Trạng thái này được cho là đến từ xu hướng chốt lời của giới đầu tư sau một thời gian tăng trưởng dài của VN-Index.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (5/4), VN-Index chốt phiên tại mốc 1.255,11 điểm, tiếp tục mất hơn 13 điểm, tương đương 1,04%. Đây cũng là phiên thứ 3 liên tiếp giảm của VN-Index.
Đà lao dốc xuất hiện từ phiên 3/4, tới phiên cuối tuần hôm nay, 5/4, VN-Index đã mất tổng gần 32 điểm. Trong đó, phiên 3/4 và phiên 5/4 thị trường “bốc hơi” nhiều điểm nhất, lần lượt là 15,57 điểm và 13,14 điểm.
Thanh khoản hiện vẫn được duy trì ở quanh ngưỡng 21.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy, dòng tiền vẫn đổ vào chứng khoán nhưng trong xu hướng chốt lời từ giới đầu tư sau một thời gian dài VN-Index tăng trưởng tích cực.
Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về bên bán với 381 mã giảm điểm, trong đó, 157 mã giảm hơn 1% giá trị, thị trường chìm vào sắc đỏ.
Nhiều nhóm ngành đóng vai trò chủ chốt những phiên trước bất ngờ đảo chiều lao dốc: ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, bán lẻ: TCB (Techcombank, HOSE) giảm 1,74%, đóng góp 1,06 điểm giảm; ACB (ACB, HOSE) giảm 1,45%, đóng góp 0,81 điểm giảm, MSN (Masan, HOSE) giảm 2,04%, đóng góp 0,62 điểm giảm,…
Còn những nhóm ngành khác tăng ngược dòng trong thời gian ngắn trở lại đây: hóa chất, cao su,…
Nhóm cổ phiếu ảnh hưởng tới chỉ số VN-Index phiên 5/4
“Điểm sáng” hôm nay đến từ cổ phiếu của “ông lớn” bất động sản, NVL (Novaland, HOSE) bất ngờ tăng đứng với gần 5%, đạt thị giá 18.300 đồng/cp, đóng vai trò làm trụ, kìm lại sức kéo của đà giảm. Đây là mức cao nhất trong vòng hơn 6 tháng qua.
Đặc biệt, khối lượng giao dịch của NVL hôm nay đã đạt gần 108 triệu cổ phiếu, tương ứng với 1.955 tỷ đồng. Con số này giúp NVL trở thành cổ phiếu có giá trị giao dịch phiên 5/4 cao nhất sàn, và cũng là mức thanh khoản cao thứ 3 trong lịch sử niêm yết của NVL.
Trạng thái này xuất hiện ngay sau thông tin Novaland đã hoán đổi thành công 2.346 tỷ đồng trái phiếu thành cổ phần tại một phần khu dự án Aqua City.
Ngoài ra, mới đây, trong danh sách chứng khoán không đủ điều kiện ký quỹ (margin) quý 2/2024 do HOSE công bố ngày 3/4, NVL đã không xuất hiện tại danh sách này nữa, do doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất (kiểm toán) 2023 với lợi nhuận dương.
Về kế hoạch kinh doanh, theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, Novaland cho biết, dự kiến doanh thu sẽ đạt 32.587 tỷ đồng, tăng 585%, lợi nhuận sau thuế là 1.079 tỷ đồng, tăng 122% so với năm ngoái.
Đối với khối ngoại, lực mua ròng đã có xu hướng thúc đẩy, cân bằng với lực bán ròng. Trong đó, cổ phiếu NVL (Novaland, HOSE) đạt giá trị mua ròng cao nhất – 224 tỷ đồng, kế tiếp là MWG (Thế giới di động, HOSE) mua ròng 121 tỷ đồng,…
Ở chiều ngược lại, VHM (Vinhomes, HOSE) chịu áp lực bán ròng mạnh nhất với 226 tỷ đồng.
Các chuyên gia cho rằng, trong tương lai gần, VN-Index đang đi vào giai đoạn “rung lắc” khi sự nghi ngờ về đà tăng trưởng gia tăng, bởi VN-Index đã trải qua một nhịp tăng dài, dòng tiền sẽ cần được phân bổ sang những nhóm ngành khác.
Nhóm phân tích FIDT dự báo, đối với trung hạn, dòng tiền vẫn có nhiều triển vọng đổ vào thị trường, dòng tiền rủi ro sẽ có kế hoạch lánh nạn, nên diễn biến thị trường trong tháng 4 sẽ có nhiều biến động và khó đoán.
Nhưng về dài hạn, trạng thái của thị trường vẫn là tích cực khi nền kinh tế đã có sự hồi phục rõ nét hơn, câu chuyện nâng hạng thị trường và niềm tin của nhà đầu tiếp tục là động lực thúc đẩy cho thị trường.
Các công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư, nên tận dụng nhịp điều chỉnh để tái cơ cấu danh mục cho hợp lý, ưu tiên các cổ phiếu có nền tảng và triển vọng lợi nhuận tốt.