Chọn mua căn hộ ở xa, vừa tầm chi trả
Năm 2018, tôi nảy ra ý định mua căn hộ. Tham khảo giá cả từ bạn bè từng mua và thông tin các dự án, tôi thấy rằng nếu mua gần trung tâm TP.HCM thì không đủ khả năng, chưa kể sổ hồng cấp chậm cũng là điều tôi lo ngại. Ra ngoại thành, tôi phải đối mặt vấn đề kẹt xe, tốn thời gian di chuyển.
Lúc đó, một người em tình cờ kể về các dự án chung cư khu vực làng đại học Thủ Đức (địa phận Dĩ An, Bình Dương) sắp khởi công, giá từ khoảng 800 triệu đồng/căn. Vị trí này thuận lợi, đi từ đây lên trung tâm TP.HCM không kẹt xe, sau này sẽ có tuyến tàu điện. Khu này đông dân cư, tương lai không ở mà bán đi hoặc cho thuê dễ dàng.
Xem lại tiền dành dụm hơn 300 triệu đồng, lương mỗi tháng hơn 20 triệu, đầu năm 2019, tôi chọn mua một căn 40m2 trên tầng cao. Giá lúc đó gần 1 tỉ đồng.
Sau khi đóng tiền cọc, tôi thanh toán trước 30% và trả dần theo tiến độ xây dựng. Người thân cho một ít, còn lại tôi xoay xở mượn người thân quen, có khi theo kiểu mượn người này trả người kia.
Dĩ nhiên giai đoạn đó, tôi tiêu xài tiết kiệm và hạn chế du lịch cũng như mua sắm. Có thời điểm kẹt, tôi mang số vàng mình dành dụm bán nốt để kịp đóng tiền căn hộ.
Ngày tháng đó, cuộc sống eo hẹp hơn trước, nhưng lòng tôi thấy vui vì mình có mục tiêu tài chính cụ thể để cố gắng. Đến khi đóng được 95% giá trị căn hộ, rồi thêm 5% còn lại để có sổ hồng, tôi thở phào. Còn số nợ người thân quen, tôi trả dần và không áp lực lắm vì không có lãi như vay ngân hàng.
Tôi may mắn vì có người thân hỗ trợ, cho mượn tiền, nhưng nếu lúc đó không quyết đoán mua, có lẽ bây giờ tôi chưa có căn hộ đầu tiên. Ngày bàn giao, tôi cùng mẹ xuống nhận nhà mà vui phơi phới. Chưa phải tài sản gì to lớn, nhưng dù sao cũng là nỗ lực tuổi trẻ của tôi.
Cứ mua vì đó là tài sản, đừng ngại xa gần
Căn hộ bàn giao đầu năm 2021. Năm 2022, dịch COVID-19 đã lắng, thấy vị trí căn hộ quá xa chỗ làm, tôi cho thuê và dùng số tiền đó thuê một căn phòng tươm tất trong nội thành.
Như vậy, căn hộ tôi mua sinh lời mỗi năm gần 50 triệu đồng tiền cho thuê. Dù hiện nay vẫn ở trọ, nhưng tôi thấy thoải mái vì không áp lực tiền thuê trọ do đã “cấn” tiền cho thuê căn hộ.
Tôi tham khảo thấy giá bán hiện nay của căn hộ tôi khoảng 1,3 – 1,4 tỉ đồng. Nói đó là trượt giá hoặc có lời cũng được. Thật ra nếu không mua, tôi không thể nào dành dụm chừng đó tiền trong vài năm. Hơn nữa, hiện nay giá căn hộ mới khởi công gần khu vực đó đã tăng, nếu đợi đủ tiền thì không biết chừng nào mới mua được.
Tôi có khuyên bạn tôi nên mua căn hộ để có tài sản hình thành trong tương lai, không nên suy nghĩ là phải mua gần trung tâm thành phố, hoặc mua là phải ở. Không ở thì có thể cho thuê hoặc bán lại. Miễn là trước khi mua mình xem xét kỹ các yếu tố pháp lý, tiến độ thanh toán, sự thuận tiện về khoảng cách di chuyển…
Hiện nay, các gói vay ngân hàng linh hoạt, chúng ta có thể dựa vào số tiền dành dụm, vay thêm ngân hàng, vay người thân… để mua.
Kinh tế sau dịch COVID-19 trở nên khó khăn hơn. Ý định mua căn hộ thứ hai của tôi chưa thành hiện thực, nhưng với căn hộ đầu tiên, tôi đã có chút tài sản. Và ít ra, ngoài tiền lương, tôi có chút thu nhập thụ động từ việc cho thuê. Tôi thấy vui vì điều đó.
Sau khi mua căn hộ, tôi chú ý hơn về quản lý tài chính, tìm hiểu các kênh đầu tư, tìm hiểu thị trường bất động sản… Việc mua căn hộ cho tôi nhiều kinh nghiệm tư vấn bạn bè khi họ có ý định mua. Gia đình tôi rất vui khi tôi biết tính toán tạo lập tài sản, không còn tiêu xài theo ý thích như ngày mới ra trường.
Nếu bạn tích lũy được một ít tiền, đừng ngại xem xét việc mua căn hộ. Thận trọng chọn khu vực khả thi, bạn có thể mua căn hộ hoặc mua đất ở xa, sau này bán đi rồi tiến vào gần trung tâm cũng chưa muộn. Đừng để tiền nằm yên một chỗ khi vật giá leo thang. Tiền sẽ đẻ ra tiền nếu ta biết cách sử dụng, đầu tư.
Rất nhiều bạn trẻ đã mua được căn nhà đầu tiên trước năm 30 tuổi bằng nỗ lực của mình. Hành trình của bạn thế nào hãy kể lại câu chuyện của mình về hòm mail [email protected]. Tuổi Trẻ Online cảm ơn bạn.