Chị Đinh Thị The, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình đã chia sẻ với Báo PNVN về bí quyết thực hiện thành công đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” trong thời gian qua tại địa phương.
Chị Đinh Thị The, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, đã chia sẻ với PV Báo PNVN về bí quyết thực hiện thành công đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” trong thời gian qua tại địa phương.
Toàn huyện đã có 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh
– Được biết, Hội LHPN huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình là một trong những đơn vị triển khai và thực hiện thành công “Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, xin chị cho biết, thời gian qua Đề án này được thực hiện thế nào ở địa phương?
Để thực hiện “Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” đạt hiệu quả, hàng năm căn cứ kế hoạch chỉ đạo của Hội LHPN tỉnh Thái Bình và tình hình thực tế, Ban Thường vụ Hội LHPN huyện Hưng Hà đã xây dựng kế hoạch chỉ đạo đến các cấp Hội cơ sở. Đồng thời, ban hành các văn bản thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ nữ về khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh. Từ đó khơi dậy được tinh thần khởi nghiệp, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ…
Thời gian qua, chúng tôi tổ chức được 14 lớp tập huấn, cho 3.500 lượt cán bộ Hội LHPN huyện, cán bộ Hội chủ chốt các xã, thị trấn và hội viên phụ nữ. Phát động, vận động các dự án, ý tưởng tham gia các cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương, tỉnh tổ chức; tiếp nhận 35 ý tưởng, dự án khởi nghiệp, kinh doanh.
Tại cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp năm 2023 với chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp, phát huy tài nguyên bản địa“, huyện Hưng Hà có 4 bài dự thi tham gia cấp tỉnh. Có 2 bài thi lọt vào vòng thi cấp vùng. Trong đó, dự án của Hợp tác xã Hoa Sen Vân Đài, xã Chí Hòa đạt giải khuyến khích vòng chung kết cấp vùng.
Hội LHPN huyện Hưng Hà cũng đã hỗ trợ thành lập 4 hợp tác xã (HTX), như: HTX sản xuất kinh doanh hương thơm Văn Quan, xã Duyên Hải; HTX sản xuất nón lá, xã Chi Lăng; HTX Hoa Sen và HTX dược Liệu Vân Đài, xã Chí Hòa. Bên cạnh đó, 5 tổ hợp tác (THT) do phụ nữ quản lý cũng được thành lập gồm: THT kèn đồng, xã Văn Cẩm; THT sản xuất bánh đa me, xã Tân Hòa; THT sản xuất rau sạch, xã Dân Chủ; THT rau màu, xã Điệp Nông; THT đậu phụ làng Kênh, xã Tây Đô.
Ngoài ra, huyện Hội còn thành lập được 2 mô hình câu lạc bộ nữ chủ cơ sở sản xuất kinh doanh giỏi. 48 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Cùng với đó, Hội phối hợp, hỗ trợ đào tạo, dạy nghề 55 lớp cho 1.845 lao động nữ; giới thiệu việc làm cho 17.165 chị trong độ tuổi lao động; hướng dẫn cho 60 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Các cấp Hội phụ nữ đã tích cực tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ có nhu cầu, ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh chủ động xây dựng, đề xuất được 15 ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, kế hoạch kinh doanh tham gia Ngày phụ nữ sáng tạo năm 2018; cuộc thi Chứng minh ý tưởng (PoC) lần thứ 3, với chủ đề “Phụ nữ và tương lai của nền kinh tế xanh” năm 2019; chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo – Kết nối thành công” năm 2020; chủ đề “Phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP” năm 2021, do Hội LHPN Việt Nam tổ chức.
Hiện nay, huyện Hưng Hà hiện nay có 4 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh, bao gồm: Khăn mặt xuất khẩu của doanh nghiệp nữ xã Thái Phương; Kẹo lạc, kẹo dồi xã Tân Tiến; trà giải độc thanh nhiệt xã Hùng Dũng. 6 sản phẩm đạt 3 sao là: Khoai lang kén, ngô chiên giòn Minh Thành, xã Hòa Bình; Khăn Minh Châu xã Thái Phương; Chiếu cói Hưng Nhân; Cá rô đồng rút xương xã Duyên Hải; rượu men lá xã Điệp Nông.
Tổ chức các hoạt động liên kết, xúc tiến thương mại
– Theo chị Hội LHPN huyện Hưng Hà chú trọng nội dung nào nhất trong quá trình triển khai thành công “Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” tại địa phương?
Để hỗ trợ các doanh nghiệp, các HTX, tổ hợp tác và hộ kinh doanh hoạt động hiệu quả, chúng tôi cho rằng việc tổ chức các hoạt động liên kết, phát triển mạng lưới và xúc tiến thương mại là rất cần thiết.
