Chiều 5/4, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, động thái này của nhà xuất bản được thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT về việc kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí để giảm giá sách giáo khoa, hỗ trợ người tiêu dùng, đảm bảo an sinh xã hội. Đây cũng là chính sách theo nghị quyết của Chính phủ và Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Đây là nỗ lực rất lớn của toàn hệ thống Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam để có giá sách giáo khoa ở mức thấp nhất, vì mục tiêu hỗ trợ học sinh và giáo viên, đảm bảo an sinh xã hội.
Với sách giáo khoa tái bản (lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11), Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã rà soát các khoản mục chi phí liên quan, đặc biệt là chi phí tổ chức bản thảo, các chi phí khâu lưu thông để giảm giá sách giáo khoa.
Giá bìa mới của các cuốn sách giáo khoa tái bản áp dụng từ năm học 2024-2025 được điều chỉnh giảm so với các năm trước. Cụ thể giá bìa bộ sách giáo khoa Kết nối tri thức với cuộc sống giảm 9,6%, giá bìa bộ sách giáo khoa Chân trời sáng tạo giảm 11,2%.
Với sách giáo khoa các lớp 5, 9, 12 áp dụng mới từ năm học 2024 – 2025, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xây dựng giá theo cơ cấu giá đã giảm của sách giáo khoa tái bản.
Ông Tùng cho biết, giá sách giáo khoa các lớp được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hoàn thành thủ tục kê khai với Cục Quản lý Giá – Bộ Tài chính theo đúng quy định.
Trong những chi phí mà nhà xuất bản đã rà soát tiết giảm để giảm giá thì có 2 khoản mục quan trọng. Một là, chi phí tổ chức bản thảo. Nhà xuất bản đã cập nhật sản lượng phát hành thực tế. Sản lượng này lớn hơn so với sản lượng dự kiến, do đó chi phí tổ chức bản thảo phân bổ trên từng bản sách giảm xuống.
Hai là, chi phí khâu lưu thông tiếp tục được nhà xuất bản tiết giảm, theo đó việc tiết giảm chi phí phát hành và bán hàng đã giúp giảm được 2,5% giá bìa.
Ngày 20/3, Chính phủ ban hành Nghị quyết 32 về kế hoạch thực hiện nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành chiến lược, quy hoạch thời kỳ 2021 – 2030 về phát triển GD&ĐT và các quy hoạch khác có liên quan, hoàn thành trong năm 2024.
Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành ban hành văn bản hướng dẫn về phương pháp định giá sách giáo khoa, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí xuất bản, phát hành để giảm giá sách giáo khoa. Sửa đổi, bổ sung quy định về thực nghiệm, phê duyệt và lựa chọn sách giáo khoa.