Quang cảnh cuộc họp
Chiều ngày 27/3/2024, tại trụ sở Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế đã tham dự cuộc họp báo cáo về công tác quản lý nhà nước đối với thuốc lá mới. Tham dự cuộc họp có đại diện của Vụ pháp chế, Cục quản lý khám chữa bệnh và một số Vụ, Cục liên quan của Bộ Y tế.
Tại cuộc họp các đại biểu đã nghe đại diện Vụ Pháp chế – Bộ Y tế trình bày báo cáo “Về thực trạng, tác hại, kinh nghiệm quốc tế và đề xuất biện pháp cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và các sản phẩm thuốc lá mới khác để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng”
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Đinh Thị Thu Thủy báo cáo tại cuộc họp
Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật phòng, chống tác hại thuốc lá cho thấy nhờ có nhiều nỗ lực trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành giảm trung bình 0,5%, giảm 50% ở nhóm tuổi 13-17, tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá đã giảm đáng kể tại hầu hết các khu vực có quy định cấm. Đặc biệt tỷ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong học sinh giảm từ 5,36% năm 2013 xuống còn 2,78% năm 2019 ở nhóm tuổi 13-17 và từ 2,5% xuống còn 1,9% ở nhóm tuổi 13-15.
Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, những thành tựu này có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đang trở lên ngày càng công khai và phổ biến trong giới trẻ. Theo các nghiên cứu do Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá phối hợp với các cơ quan, tổ chức triển khai:
– Năm 2020: Theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại 34 tỉnh, thành phố năm 2020 (PGATS): tỷ lệ hút thuốc lá điện tử ở người trưởng thành (15 tuổi trở lên) tăng 18 lần (từ 0,2% năm 2015 lên 3,6% năm 2020), trong đó tỷ lệ sử dụng cao nhất tập trung ở nhóm tuổi 15-24 với tỉ lệ là 7,3% sau đó là các nhóm tuổi 25 – 44 tuổi (3,2%), 45 – 64 tuổi (1,4%);
– Năm 2022: Theo Điều tra tình hình sử dụng thuốc lá trong học sinh 13-15 tuổi (GYTS 2022), tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở chung ở học sinh từ 13-15 tuổi là 3,5%;
– Năm 2023: theo báo cáo sơ bộ từ nghiên cứu thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng trong học sinh THCS và THPT tại 11 tỉnh, thành phố: tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử chung ở nhóm tuổi 11-18 là 7,0%, nhóm tuổi 13-15 là 8,0%. Học sinh khối cuối của các cấp THCS và THPT có tỷ lệ sử dụng cao hơn các so với các khối còn lại ( khối 8 là 9,1%; khối 9 là 10,4%; khối 11 là 8,2%; khối 12 là 8,9%);
Có thể thấy, chỉ trong vòng 2 năm, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh 13-15 tuổi đã tăng nhanh ở mức báo động: tăng hơn 2 lần (từ 3,5% năm 2022 lên 8,0% năm 2023).
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Chiến lược và Chính sách y tế – Bộ Y tế thực hiện năm 2020 về các hành vi nguy cơ đối với sức khỏe học sinh THCS và THPT tại Hà Nội, riêng đối với phụ nữ và trẻ em gái, có tới 8% phụ nữ và trẻ em gái hút thuốc lá điện tử trong khi tỷ lệ hút thuốc lá điếu ở nữ chỉ có 1,5%. Hút thuốc lá điện tử ở trẻ em gái độ tuổi vị thành niên, thanh niên, phụ nữ trong độ tuổi sinh sản sẽ gây ra các hệ lụy về sức khỏe sinh sản và chất lượng giống nòi.
Báo cáo cũng có những phân tích chuyên sâu về tác hại của thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng đối với sức khỏe của người sử dụng. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới chưa có bằng chứng về việc thuốc lá điện tử giúp cai nghiện thuốc lá thông thường. WHO cũng không xác nhận thuốc lá điện tử là một biện pháp hỗ trợ cai nghiện. Ngược lại, bằng chứng cho thấy người sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng tăng nguy cơ sử dụng cùng lúc nhiều loại thuốc lá. Việc người dùng sử dụng đồng thời cả thuốc lá điện tử , thuốc lá nung nóng và thuốc lá thông thường đã được ghi nhận ở nhiều quốc gia. Cụ thể, như ở Mỹ, bằng chứng cho thấy hầu hết người sử dụng thuốc lá điện tử để cai thuốc lá đều không bỏ được thuốc lá, thay vào đó họ tiếp tục sử dụng đồng thời cả thuốc lá điện tử và thuốc lá điếu truyền thống. Khoảng 70% người dùng thuốc lá nung nóng ở Nhật Bản và 96,2% người dùng thuốc lá nung nóng ở Hàn Quốc sử dụng đồng thời thuốc lá nung nóng với thuốc lá điếu truyền thống.
Các số liệu cho thấy thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng có xu hướng nhắm chủ yếu tới đối tượng là giới trẻ, nguy cơ tác động đến cả một thế hệ trẻ. Tại Hoa Kỳ, giai đoạn 2017-2019 tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử tăng vọt từ 11,7% lên 27,5% ở học sinh THPT, và từ 3,3% lên 10,5% ở học sinh THPT. Tại Vương quốc Anh, sử dụng thuốc lá điện tử ở trẻ em gái 15 tuổi đã tăng từ 10% vào năm 2018 lên 21% vào năm 2021, trong khi ở New Zealand 27% thanh niên sử dụng thuốc lá điện tử.
Tháng 10 năm 2023, Bộ Y tế nhận được Bản khuyến nghị của WHO về việc Quốc hội ban hành Nghị quyết cấm nhập khẩu, sản xuất, phân phối và bán các sản phẩm Nicotine, hệ thống phân phối điện tử không chứa nicotine và các sản phẩm thuốc lá nung nóng, cũng như cấm quảng cáo, khuyến mại các sản phẩm này ở Việt Nam. Ngày 20 tháng 5 năm 2024, WHO cũng đã gửi tới bản kiến nghị lần thứ 2, trong đó có cập nhật thêm một số thông tin về tác hại của các sản phẩm nicotine và thuốc lá mới từ các nghiên cứu mới nhất. Đồng thời ngày 22 tháng 12 năm 2023, Bộ Y tế nhận được Thư từ Tổ chức Southeast Asia Tobacco Control Alliance (SEATCA – Liên minh kiểm soát thuốc lá Đông Nam Á) đề gửi Phó Thủ tướng nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam với tiêu đề: Ủng hộ chính sách cấm lưu hành thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng và shisha.
Báo cáo cũng nêu ra kinh nghiệm kiểm soát thuốc lá điện tử tại một số quốc gia trên thế giới. Theo báo cáo của Tổ chức Campaign for Tobacco Free Kids, Hoa Kỳ (CTFK), hiện nay đã có ít nhất 39 quốc gia và vùng lãnh thổ cấm hoàn toàn các sản phẩm thuốc lá điện tử. Trong khu vực ASEAN đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia. Hiện nay số lượng các quốc gia áp dụng chính sách cấm đang tăng lên, cụ thể theo thống kê có ít nhất 3 quốc gia và vùng lãnh thổ chuyển từ phương pháp kiểm soát như dược phẩm sang phương pháp cấm (Hong Kong, Đài Loan, Venezuela). 03 quốc gia bán thuốc lá điện tử dưới dạng dược phẩm được cấp phép và thuốc kê đơn được điều trị theo phác đồ (Chile, Úc và Nhật). Thực tế 03 nước này chưa cấp được cho sản phẩm nào bán dưới dạng sản phẩm cai thuốc lá do không chứng minh được dữ liệu lâm sàng. 88 quốc gia quản lý thuốc lá điện tử (trong đó có 27 quốc gia thuộc khối liên minh Châu Âu). Việc quản lý được tiến hành chặt chẽ theo các biện pháp của Công ước khung (WHO FCTC).
