Mỗi nơi một kỹ thuật riêng, thợ Hàng Bạc giỏi về làm trơn, thợ Đồng Xâm chuyên chạm, còn người Định Công với 3 tổ nghề Trần Điền, Trần Điện, Trần Hòa từ thế kỷ thứ 6 đã bôn ba học nghề nơi xa rồi về truyền lại cho người làng kỹ thuật đậu bạc rất cầu kỳ.
Trải bao biến động của thời cuộc, làng xưa đã thành phố, số gia đình theo nghề tổ truyền của làng không còn hưng thịnh như xưa, nhưng kỹ thuật đậu bạc thì vẫn được bảo tồn trong các gia đình và ngày nay đã được nâng lên tầm nghệ thuật.
Đầu tiên, nguyên liệu được đun nóng, đổ khuôn để tạo thành những thanh bạc nhỏ, sao đó đưa qua máy cán để tạo thành những miếng bạc nhỏ hơn, rồi tới khâu rút sợi – giai đoạn quyết định cho chất lượng sản phẩm.
Dưới bàn tay tài khéo, những sợi bạc có thể được rút nhỏ với kích thước đường kính 0,26mm, mảnh hơn cả sợi tóc.
Ngắm nhìn dưới ánh đèn, những sợi bạc mỏng manh như những ánh sao trời này là vật liệu để người thợ gắn kết theo hoa văn đã được phác thảo trước, từ đó cho ra đời các vật phẩm trang trí trang nhã.
Ngắm nhìn dưới ánh đèn, những sợi bạc mỏng manh như những ánh sao trời này là vật liệu để người thợ gắn kết theo hoa văn đã được phác thảo trước, từ đó cho ra đời các vật phẩm trang trí trang nhã.
Ngày trước, thợ thủ công thường chỉ chuyên chế tác đồ trang sức như vòng cổ, kiềng, lắc, nhẫn, còn sau này nhu cầu thị trường ngày càng đa dạng hơn nên người Định Công còn nghiên cứu chế tác các món đồ gắn với cuộc sống hiện đại như hộp đựng danh thiếp, mặt khoá thắt lưng, tranh treo tường…
Màu sắc cũng không chỉ giới hạn ở sắc độ trắng mà có thể nhuộm, mạ vàng để tăng độ phong phú cho sắc độ của sản phẩm.
Nghề này có cái hay là không yêu cầu nhà to xưởng rộng, không đòi hỏi máy móc công nghiệp và tất nhiên, không tạo ra chất thải độc hại ảnh hưởng tới môi trường. Chỉ cần một góc bàn để bày biện bản phác thảo, mấy cây kìm, kéo, giũa, một vài công cụ nhỏ xíu phục vụ cho việc cắt ghép, mài giũa, đánh bóng, tạo mầu là đủ.
Chính vì thế, tới thăm xưởng kim hoàn, người ta chỉ nghe tiếng gõ nhẹ nhàng của búa, tiếng rì rầm của các tay thợ, tiếng nhạc từ điện thoại và rất nhiều tiếng chim lảnh lót. Rất khác với không khí sôi động và náo nhiệt của các làng nghề gỗ, mây tre đan hay dệt may khác.