Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR) được quy định tại Ðiều 54 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và được quy định chi tiết tại Nghị định số 08/2022/NÐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Theo các văn bản này, kể từ ngày 1/1/2024, các nhà sản xuất, nhập khẩu sản phẩm dầu nhớt, pin, ắc quy, xăm lốp và các loại bao bì thương mại phải thực hiện tái chế hoặc đóng phí hỗ trợ hoạt động tái chế chất thải.
Phát biểu tại tọa đàm, bà Đoàn Thị Tuyết Nhung, Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, đánh giá thực hiện EPR sẽ góp phần giữ gìn nguồn tài nguyên cho tương lai, giảm thiểu rác thải gây ô nhiễm môi trường, thể hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và góp phần hiện thực hóa cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26. Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) về đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Bà Đoàn Thị Tuyết Nhung nhấn mạnh các cơ quan báo chí, truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến thông tin nhằm nâng cao nhận thức của các nhà sản xuất cũng như công chúng về thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững… để từ đó thay đổi thực hành sản xuất và hành vi tiêu dùng dựa trên sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nguồn lực và tài nguyên.
“Với mong muốn tạo diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các tổ chức, doanh nghiệp cập nhật thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra những khuyến nghị, giải pháp cũng như tạo dựng mối quan hệ hợp tác trong quá trình thực thi EPR, TTXVN giao báo Việt Nam News – tờ báo đối ngoại quốc gia, cũng là tờ báo tiếng Anh hàng ngày duy nhất ở Việt Nam – phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức cuộc tọa đàm này”, bà Nhung chia sẻ.
Tại tọa đàm, các chuyên gia nhận định EPR không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội để các doanh nghiệp phát triển bền vững hơn. Việc thực hiện EPR sẽ giúp doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của đối tác, từ đó có cơ hội tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu…