Dù còn nhiều thách thức, khó khăn song tình hình bên ngoài và trong nước cũng đang có nhiều dấu hiệu chuyển biến thuận lợi hơn và cần tận dụng, nỗ lực cao nhất để đạt mức tăng trưởng khoảng 6,5% trong năm nay.
Hai kịch bản tăng trưởng
Đúng một tuần trước thời điểm Tổng cục Thống kê công bố các dữ liệu kinh tế tháng 3 và quý I, Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu Ngân hàng Standard Chartered phát hành báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, trong đó đưa ra dự báo tăng trưởng GDP quý I ở mức 6,1%. Riêng tháng 3, báo cáo này đưa ra một số dự báo (so với cùng kỳ năm ngoái), đáng chú ý như: Lạm phát tăng lên mức 4,2%; doanh số bán lẻ tăng 9,2%; xuất khẩu tăng 5,2%, trong khi nhập khẩu tăng 5,0% và thặng dư thương mại có thể thu hẹp xuống mức 0,8 tỷ USD…
Sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực, là một động lực quan trọng của tăng trưởng |
Soi lại các số liệu chính thức cho thấy, có một số chỉ số đạt thấp hơn dự báo trên. Ví dụ, tăng trưởng GDP quý I thực tế thấp hơn, khi chỉ tăng 5,66%… tuy nhiên về cơ bản, hầu hết số liệu – ngoại trừ lạm phát – đều vượt cao hơn rất nhiều so với các dự báo mà Standard Chartered đưa ra. Đáng chú ý, báo cáo của Standard Chartered cho thấy sự thận trọng và lo ngại nằm ở nửa đầu năm 2024. Theo chia sẻ của ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế Việt Nam và Thái Lan, Ngân hàng Standard Chartered, dự báo áp lực lạm phát gia tăng và những thách thức đến từ thương mại toàn cầu sẽ khiến triển vọng tăng trưởng kinh tế nửa đầu năm 2024 của Việt Nam chỉ ở mức khoảng 6,2%, trước khi có đà phục hồi mạnh mẽ hơn để đạt mức 6,9% trong nửa cuối năm và qua đó giúp tăng trưởng GDP cả năm ở mức 6,7%.
Nền kinh tế đã đi qua 1/4 chặng đường năm 2024 với kinh tế vĩ mô ổn định, áp lực lạm phát không quá lớn, thương mại toàn cầu thuận lợi hơn so với các dự báo đầu năm, cùng hàng loạt điểm sáng tích cực khác đạt được trong quý I vừa qua là cơ sở để Chính phủ và các bộ, ngành địa phương vững tin và “chắc tay” hơn trong điều hành, hướng tới đạt được các kết quả tốt nhất.
Thực tế, tăng trưởng GDP quý I/2024 vừa qua không chỉ cao hơn mức tăng trưởng GDP quý I các năm 2020-2023 mà còn cao hơn cận trên trong kịch bản điều hành để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6%-6,5% đã đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ (trong đó, quý I phấn đấu đạt mức tăng trưởng tương ứng 5,2% và 5,6%). Trên cơ sở kết quả quý I, dự báo tình hình quý II và cả năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo 2 kịch bản tăng trưởng GDP năm nay. Theo đó ở Kịch bản một, tăng trưởng cả năm dự kiến đạt 6% (cận dưới mục tiêu Quốc hội quyết nghị), 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,12%. Trong đó, tăng trưởng quý II là 5,85%; quý III và IV lần lượt là 6,22% và 6,28%, đạt mức cận dưới hoặc thấp hơn kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.
Ở Kịch bản hai, tăng trưởng cả năm đạt 6,5% (cận trên mục tiêu Quốc hội quyết nghị), 9 tháng cuối năm tăng khoảng 6,75%. Trong đó, tăng trưởng quý II là 6,32%; quý III và quý IV lần lượt là 6,79% và 7,08%. Tăng trưởng các quý cao hơn khoảng 0,1% so với cận trên kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP. Trong điều kiện tình hình thế giới, khu vực và trong nước chuyển biến thuận lợi hơn, tiếp tục nghiên cứu, triển khai các chính sách hỗ trợ mới, nhất là tài khóa, tiền tệ… để phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất. Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị lựa chọn Kịch bản hai.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong phát biểu kết luận nhấn mạnh, phải nỗ lực cao nhất, thực hiện tốt nhất, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng GDP ở mức khoảng 6,5%.
Nhận diện, chủ động đối mặt, vượt qua
Nhận diện rõ những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức; đồng thời nắm chắc tình hình thực tiễn, phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, linh hoạt, đúng thời điểm, hiệu quả; quyết tâm khắc phục, vượt qua mọi khó khăn, mọi thách thức với cách làm đổi mới để thúc đẩy công việc là bài học và yêu cầu được người đứng đầu Chính phủ đặt ra. Cùng với đó, quyết tâm nỗ lực phấn đấu cao nhất để thúc đẩy các động lực tăng trưởng; quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, tăng cường phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp; quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung, đồng thời thúc đẩy phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm… cũng được Thủ tướng nhấn mạnh.
Mặc dù kết quả đạt được vừa qua là cơ bản, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó, Thủ tướng lưu ý về sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, nhất là lạm phát, lãi suất, tỷ giá còn cao do giá dầu thô, giá lương thực, lãi suất, tỷ giá trên thị trường thế giới biến động mạnh; rủi ro trên các thị trường tài chính, xu hướng bất ổn chính trị, kinh tế, xã hội trên thế giới tiếp tục gia tăng… Do đó Thủ tướng nhấn mạnh việc bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; bảo đảm cung ứng đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế; giám sát chặt chẽ tình hình nợ xấu, bảo đảm an toàn hệ thống; tiếp tục có biện pháp mạnh giảm mặt bằng lãi suất cho vay; nâng cao hiệu quả xử lý nợ xấu, năng lực, hiệu quả hoạt động, sự ổn định, an toàn của hệ thống ngân hàng; giữ vững ổn định thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, không để xảy ra những biến động bất lợi; thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước – quốc tế; phấn đấu tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối.
Cùng với đó, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế trên tất cả các lĩnh vực, trong đó tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) và bổ sung, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ và các ngành, lĩnh vực mới nổi như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hydrogen…). Đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững.