Vệ sinh tai đúng cách rất quan trọng. Ráy tai dư thừa đôi khi có thể tích tụ và gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan thính giác.
Thông thường, ráy tai sẽ thoát ra khỏi tai một cách tự nhiên thông qua việc nhai và các chuyển động khác của hàm. Tuy nhiên, đôi khi ráy tai có thể tích tụ và ảnh hưởng đến thính giác. Trong trường hợp này, chúng ta có thể cảm thấy bị đau tai, ù tai, suy giảm thính lực, chóng mặt, ho,…
Theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ), dùng tăm bông không phải là cách an toàn để loại bỏ ráy tai.
Cách an toàn nhất để loại bỏ ráy tai là đến gặp bác sĩ. Tại buổi thăm khám, bác sĩ có thể sử dụng các dụng cụ chuyên biệt như muỗng lấy ráy tai, kẹp hoặc thiết bị hút để loại bỏ ráy tai.
Ngoài ra, bạn cũng có thể lấy ráy tai tại nhà nhưng phải thật cẩn thận. Dưới đây là một số cách làm sạch ráy tai an toàn tại nhà.
1. Dùng khăn ẩm
Tăm bông có thể đẩy ráy tai sâu hơn vào ống tai. Do đó, mọi người chỉ nên sử dụng tăm bông ở bên ngoài tai hoặc tốt hơn là lau vùng bên ngoài tai bằng khăn ẩm.
2. Dùng thuốc nhỏ tai
Nhiều hiệu thuốc bán thuốc nhỏ tai không kê đơn, giúp làm mềm ráy tai. Trong thuốc nhỏ tai có thể chứa dầu khoáng, glyxerin, peroxit, hydro peroxit, nước muối.
Để áp dụng phương pháp này, bạn cần nhỏ một lượng thuốc nhất định vào tai, đợi một khoảng thời gian rồi rửa sạch tai. Ngoài ra, bạn cần đọc kỹ hướng dẫn trên bao bì và trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc nhỏ tai trước khi áp dụng.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết cơ thể có cơ chế tự làm sạch ráy tai, do đó, bạn không nên làm sạch tai của mình quá thường xuyên. Vệ sinh tai quá thường xuyên có thể gây kích ứng ống tai hoặc thậm chí dẫn đến ù tai. Ngoài ra, bạn không nên sử dụng những vật sắc, nhọn, không đảm bảo vệ sinh để vệ sinh tai.