Giá hai bộ sách giáo khoa sẽ giảm 9,6-11,2% so với năm ngoái, sau khi Nhà xuất bản Giáo dục giảm chi phí bản thảo và phát hành.
PGS Nguyễn Văn Tùng, Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, ngày 5/4 cho biết doanh nghiệp đã rà soát các khoản chi phí liên quan, đặc biệt ở khâu tổ chức bản thảo, lưu thông để giảm giá sách giáo khoa.
Theo đó, giá bìa các cuốn sách giáo khoa tái bản ở 9 khối lớp (trừ lớp 5, 9, 12) của bộ Kết nối tri thức với cuộc sống giảm 9,6%, bộ Chân trời sáng tạo giảm 11,2%.
Đối với sách lớp 5, 9 và 12 xuất bản lần đầu, nhà xuất bản đã xây dựng giá theo cơ cấu giá đã giảm của sách tái bản.
“Giá sách giáo khoa các lớp đã được Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hoàn thành thủ tục kê khai với Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính theo đúng quy định”, ông Tùng nói.
Trước đó, tại buổi giới thiệu sách giáo khoa lớp 9, 12 tại TP HCM, ngày 5/3, một lãnh đạo nhà xuất bản này cho biết giá sách sẽ giảm 10-24%. Lý giải, ông Tùng nói đó là tính theo giá dự kiến trên từng cuốn sách và lấy giá cao nhất. Còn con số về tỷ lệ giảm được công bố hôm nay là tính theo cả bộ sách.
Để giảm được giá sách, ông Tùng cho biết nhà xuất bản đã giảm chi phí tổ chức bản thảo bằng cách cập nhật sản lượng phát hành thực tế. Số lượng này lớn hơn so với sản lượng dự kiến, do đó chi phí tổ chức bản thảo phân bổ trên từng bản sách giảm xuống.
Ngoài ra, chi phí ở khâu phát hành và bán hàng cũng được tiết giảm, giúp giá bìa giảm thêm được 2,5%.
Đối với những bản sách giáo khoa đang lưu kho, đã in giá cũ, nhà xuất bản này sẽ dán tem giá mới để học sinh, giáo viên biết, không bị nhầm lẫn.
Việt Nam thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (chương trình 2018) từ năm học 2020-2021. Việc thay sách cuốn chiếu diễn ra từ năm 2020, kết thúc vào năm 2025. Với chủ trương “một chương trình, nhiều sách giáo khoa”, bỏ độc quyền xuất bản, nhiều đơn vị tham gia biên soạn và phát hành sách.
Riêng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có 4 bộ (Kết nối tri thức với cuộc sống, Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục) với lớp 1. Từ lớp 2 tới lớp 12, nhà xuất bản này có hai bộ (Chân trời sáng tạo và Kết nối tri thức với cuộc sống), với đầy đủ môn học.
Kể từ khi phát hành sách mới, Nhà xuất bản Giáo dục bị phản ứng vì giá sách cao hơn 2, 3 lần so với sách cũ. Chẳng hạn, sách giáo khoa lớp 4 cả bộ 14-15 cuốn, giá dao động 250.000-280.000 đồng, trong khi giá sách lớp 4 theo chương trình cũ là 87.000 đồng. Với các bộ sách khác cũng tương tự.
Nhà xuất bản này lý giải một phần bởi số cuốn trong mỗi bộ nhiều hơn. Với sách mới, việc biên soạn, xuất bản được thực hiện bằng nguồn vốn của doanh nghiệp, còn sách cũ, toàn bộ chi phí bản thảo lấy từ ngân sách nhà nước và vốn vay Ngân hàng thế giới. Ngoài ra, sách mới khổ lớn hơn 1,2 lần sách cũ, tăng hình ảnh, màu sắc…
Trước đây, Luật Giá quy định giá sách giáo khoa do doanh nghiệp (các nhà xuất bản) tự xây dựng và chịu trách nhiệm về tính đúng đắn, phù hợp. Bộ Tài chính cho biết năm 2022, 2023, tỷ lệ chiết khấu của hai nhà xuất bản lớn ở mức 21 đến 22,5% chi phí.
Theo Luật Giá (sửa đổi), kể từ 1/7 năm nay, sách giáo khoa sẽ do nhà nước định giá. Tại phiên giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông hồi tháng 8 năm 2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các cơ quan liên quan ban hành phương pháp định giá sách giáo khoa, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí trung gian; nghiên cứu giảm tỷ lệ chiết khấu đến mức hợp lý để giảm giá sách giáo khoa.
Cả nước hiện có hơn 17 triệu học sinh phổ thông (từ lớp 1 tới lớp 12).