Hàng ngàn du khách đang nô nức đến Điện Biên để cùng cả nước hướng về ngày lễ “Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ”.
Cũng trong những ngày tháng lịch sử này, PV Báo Giao thông đã đặt chân tới đây để trải nghiệm loại mô hình du lịch lịch sử chiến tranh ở các địa danh nay đã là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ.
Hãy cùng PV Báo Giao thông khám phá cẩm nang du lịch Điện Biên qua bài viết dưới đây, để bạn có một lượng kiến thức nhất định cũng như nắm được các cung đường tham quan các di tích một cách dễ dàng nhất.
Điện Biên có khí hậu nhiệt đới gió mùa núi cao, mùa đông tương đối lạnh và ít mưa; mùa hạ nóng, mưa nhiều. Hiện tại, tháng 4 cũng là một trong những tháng nắng nóng cao điểm của Điện Biên.
Để di chuyển tới Điện Biên, du khách có thể di chuyển thông qua 2 loại hình: Đường hàng không và đường bộ. Nếu lựa chọn di chuyển bằng đường bộ, du khách có thể đi từ Hà Nội theo QL6 qua tỉnh Hòa Bình hoặc theo tuyến ĐT87, QL32, QL37 qua Hòa Bình và Sơn La. Thời gian di chuyển khoảng 10 tiếng.
Tiếp theo, cụm di tích chiến thắng Điện Biên Phủ là phần quan trọng nhất trong hành trình ghé thăm các điểm đến lịch sử tại tỉnh Điện Biên. Hầu hết những nơi này nằm liền nhau, nên du khách có thể thuận tiện ghé thăm trong một buổi.
Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
Nếu du khách có cơ hội đến Điện Biên nên lựa chọn Bảo tàng là điểm đến đầu tiên trong chuyến thăm quan lịch sử. Điều này sẽ giúp du khách có hiểu biết toàn cảnh và hiểu sâu hơn ý nghĩa của những địa điểm lịch sử tiếp theo.
Tọa lạc tại Phố 1, phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ được xây dựng vào năm 1984 nhân dịp kỷ niệm 30 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Bảo tàng có năm khu trưng bày với hơn 1.000 hiện vật và 122 bức tranh theo từng chủ đề: Vị trí chiến lược của Điện Biên Phủ; Tập đoàn cứ điểm của địch tại Điện Biên Phủ; Đảng chuẩn bị đường lối chỉ đạo cho chiến dịch Điện Biên Phủ; Ảnh hưởng của chiến thắng Điện Biên Phủ; Điện Biên Phủ ngày nay.
Đặc biệt, khi đến thăm bảo tàng, du khách sẽ được chiêm ngưỡng bức tranh panorama lớn nhất thế giới “Trận chiến Điện Biên Phủ”. Bức tranh thể hiện tất cả giai đoạn của Chiến dịch Điện Biên Phủ một cách sinh động và hấp dẫn.
Đồi A1
Nằm ở phường Mường Thanh, TP Điện Biên Phủ, đồi A1 là một trong những cứ điểm quan trọng nhất của trận đánh, được coi là “cuống họng” bảo vệ khu trung tâm.
Tên A1 là tên quân đội Việt Nam đặt cho ngọn đồi, trước đó có nhiều tên gọi khác. Xung quanh A1 quân Pháp xây dựng hệ thống hàng rào thép gai với đủ hình dạng. Trên đỉnh đồi là căn hầm cố thủ, vốn là hầm rượu của tòa công sứ Pháp trước năm 1945.
Hầm được chia thành 2 ngăn, trong đó một ngăn là nơi làm việc của bộ phận thông tin điện đài. Hầm được làm bằng vật liệu chắc chắn, tường gạch kiên cố, mái hầm được đổ bê tông dày, hiện trên đồi A1 vẫn còn dấu tích hố bộc phá được tạo thành bởi 960kg thuốc nổ.
Hầm De Castries
Được mệnh danh là căn hầm kiên cố nhất Đông Dương một thời, Căn hầm chỉ huy của tướng De Castries ở Điện Biên Phủ được thực dân Pháp xây dựng rất kỳ công, ở trung tâm tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thuộc cánh đồng Mường Thanh, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.
Hiện nay, cấu trúc và cách bố trí, sắp xếp của căn hầm vẫn còn được giữ nguyên. Chung quanh hầm là hàng rào phòng thủ với hệ thống dây kẽm gai dày đặc và bốn chiếc xe tăng. Hầm De Castries dài 20m và rộng 8m, bao gồm bốn gian dùng cho cả nơi ở và làm việc của tướng De Castries và quân lính.
Sở chỉ huy chiến dịch ở Mường Phăng
Di tích Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Mường Phăng nằm ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, ẩn mình dưới tán rừng cổ thụ, dưới chân núi Pú Đồn, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ khoảng 40km.
Mường Phăng là địa điểm thứ ba và cuối cùng của Sở Chỉ huy thứ ba Chiến dịch Điện Biên Phủ (từ 31/1/1954 đến 15/5/1954). Tại đây, Đại tướng – Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp và Bộ Chỉ huy Chiến dịch đã đưa ra những chỉ thị, mệnh lệnh tấn công có tính chất quyết định, đỉnh cao là lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận vào sáng 7/5/1954, làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Nơi đây hiện còn lưu giữ nhiều di tích có giá trị lịch sử như: Lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Phó tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, Trưởng ban thông tin liên lạc Hoàng Đạo Thúy… Dù trải qua nhiều thăng trầm của thời gian, di tích Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn giữ nguyên vẻ hoang sơ, hào hùng của lịch sử dân tộc.
Ngoài những địa điểm tham quan di tích lịch sử, tỉnh Điện Biên còn tổ chức rất nhiều hoạt động ý nghĩa để hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ diễn ra từ nay cho tới hết quý III năm 2024. Du khách có thể tham khảo thời gian tổ chức các hoạt động tại đây.