Hội thảo với mục tiêu nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo, thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả tài nguyên và bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao thu nhập của nông dân và lợi ích cho người tiêu dùng, đảm bảo xuất khẩu gạo chất lượng cao và giá trị cao.
Ngày 23/06/2023, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ban hành Quyết địnhsố 2258/QĐ-BNN-HTQT về việc thành lập Nhóm công tác Đối tác công tư (PPP) về lúa gạo và giao Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bayer Việt Nam làm đồng chủ trì nhóm công tác.
Việc thành lập nhóm công tác Đối tác công tư ngành hàng lúa gạo là rất cần thiết và đúng lúc để góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam và nâng cao giá trị gia tăng của lúa gạo thông qua chuỗi giá trị. Cùng đó là tăng thu hút đầu tư và tăng cường hiện đại hóa hệ thống nông nghiệp và lương thực thông qua áp dụng công nghệ và kết nối đổi mới sáng tạo mang lại lợi ích cho nông dân và nông nghiệp Việt Nam.
Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, khối công sẽ thực hiện nhiệm vụ chủ trì triển khai xây dựng các gói kỹ thuật, ban hành tài liệu kỹ thuật, thực hiện chuyển giao, hướng dẫn, hỗ trợ hộ dân áp dụng mô hình sản xuất lúa gạo chất lượng cao. Tác nhân tham gia là tổ chỉ đạo sản xuất và xây dựng hệ thống khuyến nông, tổ chức quốc tế (IRRI, GIZ,… ) và các viện nghiên cứu.
Đối với khối tư, thực hiện nhiệm vụ cung cấp vật tư, công nghệ cho nghiên cứu, thử nghiệm, cung cấp bằng chứng phục vụ xây dựng mô hình sản xuất lúa gạo chất lượng cao, thí điểm và hỗ trợ thực hiện gói kỹ thuật trên đồng ruộng. Tác nhân tham gia là doanh nghiệp cung cấp vật tư, công nghệ, doanh nghiệp lúa gạo, hợp tác xã, tổ hợp tác và hộ nông dân tại địa bàn thử nghiệm, áp dụng mô hình sản xuất lúa gạo chất lượng cao.
Thực tế, thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã hợp tác với các đối tác triển khai các mô hình hợp tác công tư trong canh tác lúa. Điển hình như, phối hợp với Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền thực hiện Chương trình “Canh tác lúa thông minh thích ứng biến đổi khí hậu vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
Theo đó, chương trình thực hiện từ 2016 – 2023, triển khai tại 12 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Kết quả đã giảm lượng giống 29 – 32%, lượng phân bón giảm 10 – 30%, năng suất trung bình 6,31 – 8,56 tấn/ha, chi phí đầu tư giảm trên 1 triệu đồng/ha, lợi nhuận tăng trên 13% tương đương trên 3,8 triệu đồng/ha. Chương trình đã giúp nâng cao trình độ kỹ thuật canh tác của cán bộ kỹ thuật và giúp cho bà con nông dân, hợp tác xã tham gia mô hình cũng như ngoài mô hình tiếp cận và áp dụng nhiều giải pháp canh tác hiệu quả. Các giải pháp canh tác thông minh đã và đang áp dụng để hiện thực hóa việc đóng góp của Việt Nam cho Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu.
Quang cảnh hội thảo
Theo ông Tô Việt Châu, Phó Vụ trưởng vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT, việc thành lập nhóm Đối tác công tư ngành hàng lúa gạo sẽ góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam và nâng cao giá trị gia tăng của lúa gạo thông qua chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, tăng thu hút đầu tư và tăng cường hiện đại hóa hệ thống nông nghiệp và lương thực thông qua áp dụng công nghệ và kết nối đổi mới sáng tạo mang lại lợi ích cho nông dân và nông nghiệp Việt Nam.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của các bên trong nhóm công tác ngành hàng lúa gạo, thống nhất các nội dung Dự thảo phân công nhiệm vụ các tổ công tác PPP ngành hàng lúa gạo và quy chế làm việc; Xây dựng kế hoạch hành động của các tổ công tác PPP ngành hàng lúa gạo để thực thi chủ trương, chính sách của Bộ Nông nghiệp về sản xuất lúa gạo, quản lý và hỗ trợ phát triển ngành lúa gạo theo hướng cạnh tranh cao, chất lượng, vệ sinh an toàn, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả kinh tế, bền vững về xã hội và môi trường.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam, Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao được xem là sự thay đổi với ngành lúa gạo khi đề ra mục tiêu hình thành vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn ổn định lâu dài, đảm bảo chất lượng, quy trình sản xuất hiện đại, đồng bộ, đáp ứng mục tiêu nâng cao giá trị chuỗi sản xuất lúa gạo.
Qua đó, đề án giúp cải thiện thu nhập cho nông dân, đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ chế biến, xuất khẩu gạo đạt hiệu quả cao; giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để đạt được mục tiêu trên, Việt Nam cần phải có những nỗ lực rất lớn, không chỉ từ phía Chính phủ mà cả khối tư nhân, doanh nghiệp, người sản xuất trực tiếp cùng tham gia. Trong đó, một trong những giải pháp then chốt được ưu tiên thực hiện là đẩy mạnh thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư trong thời gian tới.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam đã đưa ra những định hướng lớn để các doanh nghiệp, đối tác xem xét, xác định khả năng tham gia vào một số khâu trong Đề án. Trong đó, Thứ trưởng Nam xác định, trọng tâm của Đề án là giúp bà con nông dân thực hiện đạt quy trình canh tác bền vững.
Thứ trưởng Nam ủng hộ, khuyến khích và kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng tham gia, đầu tư vào các HTX và lực lượng khuyến nông để đưa công nghệ tiến gần hơn với nông dân, từ đó thay đổi nhận thức và hành động của bà con.
Thứ trưởng Nam xác định, đầu tư cho HTX là đầu tư về con người, giúp HTX nâng cao năng lực quản lý và khả năng ứng dụng công nghệ.