Trên toàn cầu, chỉ một trong tám nhân viên sở hữu một hoặc nhiều kỹ năng xanh. Đây là một thách thức vì các công ty ngày càng bổ sung thêm việc làm xanh sẽ càng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm những cá nhân đủ tiêu chuẩn để đảm nhận các vai trò này.
Việc chuyển đổi sang nền kinh tế bền vững, ít carbon đòi hỏi lực lượng lao động cần được trang bị các kỹ năng xanh cần thiết là yêu cầu tất yếu.
Chênh lệch giới khá lớn
Một phát hiện khác của báo cáo là sự chênh lệch giới tính trong việc tiếp thu kỹ năng xanh và vai trò lãnh đạo trong các ngành công nghiệp xanh. Dữ liệu cho thấy chỉ 10% phụ nữ có ít nhất một kỹ năng xanh, so với 16% nam giới.
Chưa kể sự hiện diện của phụ nữ ở các vị trí lãnh đạo trong các ngành công nghiệp xanh thấp hơn so với nền kinh tế rộng lớn toàn cầu. Khoảng 20% giữ vai trò phó chủ tịch và 21% vai trò cấp C trong các lĩnh vực xanh.\
Sự chênh lệch giới tính này là vấn đề quan trọng. Một nghiên cứu trước đây từng xem xét sự bất bình đẳng giới và nam tính hóa quyền lực trong ngành năng lượng. Nghiên cứu này phát hiện phụ nữ phải đối mặt với những rào cản đáng kể trong các vị trí lãnh đạo do văn hóa nam giới thống trị và thiếu hình mẫu nữ.
Những tác động này rất có ý nghĩa đối với các nhà lãnh đạo và nhà hoạch định chính sách thế giới. Bởi sự thiếu hụt các kỹ năng xanh sẽ tạo ra rào cản lớn trong việc đạt được các mục tiêu về khí hậu toàn cầu. Mà khoảng cách hiện tại có thể cản trở nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, sự chênh lệch giới tính trong kỹ năng xanh và vai trò lãnh đạo phản ánh các vấn đề rộng hơn về bất bình đẳng giới trong lực lượng lao động, hạn chế sự đa dạng về quan điểm trong giải quyết vấn đề môi trường.
Ba gợi ý
Để giải quyết hiệu quả những thách thức được nêu trong báo cáo Tài năng xanh của LinkedIn này, tạp chí Forbes đưa ra một số gợi ý với các nhà lãnh đạo.
Thứ nhất, đầu tư vào chương trình giáo dục và đào tạo. Đề xuất này bao gồm phân bổ nguồn lực để phát triển chương trình giảng dạy và module đào tạo phù hợp với những phát triển mới nhất về công nghệ và bền vững. Kỹ năng xanh nên được tích hợp vào các chương trình giảng dạy hiện nay từ bậc tiểu học đến đại học và học nghề.
Thứ hai, đẩy mạnh tuyển dụng và cơ hội thăng tiến. Các công ty có thể áp dụng những phương thức tuyển dụng và đề bạt nhân viên một cách toàn diện hơn thông qua chính sách. Trong khi đó, chính phủ đóng vai trò đưa ra các quy định khuyến khích hoặc bắt buộc phải có sự đa dạng trong tuyển dụng, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp xanh.
Các nhà lãnh đạo cũng có thể thúc đẩy tạo ra các chương trình cố vấn và tài trợ trong các công ty để hỗ trợ phụ nữ và nhóm thiểu số phát triển các kỹ năng và tích lũy kinh nghiệm cần thiết để thăng tiến lên vai trò lãnh đạo trong các ngành công nghiệp xanh.
Thứ ba, giải quyết các rào cản mang tính hệ thống. Việc giải quyết các rào cản mang tính hệ thống ngăn cản phụ nữ và các nhóm thiểu số tham gia, thăng tiến trong các ngành công nghiệp xanh đòi hỏi cách tiếp cận nhiều mặt, bao gồm cải cách chính sách, chiến dịch nâng cao nhận thức và sự tham gia của cộng đồng.
Các nhà lãnh đạo có thể nỗ lực xóa bỏ định kiến giới trong giáo dục và hướng nghiệp. Cần đảm bảo rằng các cô gái trẻ và phụ nữ được khuyến khích theo đuổi việc học và sự nghiệp trong các lĩnh vực STEM, cả các ngành công nghiệp xanh.
Cùng với đó, các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng cũng rất quan trọng nhằm giải tỏa những định kiến và phát huy giá trị của sự đa dạng trong lực lượng lao động.