giao hỗn mang.
Những chiến lược gia muốn ngồi vào ghế “nóng” đang dần lộ diện. HLV đầu tiên công khai mong muốn dẫn dắt đội tuyển Việt Nam là Alexandre Polking, cựu chiến lược gia của đội tuyển Thái Lan. Ông Polking có 6 năm làm việc ở Thai League khi dẫn dắt CLB Bangkok United, sau đó sang Việt Nam cầm quyền tại CLB TP.HCM ở mùa giải 2021, trước khi trở lại Thái Lan để giúp đội tuyển nước này vô địch AFF Cup 2020 và 2022.
Bên cạnh HLV Polking, báo chí Hàn Quốc khẳng định những HLV giàu kinh nghiệm như Kim Sang-sik (từng dẫn dắt Jeonbuk Hyundai Motors vô địch K-League) hay Kim Do-hoon (vô địch AFC Champions League cùng Ulsan Hyundai) cũng nhập cuộc.
Trong đó, ông Kim Do-hoon là ứng viên rất sáng giá khi từng cùng Ulsan Hyundai đến VN tập huấn, đá giao hữu. Ở tuổi 54, chiến lược gia người Hàn Quốc đang ở ngưỡng đỉnh cao của nghề HLV. Không quá già để có thể tiếp nhận cái mới, nhưng cũng không quá trẻ, sở hữu bề dày kinh nghiệm vừa đủ để quản lý cầu thủ, thích nghi với biến động của bóng đá Việt Nam.
Mới đây, HLV Lee Young-jin cũng được ông Bae Ji-won (cựu HLV thể lực thời HLV Park Hang-seo) tiến cử vào ghế huấn luyện. Là cánh tay phải của HLV Park Hang-seo trong suốt 5 năm thành công của đội tuyển Việt Nam, ông Lee hiểu rõ đặc tính cầu thủ VN cùng phương pháp quản trị để điều hòa phòng thay đồ.
Những ứng viên nào sẽ thay thế HLV Philippe Troussier tại U.23 và đội tuyển Việt Nam?
Nếu đàm phán bổ nhiệm ông Lee, VFF sẽ có giải pháp rất an toàn, gần như không tốn thời gian để thích nghi, làm quen với cầu thủ. Tuy nhiên, điểm trừ của ông Lee Young-jin là đã có tới 8 năm không ngồi ghế HLV trưởng, mà chỉ sắm vai “phó tướng”. Ông Lee là trợ lý giỏi, nhưng điều đó không đồng nghĩa ông sẽ trở thành HLV trưởng giỏi, bởi vốn dĩ hai vị trí đòi hỏi những phẩm chất khác nhau.
Phải có ê kíp giỏi cho HLV trưởng
Thời điểm này, VFF mới đang xúc tiến trao đổi qua lại với các ứng viên, mà chưa mở cuộc đàm phán trực tiếp. Bởi các phòng ban chuyên môn của VFF và Hội đồng HLV quốc gia mới đang ở bước nghiên cứu hồ sơ. Tuy nhiên, VFF sẽ không bỏ qua ứng viên nào, mà xem xét toàn diện từng HLV một trước khi lựa chọn.
Mọi bước đi phải được tiến hành rất kỹ lưỡng, thận trọng, tránh lặp lại sai lầm như đã có với HLV Troussier. Tuy nhiên, những HLV đến từ những nền văn hóa gần gũi, hiểu bóng đá Việt Nam cũng như bóng đá Đông Nam Á sẽ chiếm ưu thế lớn nhất.
Ông Mai Đức Chung, thành viên Hội đồng HLV quốc gia, bày tỏ tân HLV trưởng đội tuyển Việt Nam cần hiểu rõ hiện trạng và bản chất văn hóa Việt Nam, để sẵn sàng thích nghi, tìm ra cách quản trị con người hợp lý, nhưng vẫn phải có chính kiến, cá tính của riêng mình trong việc định hình màu sắc chơi bóng cho đội tuyển quốc gia.
Chuyên gia Đoàn Minh Xương cho rằng muốn tìm HLV giỏi, trước tiên bóng đá Việt Nam phải biết mình ở đâu: “Đội tuyển Việt Nam sẽ hướng tới mục tiêu ngắn hạn như vô địch AFF Cup, đứng đầu Đông Nam Á, hay mục tiêu dài hạn như tham dự World Cup 2030? Thực lực chúng ta đã đủ để mơ World Cup chưa, cái đó phải thực tế.
Từ nhìn nhận đúng thực lực đội tuyển Việt Nam, VFF mới có thể tìm kiếm HLV phù hợp với mục tiêu. Tôi cho rằng người nổi tiếng không bằng người phù hợp. Ngoài ra, VFF cần trang bị cho tân HLV trưởng đội ngũ trợ lý giỏi. Các trợ lý có thể do HLV trực tiếp chọn, nhưng VFF cần quản lý, đan xen khéo léo giữa trợ lý nội và trợ lý ngoại để đảm bảo sự tiếp nối về chuyên môn cũng như góp ý dễ dàng hơn cho HLV trưởng”.