Đối với thuốc lá nung nóng, ít nhất 18 quốc gia cấm (trong đó có 5 quốc gia thuộc ASEAN gồm Capuchia, Lào, Singapore, Thái Lan, Brunei). Không có quốc gia nào bán thuốc lá nung nóng dưới dạng dược phẩm được cấp phép và thuốc kê đơn theo phác đồ điều trị. 71 quốc gia quản lý thuốc lá nung nóng (trong đó 27 quốc gia thuộc khối Liên minh Châu Âu). Việc quản lý có sử dụng các biện pháp phòng ngừa là khác nhau.
Cùng với đó báo cáo cũng nêu lên những lợi ích nếu nghị quyết được ban hành tới sự phát triển của kinh tế xã hội và người dân. Dựa vào những phân tích, đánh giá như vậy, báo cáo đề xuất ban hành văn bản cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá mới. Căn cứ vào luật pháp hiện hành, Bộ Y tế sẽ trình Chính phủ xem xét và trình Quốc hội ban hành Nghị quyết.
Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến tại cuộc họp
Cuộc họp cũng nghe ý kiến đóng góp của các Vụ, Cục chuyên môn về các vấn đề liên quan đến bản báo cáo.
Phát biểu kết luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị ban soạn thảo rà soát lại các nội dung và hoàn thiện trước khi trình lên Chính phủ, dựa vào ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và chỉ đạo của Ủy ban Xã hội của Quốc hội về việc triển khai hoạt động này.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu kết luận cuộc họp
Báo cáo về các nội dung về thực trạng sử dụng, tác hại của thuốc lá mới, các vấn đề sử dụng thuốc lá mới trong thanh thiếu niên, vấn đề xử lý vi phạm, những khó khăn vướng mắc trong quản lý nhà nước và tổ chức triển khai thực hiện liên quan đến các Bộ ngành.
Hệ thống văn bản pháp luật cần phân tích rõ là Luật phòng, chống tác hại thuốc lá đã tính đến những đối tượng này chưa và có thể áp dụng cho các đối tượng này không. Phải có đủ căn cứ để trình ban hành Nghị quyết về việc cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thuốc lá mới.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị ban soạn thảo cần xin ý kiến của các Bộ ngành liên quan; Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung thông tin liên quan đến tác hại của thuốc lá mới đối với thanh thiếu niên và học sinh sinh viên. Từ đó Bộ Y tế có căn cứ sẽ tổng hợp báo cáo Chính phủ.
Liên quan đến vấn đề thực trạng, cần có văn bản chính thức gửi các bệnh viện (Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Tâm thần Trung ương…) và các bệnh viện liên quan đề nghị gửi cho Bộ Y tế các báo cáo liên quan đến hoạt động khám và điều trị bệnh liên quan đến thuốc lá mới và những đề xuất kiến nghị.
Bổ sung cập nhật thêm ý kiến của WHO, trong khuyến nghị cũng đưa khuyến nghị của WHO thì trước mắt là sẽ ban hành Nghị quyết, trong dài hạn sẽ trình sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá. Nghị quyết được ban hành và có hiệu lực đến khi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá sửa đổi được trình lên Quốc hội và thông qua.
Cần có lộ trình cụ thể về việc xây dựng, đệ trình và ban hành Nghị quyết. Vụ Pháp chế, Bộ Y tế sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu trong cuộc họp và điều chỉnh lại báo cáo trình lãnh đạo Bộ. Gửi công văn xin ý kiến góp ý của các Bộ ngành liên quan lấy ý kiến và tổng hợp để trình Chính phủ.
Trong phần đánh giá tác động, cần có ý kiến của các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất các sản phẩm thuốc lá. Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giao đơn vị soạn thảo hoàn thiện và trình báo cáo trước ngày 10/4/2024./.
Cổng TTĐT Bộ Y tế