Xung đột toàn diện giữa Nga và Ukraine, bùng nổ từ tháng 2.2022, đã tiếp thêm sinh lực cho NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương), khi liên minh này phải đối mặt với một trong những thách thức nghiêm trọng nhất kể từ ngày ra đời trong đống tro tàn của Thế chiến 2 nhằm đối phó với Liên Xô.
NATO đã củng cố lực lượng của mình trên khắp Đông Âu và mở rộng quy mô lên tới 32 thành viên sau khi Phần Lan và Thụy Điển gia nhập hàng ngũ.
Tuy nhiên, trong khi chiến sự Ukraine đã khiến NATO một lần nữa tập trung vào Nga ở phía đông, một mối đe dọa khác từ Mỹ ở phía tây, quốc gia dẫn đầu liên minh, đang khiến các đồng minh lo lắng.
Đó là khả năng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng. Ông Trump, người giờ đây gần như chắc chắn sẽ tái đấu với đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc bầu cử tháng 11, đã làm suy yếu cam kết phòng thủ tập thể của NATO khi nói rằng ông sẽ khuyến khích Nga tấn công bất kỳ thành viên nào không chi tiêu đủ cho quốc phòng.
“Tôi không tin Mỹ có thể đơn thương độc mã, cũng như tôi không tin châu Âu có thể một mình một đường. Tôi tin vào việc Mỹ và châu Âu cùng nhau hành động trong NATO, bởi vì về cơ bản, chúng ta sẽ mạnh mẽ hơn và an toàn hơn khi phối hợp với nhau”, AFP dẫn lời ông Stoltenberg phát biểu trong một buổi lễ tại trụ sở NATO ở Brussels (Bỉ) ngày 4.4.
Trong nỗ lực ngăn chặn những lời chỉ trích từ ông Trump, NATO đã cho thấy các thành viên ở châu Âu đã tăng cường chi tiêu – với 20 thành viên trong năm nay đặt mục tiêu đạt 2% GDP cho ngân sách quốc phòng.
“Bắc Mỹ cũng cần châu Âu… Thông qua NATO, Mỹ có nhiều bạn bè và nhiều đồng minh hơn bất kỳ cường quốc nào khác”, ông Stoltenberg nói.
Trong khi ông Trump phủ bóng đen lên tương lai của liên minh, các nước NATO phải đối mặt với thách thức cấp bách hơn là đảm bảo Ukraine không thua cuộc trong cuộc chiến với Nga.
Các thành viên liên minh đã ủng hộ Ukraine – quốc gia đang nỗ lực gia nhập NATO – bằng cách cung cấp cho Kyiv số vũ khí với tổng giá trị đã lên đến hàng chục tỉ USD.
Song nguồn cung đó hiện đã vơi đi trong bối cảnh hỗ trợ quan trọng từ Mỹ đang bị chặn lại ở quốc hội nước này do xung đột chính trị. Ở tiền tuyến, các lực lượng của Ukraine đã bị đẩy vào thế bị động vì thiếu vũ khí.
Trước các cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng của mình, Kyiv đang kêu gọi các nước phương Tây gửi toàn bộ các hệ thống phòng không Patriot mà họ có thể không cần dùng đến.
“Tôi không muốn làm hỏng bữa tiệc, nhưng tất nhiên thông điệp chính của tôi hôm nay sẽ là Patriot”, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nói trước cuộc hội đàm với những người đồng cấp NATO.
“Việc cứu mạng người Ukraine, cứu nền kinh tế Ukraine, cứu các thành phố Ukraine phụ thuộc vào việc Ukraine có bao nhiêu Patriot và các hệ thống phòng không khác”, ông Kuleba cho biết.
Viễn cảnh Ukraine thất bại dù theo cách nào cũng đều khiến các thành viên NATO sát sườn Nga lo sợ, rằng họ có thể trở thành mục tiêu tiếp theo trong tầm ngắm của Điện Kremlin.
Trong nỗ lực đảm bảo sự hỗ trợ lâu dài cho Kyiv trước khả năng ông Trump quay lại Nhà Trắng, ông Stoltenberg đã đề xuất các thành viên NATO thành lập quỹ 100 tỉ euro (108 tỉ USD) trong thời gian 5 năm.
Ông cũng đang thúc đẩy NATO tham gia trực tiếp hơn vào việc điều phối chuyển giao vũ khí. Đây là việc mà liên minh cho đến nay đã từ chối thực hiện vì lo ngại họ có thể bị đẩy vào một cuộc chiến với Nga.