Nghề đòi hỏi sự tỉ mỉ
Nguyễn Lê Bảo Chương (biệt danh Bin) là tác giả của hình xăm giấy kết hôn trên cánh tay của một chú rể, khiến cộng đồng mạng lan truyền, ngưỡng mộ những ngày qua. Chương là thợ xăm tại một tiệm xăm nổi tiếng ở TPHCM.
Anh Chương chia sẻ, đây là một trong những tác phẩm khó nhất mà anh từng nhận thực hiện bởi các chi tiết trên giấy kết hôn đều rất nhỏ.
“Thời gian chuẩn bị chỉ có một ngày nên tôi đã thức cả đêm để hoàn thành bản phác thảo. Tôi đã phải vẽ lại trên máy tính bảng toàn bộ các chi tiết quan trọng trên tờ hôn thú và lược bỏ đi các phần không cần thiết”, anh Chương nói.
Sau khi hoàn thành bản phác thảo, người thợ đặt giấy than có mẫu hình xăm lên da rồi bôi dung dịch chuyên dụng để cố định mẫu hình trên da.
Quá trình hoàn thành hình xăm giấy hôn thú trên mất 4-5 tiếng.
Anh Chương tâm niệm, người thợ xăm luôn phải hiểu, bất kỳ hình xăm nào cũng có ý nghĩa riêng. Vì thế, người thợ phải dồn hết tâm huyết, sự tỉ mỉ để biểu hiện rõ cái “hồn” của hình xăm.
Dù có hơn 7 năm theo nghề, anh Chương phải thừa nhận, khi tiếp nhận “đơn hàng” này, anh không tránh khỏi lo lắng.
“Tôi đã từ chối vì sợ sẽ không hoàn thành tốt một hình xăm quá ý nghĩa như vậy. Nhưng khi nhận được sự tin tưởng của chú rể, tôi quyết tâm vượt qua thử thách. Lúc làm xong, thấy đôi vợ chồng hài lòng, bản thân tôi cũng thấy lâng lâng hạnh phúc”, anh Chương chia sẻ.
Đối với chàng trai, một hình xăm hoàn thành đồng nghĩa với việc nỗi lòng đeo nặng của khách hàng sẽ giải tỏa. Vậy nên, mỗi khách hàng đều cho anh một câu chuyện cuộc đời khác nhau, khiến cho anh ngày càng trưởng thành, sống sâu sắc, tình cảm hơn.
8 năm trước, Chương tốt nghiệp cấp ba và sớm có nguyện vọng theo đuổi môn hội họa. Thời điểm đó, anh được tiếp cận, biết đến nghề xăm và xác định đây chính là đam mê của mình.
“Lúc tôi dừng việc học để đi học làm thợ xăm, chỉ có ba và chị gái là ủng hộ. Mẹ tôi không đồng ý vì cho rằng công việc này không ổn định. Nhưng buồn nhất có lẽ là phải nghe lời miệt thị, đầy định kiến của không ít người dành cho mình”, chàng trai bộc bạch.
Vượt qua được những rào cản đó, Chương mất 1 năm để rèn luyện. Học nghề tại tiệm xăm, gặp một người thầy nghiêm khắc, Chương nhớ mãi những lần phải phác thảo liên tục trên 20-30 trang giấy A4, ám ảnh việc vẽ trên miếng da giả đến mức ngỡ như đã nản chí.
Nhưng rồi từ đó chàng trai đã rèn luyện được tay nghề vững vàng và trở thành người thợ thực thụ. Giờ đây, anh Chương có thể kiếm 20-40 triệu đồng/tháng nhờ vào công việc xăm nghệ thuật.
“Có được một công việc ổn định, nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình, tôi càng hạnh phúc hơn khi đó là nghề phù hợp với đam mê. Bản thân tôi sẽ rèn luyện thêm tay nghề để nâng tầm môn nghệ thuật này, dùng hành động để xóa dần sự miệt thị”, Chương ấp ủ.
Công việc chân chính nào cũng cần được trân trọng
Họa sĩ Trung Tadashi, chủ tiệm xăm nơi anh Chương đang làm việc, bộc bạch rằng hình xăm không phải là chuyện bốc đồng, chơi ngông bộc phát của người trẻ hay là thứ để giới giang hồ “khè” nhau. Ông chủ tiệm xăm nhấn mạnh những biểu hiện và ý nghĩa của hình xăm được ông cha sử dụng từ xa xưa, trong cả cuộc mưu sinh cũng như đời sống văn hóa, tinh thần.
“Theo đuổi xăm hình nghệ thuật, người nghệ sĩ phải biết cách kết hợp các chi tiết sao cho hợp lý và uyển chuyển. Hơn hết, hình phác thảo từ trước phải thật tinh xảo, thể hiện được dụng ý, tâm thế của chủ nhân.
Tôi từng bỏ ra hơn 7 tiếng đồng hồ để thiết kế một tác phẩm hình xăm trên giấy A4 và chuyện đó vô cùng bình thường khi người thợ đặt tâm huyết vào công việc”, Trung bộc bạch.
Theo họa sĩ Trung Tadashi, người nghệ sĩ xăm hình và người thợ xăm hình cùng làm một công việc giống nhau thế nhưng linh hồn của tác phẩm tạo ra chính là thứ khác biệt.
“Vì thế đừng chỉ nghĩ “trăm hay không bằng tay quen”. Đã làm nghề, cần rèn luyện tâm hồn để trở thành một nghệ sĩ. Cái tâm chi phối đôi mắt, đôi mắt điều khiển đôi tay, đôi tay tạo nên tác phẩm, và tác phẩm đó sẽ mang linh hồn của người sáng tạo, thể hiện phong cách riêng của người nghệ sĩ”, Trung Tadashi đúc kết.