Công ty không chuẩn bị thuyền cứu hộ và biện pháp cảnh báo, khiến nhóm công nhân không kịp sơ tán và thiệt mạng khi cầu ở Baltimore bị đâm sập.
Trong thời khắc trước khi tàu container Dali đâm vào trụ cầu Francis Scott Key ở thành phố Baltimore, bang Maryland, loạt thông điệp cảnh báo khẩn cấp vang lên trên sóng vô tuyến của lực lượng chức năng gần đó. Lực lượng cảnh sát trực tại cầu đã kịp thời chặn các phương tiện lưu thông trong 90 giây, giúp cứu sống nhiều người trước khi cầu đổ sập xuống sông.
Tuy nhiên, những cảnh báo đó dường như không đến được chỗ 8 công nhân xây dựng đang vá ổ gà trên cầu vào rạng sáng 26/3. Họ bị rơi xuống sông ngay khi cầu sập, 2 người may mắn được cứu sống, nhưng 6 người còn lại thiệt mạng.
Quy định liên bang Mỹ yêu cầu công ty xây dựng phải chuẩn bị sẵn những chiếc thuyền như vậy bất kỳ khi nào công nhân làm việc trên mặt nước, theo chuyên gia về an toàn lao động. Tuy nhiên, không có dấu hiệu nào cho thấy công ty xây dựng Brawner, đơn vị tuyển nhóm công nhân, chuẩn bị sẵn thuyền cứu hộ trên sông Patapsco hoặc nhanh chóng triển khai chúng khi cầu bị sập.
“Nếu công nhân của bạn làm việc trên cầu, bạn không thể du di bằng lựa chọn nào khác. Chuẩn bị sẵn thuyền cứu hộ là yêu cầu bắt buộc với công ty”, Janine McCartney, kỹ sư an toàn của công ty dịch vụ an toàn HHC ở bang Delaware, nói.
Cảnh sát và quan chức địa phương cho biết họ không thấy bất kỳ chiếc thuyền nào của công ty Brawner trên sông Patapsco vào thời điểm cầu sập. Hình ảnh vệ tinh cũng không cho thấy có thuyền cứu hộ gần cầu Francis Scott Key.
Ngay cả khi công nhân được cảnh báo rằng tàu Dali sắp đâm vào cầu, không rõ họ có đủ thời gian để di chuyển tới nơi an toàn trong 90 giây hay không.
Các bản ghi âm được lưu trên kênh vô tuyến của cầu rạng sáng hôm đó chỉ bao gồm cuộc trao đổi ngắn giữa hai công nhân về con tàu đang đến gần cầu. Một công nhân hỏi chuyện gì đang xảy ra và người còn lại trả lời rằng “họ chắc đang ngăn giao thông lên cầu vì tàu bị mất lái thôi”. Cầu đổ sập chưa đầy 30 giây sau đó.
Nếu có thuyền cứu hộ chờ sẵn, nó có thể sử dụng hệ thống vô tuyến trên thuyền và thông báo qua bộ đàm với nhóm công nhân về cuộc gọi cảnh báo của tàu Dali, giúp họ có cơ hội ứng phó tình hình và thoát hiểm, theo chuyên gia.
Đại diện của Brawner từ chối bình luận, nói rằng công ty đang tập trung chăm sóc các gia đình có công nhân thiệt mạng trong vụ sập cầu. Một giám đốc Brawner trong vụ kiện hồi năm 2011 từng cho biết Brawner có triển khai thuyền cứu hộ khi công nhân làm việc trên cầu.
Quy định của Ủy ban An toàn và Sức khỏe Nghề nghiệp (OSHA) nêu rõ công ty xây dựng khi làm việc trên đường thủy phải chuẩn bị sẵn ít nhất một thuyền cứu hộ. Quan chức OSHA cho biết quy định nhằm “đảm bảo cứu hộ kịp thời khi công nhân bị rơi xuống nước, bất kể đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa khác”.
Một số bang Mỹ có quy định riêng rằng thuyền cứu hộ không phải là yêu cầu bắt buộc trong một số trường hợp, như khi công nhân làm việc phía trong lan can cầu. Tuy nhiên, Maryland không nằm trong số đó và luật bang này yêu cầu phải có thuyền cứu hộ khi công nhân làm việc trên hoặc gần mặt nước.
Người phát ngôn của OSHA Maryland, cơ quan giám sát tuân thủ quy định lao động liên bang, từ chối bình luận về vụ sập cầu Key hoặc hồ sơ an toàn lao động của Brawner, với lý do cuộc điều tra đang được tiến hành.
Julio Palomo, chủ tịch Liên đoàn Lao động Quốc tế Bắc Mỹ (Local 11), lập luận rằng triển khai thuyền cứu hộ trong trường hợp này không mang lại lợi ích gì, bởi thời gian phản ứng quá ngắn của nhóm công nhân cũng như hàng tấn thép sập xuống sông, khiến ngay cả nhân viên cứu hộ chuyên nghiệp cũng khó xác định vị trí và tiếp cận người mất tích.
“Bạn có thể có kế hoạch hoàn hảo nhất và chuẩn bị sẵn biện pháp an toàn, nhưng điều đó chỉ có ích khi bạn có thời gian thực hiện chúng. Liệu việc triển thuyền có khiến nhiều người gặp nguy hiểm hơn khi chính thuyền đó bị nhấn chìm hay không”, Palomo nói.
Tuy nhiên, những người khác cho biết thuyền cứu hộ có thể mang lại cơ hội sống sót tốt hơn, khi truyền cảnh báo qua hệ thống vô tuyến trực tiếp tới công nhân.
Dennis O’Bryan, luật sư hàng hải, nói rằng ông tin thuyền cứu hộ vẫn rất cần thiết ngay cả khi nguy cơ công nhân rơi xuống sông và đuối nước là rất nhỏ. Họ có thể báo trước cho nhóm công nhân về nguy cơ, giúp họ có cơ hội lên xe thoát khỏi cầu.
O’Bryan năm 2011 từng đại diện cho một nhân viên công ty Brawner bị thương khi điều khiển thuyền cứu hộ giám sát công nhân làm việc trên tàu. Vụ kiện cáo buộc công ty bố trí nhân sự không phù hợp cho thuyền cứu hộ và Brawner dàn xếp bằng một khoản tiền bồi thường không được tiết lộ.
Hồ sơ giám sát của OSHA cho thấy Brawner 7 lần vi phạm quy định an toàn từ năm 2018, trong đó 4 lần bị phạt vì không cung cấp biện pháp bảo vệ thích hợp cho công nhân. Công ty đã bị phạt gần 11.000 USD trong các thỏa thuận được OSHA dàn xếp.
Một số quản lý dự án cho biết bất chấp quy định nghiêm ngặt của OSHA, việc các công ty xây dựng không chuẩn bị thuyền cứu hộ trong công việc khó có nguy cơ đuối nước là chuyện không hiếm thấy. Họ cũng không rõ trong trường hợp nào quy định này được thực thi. Trong thập kỷ qua, giới chức chỉ xử phạt một vụ vi phạm ở bang Maryland, liên quan tới dự án xây dựng cầu mà không chuẩn bị thuyền cứu hộ.
Thanh Tâm (Theo AP, Reuters, AFP)