Dự án nhiều tham vọng
“Trạng Quỳnh thời nhí nhố” là dự án phim hoạt hình Việt Nam dài hơi do hai đơn vị sản xuất và phát hành phim hoạt hình hàng đầu Việt Nam là Alpha Animation Studio và Sconnect hợp tác thực hiện.
CEO Alpha Animation – đạo diễn, họa sĩ Trịnh Lâm Tùng cho biết, dự án “Trạng Quỳnh thời nhí nhố” bao gồm hơn 400 tập phim ngắn và những sản phẩm phái sinh là những bài đồng dao trong văn hóa dân gian, truyện cổ tích, truyện tranh. Thời gian đầu của dự án, các phim ngắn được chiếu trên mạng xã hội để đánh giá mức độ hưởng ứng và đón nhận ý kiến đóng góp của khán giả.
Trong giai đoạn 2, đơn vị sẽ phát triển các hệ sinh thái sản phẩm bao quanh bộ IP của Trạng Quỳnh như các sản phẩm thương mại nhượng quyền, các games dành riêng cho nhân vật trong bộ phim. Dài hơi hơn, sau khi mảng sản xuất thành công, đơn vị có kế hoạch triển khai một khu vui chơi mang tên “Trạng Quỳnh” tại Hà Nội để phục vụ các em nhỏ và các bậc phụ huynh.
“Hiện nay, Alpha Animation đã sản xuất được hơn 50 tập phim ngắn, mỗi tập có thời lượng 3,5 – 4 phút, đã phát hành 35 tập trên các nền tảng YouTube, Facebook, tần suất mỗi tuần một tập. Phản hồi ban đầu từ khán giả rất tốt. Song song với thực hiện mảng dự án về games, truyện tranh thì Alpha Animation đang sản xuất một phiên bản phim chiếu rạp “Truyền thuyết Kim Ngưu”. Phim đã xong phần tiền kỳ, dự kiến sẽ ra mắt vào dịp Tết 2025” – đạo diễn Trịnh Lâm Tùng bật mí.
Đạo diễn Trịnh Lâm Tùng cho biết thêm, Alpha Animation và các đơn vị đồng hành định hướng cho “Trạng Quỳnh thời nhí nhố” là truyền tải văn hóa Việt đến với khán giả, xây dựng một hình tượng nhân vật hoạt hình thuần Việt gây dấu ấn như một “thương hiệu”, một dấu hiệu nhận biết rộng rãi.
“Làm mới” Trạng Quỳnh
Để thực hiện mục tiêu xây dựng một bộ phim thuần Việt, câu chuyện đưa văn hóa truyền thống vào phim là mối quan tâm hàng đầu. Lấy cảm hứng từ nhân vật Trạng Quỳnh, nhóm làm phim đã lựa chọn những gì phù hợp nhất trong lịch sử, văn hóa dân gian làm chất liệu sáng tạo. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ AI cũng hỗ trợ cho các biên kịch thu thập dữ liệu, hình thành các ý tưởng mới.
Theo đạo diễn Trịnh Lâm Tùng, trong kho tàng văn hóa dân gian của người Việt có rất nhiều giai thoại về Trạng Quỳnh cũng như các ông Trạng khác. Họ đều là người tài giỏi, trí tuệ, hài hước, có đôi nét tinh nghịch thậm chí là quậy phá. Cậu bé Trạng Quỳnh trong phim “Trạng Quỳnh thời nhí nhố” được xây dựng mang đầy đủ các yếu tố của những ông Trạng này. Tuy nhiên, để bộ phim gần gũi với tuổi thơ Việt, phù hợp với góc nhìn của con người đương đại và mang những giá trị phổ quát của thế giới, ê kíp đã tiến hành “làm mới” nhân vật này.
“Định hướng của dự án với giá trị cốt lõi “Góp phần gìn giữ văn hóa Việt và giới thiệu đến khán giả quốc tế những nét đẹp truyền thống dân gian Việt Nam” nên về mặt nội dung, các giai thoại trong truyện cổ gần như được lược bỏ. Chúng tôi chỉ giữ lại hồn cốt để sáng tạo nên những câu chuyện mang hơi thở thời đại, dễ tiếp cận với đại đa số khán giả trong nước và quốc tế” – Trịnh Lâm Tùng nói.