Do vậy, các cấp Hội LHPN huyện Hưng Hà đã phối hợp đào tạo, nâng cao năng lực quản lý điều hành cho Ban Quản lý các hợp tác xã và tổ hợp tác; tư vấn, đào tạo nghề cho các thành viên hợp tác xã, tổ hợp tác và cho phụ nữ chưa có việc làm. Tuyên truyền chị em tham gia “Ngày phụ nữ khởi nghiệp”, trưng bày và giới thiệu sản phẩm hàng năm, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại.
Hội cũng tích cực hỗ trợ các dự án khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi để đầu tư, mở rộng sản xuất. Từ đó giúp phụ nữ giới thiệu các loại hình kinh doanh, dịch vụ của tổ liên kết, tổ hợp tác, HTX ra thị trường, góp phần quan trọng giải quyết đầu ra và xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản, hàng hóa.
– Với những thành công đáng ghi nhận và khích lệ vừa qua, vậy trong quá trình triển khai “Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp”, Hội LHPN huyện Hưng Hà có gặp khó khăn gì không, thưa chị?
Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 939, chúng tôi vẫn gặp một số hạn chế, khó khăn như: Một số cấp ủy, chính quyền và một số cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm, hỗ trợ triển khai thực hiện Đề án. Còn có cơ sở Hội chưa chủ động tham mưu đề xuất, tổ chức các hoạt động của Đề án.
Công tác vận động các nguồn lực xã hội hóa từ các đơn vị, các doanh nghiệp trên địa bàn chưa nhiều. Nội dung hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp còn chung chung, thiếu thông tin về các văn bản pháp lý hỗ trợ và các chính sách hỗ trợ.
Ngoài ra, một số cơ sở Hội chưa có kinh nghiệm trong hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, đã gặp khó khăn trong việc định hướng, hỗ trợ phụ nữ địa phương khởi nghiệp. Có chị em phụ nữ nông thôn đã có ý tưởng khởi nghiệp, nhưng lại thiếu kiến thức, kinh nghiệm, chưa mạnh dạn tham gia các lớp tập huấn, các sự kiện xúc tiến thương mại và đề xuất nhu cầu hỗ trợ khởi nghiệp.
Tạo điều kiện cho ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ tiếp cận nguồn kinh phí
– Theo chị, để khắc phục khó khăn, phát triển và mở rộng mô hình kinh tế tập thể, khởi nghiệp ở địa phương cho phụ nữ, kế hoạch trong thời gian tới của Hội LHPN huyện Hưng Hà là gì?
Để thực hiện tốt Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017-2025, thời gian tới, các cấp Hội huyện Hưng Hà chủ động xây dựng kế hoạch, đề xuất UBND huyện quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí, nguồn lực để tiếp tục triển khai thực hiện Đề án.
Chúng tôi cũng thành lập, ra mắt thêm Tổ hợp tác do phụ nữ tham gia quản lý. Phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương tiếp tục kết nối, kêu gọi, vận động các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư nguồn lực để hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp thông qua các mô hình phát triển kinh tế. Tạo điều kiện cho những ý tưởng khởi nghiệp của phụ nữ được tiếp cận với nguồn kinh phí từ quỹ hỗ trợ của tỉnh và các nguồn vốn vay ưu đãi.
Hội cũng sẽ hỗ trợ quảng bá và xây dựng thương hiệu, tìm kiếm thị trường ổn định và tổ chức hoạt động sản xuất theo chuỗi giá trị, cho những mô hình có đủ điều kiện nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, xây dựng và biểu dương, tuyên truyền các mô hình, điển hình tập thể, cá nhân có cách làm hay, hiệu quả trong thực tế; khuyến khích nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ thành lập hoạt động hiệu quả tại các địa bàn.
Đối với cấp Hội LHPN cơ sở, chúng tôi sẽ chủ động xây dựng kế hoạch, đề xuất chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí, nguồn lực để triển khai thực hiện Đề án ở đơn vị. Hướng dẫn các chi Hội tổ chức rà soát nắm danh sách, nhu cầu phụ nữ có ý tưởng khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp để đăng ký và tổ chức các hoạt động hỗ trợ phù hợp nhu cầu từng nhóm đối tượng muốn khởi sự, khởi nghiệp.
Đặc biệt, chúng tôi sẽ thường xuyên giám sát việc triển khai các chính sách luật pháp, liên quan đến hỗ trợ khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp trên địa bàn. Từ đó kịp thời tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tháo gỡ khó khăn, những vấn đề vướng mắc trong khởi sự, khởi nghiệp và phát triển kinh doanh giúp phụ nữ địa phương yên tâm và tự tin khởi nghiệp.
– Xin cảm ơn chị!