Dù vậy, việc tạo ra một “diện mạo” mới mẻ cho nhân vật để đáp ứng các tiêu chí trên là thách thức không nhỏ. Mỗi tập phim chứa đựng một câu chuyện, một tình huống nhưng chỉ ngắn gọn trong thời lượng 3 – 5 phút, đòi hỏi sự tính toán, kết cấu nội dung chặt chẽ, hình ảnh phù hợp, lời thoại phải chọn lọc sao cho hiệu quả. Các nhân vật làm sao để có “đất diễn” khác nhau trong từng tập phim nhưng đều có tính cách riêng.
Đặc biệt, nhân vật chính Trạng Quỳnh dù thông minh, lém lỉnh và có phần hơi “quái” nhưng vẫn giữ được vẻ ngộ nghĩnh, hồn nhiên của một cậu bé, không bị cứng nhắc kiểu “ông cụ non”. Bằng sự đầu tư nghiên cứu nghiêm túc về văn hóa dân gian, ê kíp đã khá thành công trong việc xây dựng một cậu bé Trạng Quỳnh với góc nhìn mới mẻ mà vẫn chân thật, gần gũi với tuổi thơ Việt.
Nhiều khán giả có chung đánh giá rằng, điểm đặc sắc của “Trạng Quỳnh thời nhí nhố” là những nhân vật và câu chuyện của họ được “sống” trong không khí đậm đặc chất văn hóa nông thôn Việt Nam. Khung cảnh làng quê hiện ra với những hình ảnh thân quen: gốc đa, cây cầu đá, mảnh vườn, cây rơm, chiếc cối xay, nếp nhà truyền thống và cả chiếc sào phơi quần áo…
Ở không gian ấy, các nhân vật “va đập” với nhau trong các câu chuyện hài hước, gây cười. Các yếu tố dân gian được thể hiện qua kiến trúc, phục trang, những câu ca dao, tục ngữ cũng được đưa vào đời sống sinh hoạt thường ngày của nhân vật. Và những hành động của các nhân vật như: bắt cá, xay lúa, múa võ, đấu vật… cứ diễn ra một cách tự nhiên, quen thuộc.
Đạo diễn Trịnh Lâm Tùng cho biết, “Trạng Quỳnh thời nhí nhố” được tạo hình bằng kỹ xảo, đồ họa, âm thanh hiện đại. Cùng với bộ nhân vật phụ được xây dựng hoàn toàn mới, bộ phim là một thế giới hoạt hình “nhí nhố”, mang tính giải trí vui nhộn. Mỗi tập phim là một câu chuyện đơn giản nhưng mạch lạc, thú vị. Qua những câu chuyện đó, những giá trị văn hóa quen thuộc với người Việt như phong tục, lễ hội, ẩm thực, trò chơi dân gian hay các giá trị đạo đức, triết lý, lịch sử… được tái hiện một cách sinh động. Bên cạnh những truyền thuyết, thần thoại quen thuộc của người Việt, bộ phim còn chuyển tải những thông điệp nhân văn nhẹ nhàng mà sâu sắc.
Trịnh Lâm Tùng cũng cho rằng, đã có lúc phim hoạt hình Việt chưa thu hút được khán giả nhí vì tạo hình nhân vật khá sơ sài, cách làm phim kiểu cũ với công nghệ lạc hậu, nội dung phim mang tính giáo lý nặng nề, thiếu đi sự hồn nhiên, hóm hỉnh, phù hợp với tâm lý trẻ em. “Trạng Quỳnh thời nhí nhố” là dự án được ê kíp đặt rất nhiều tâm huyết cũng như kỳ vọng để mang tới một sự thay đổi.
“Trạng Quỳnh thời nhí nhố” là bộ phim hoạt hình mang nội dung về văn hóa Việt dài tập đầu tiên. Alpha Animation và các đơn vị đồng hành mong muốn thông qua bộ phim, khán giả trong nước, quốc tế biết đến nhiều hơn về nét đẹp Việt Nam, văn hóa Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng tạo ra những thước phim không chỉ chinh phục khán giả Việt Nam mà còn chinh phục khán giả trên toàn thế giới” – đạo diễn Trịnh Lâm Tùng chia sẻ.
Thế Vũ