Lời thỉnh cầu mới nhất
Chính quyền Palestine (PA) một lần nữa yêu cầu trở thành thành viên chính thức của Liên hợp quốc, theo một bài đăng trên mạng xã hội X từ phái đoàn quan sát viên thường trực của Palestine tại Liên hợp quốc hôm thứ Ba.
Bài đăng bao gồm một lá thư, được ký bởi Đặc phái viên Lãnh thổ Palestine tại Liên hợp quốc, Riyad Mansour, trong đó đề cập đến đơn đăng ký tư cách thành viên ban đầu vào tháng 9 năm 2011 và yêu cầu xem xét gia hạn trong tháng này.
“Hôm nay, Nhà nước Palestine, theo chỉ thị của lãnh đạo Palestine, đã gửi thư cho Tổng thư ký yêu cầu xem xét lại đơn đăng ký thành viên của (chúng tôi)”, bài đăng viết.
Trao đổi với Reuters, ông Riyad Mansour nói rằng mục đích của lá thư là nhằm hối thúc Hội đồng Bảo an đưa ra quyết định tại cuộc họp cấp bộ trưởng về Trung Đông vào ngày 18/4 tới đây.
Tuy nhiên, theo những nguồn tin từ Liên hợp quốc thì một cuộc bỏ phiếu về nguyện vọng của người Palestine vẫn chưa được lên lịch.
Trong những tháng gần đây – trước chiến dịch quân sự của Israel vào Dải Gaza nhằm đáp trả vụ tấn công ngày 7 tháng 10 của Hamas – ông Mansour cũng đã nhiều lần nói với truyền thông rằng, giành được tư cách thành viên chính thức của Liên hợp quốc là ưu tiên hàng đầu đối với người Palestine.
Điều gì đã xảy ra với Palestine năm 2011?
Vào tháng 9 năm 2011, Chính quyền Palestine đã gửi đơn đăng ký tới Liên hợp quốc. Một ủy ban của Hội đồng Bảo an đã đánh giá đơn đăng ký của Palestine trong vài tuần để xem liệu đơn đăng ký này có đáp ứng các yêu cầu để trở thành thành viên Liên hợp quốc hay không.
Nhưng ủy ban đã không thể đạt được quan điểm nhất trí và Hội đồng Bảo an chưa bao giờ chính thức bỏ phiếu về một nghị quyết xem xét tư cách thành viên của người Palestine.
Các nhà ngoại giao cho biết Palestine khi ấy thiếu 9 phiếu tối thiểu cần thiết để thông qua một nghị quyết. Dẫu vậy, ngay cả khi họ giành được đủ sự ủng hộ, thì Mỹ được cho rằng vẫn tuyên bố sẽ phủ quyết động thái này.
Palestine không giành được sự công nhận tư cách là một quốc gia thành viên độc lập năm 2011, nhưng một năm sau, họ cũng có một bước tiến.
Tháng 11/2012, Đại hội đồng Liên hợp quốc gồm 193 quốc gia đã thông qua việc công nhận trên thực tế nhà nước có chủ quyền Palestine bằng cách nâng cấp tư cách “thực thể quan sát viên” của nước này thành “quốc gia không phải thành viên”, một vị trí tương tự như Vatican.
Có 138 phiếu thuận, 9 phiếu chống và 41 phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc hôm đó.
Nỗ lực cải tổ của Chính quyền Palestine
Chính quyền Palestine, do đảng Fatah lãnh đạo, nắm quyền kiểm soát hành chính đối với Gaza cho đến năm 2007, sau khi Hamas giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2006 tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng và trục xuất tổ chức này khỏi Gaza.
Kể từ đó, Hamas đã cai trị Gaza và Chính quyền Palestine quản lý các phần của Bờ Tây do Israel chiếm đóng.
Mỹ hiện cho biết họ ủng hộ một Chính quyền Palestine được cải cách, lãnh đạo cả Bờ Tây và Gaza như một phần của một quốc gia độc lập cuối cùng. Nhưng Israel đã bác bỏ khả năng Chính quyền Palestine quay trở lại Gaza sau cuộc chiến đang diễn ra và bác bỏ ý tưởng thành lập một nhà nước Palestine trên các vùng lãnh thổ.
Trong bối cảnh áp lực quốc tế căng thẳng đòi Chính quyền Palestine phải cải cách, một nội các mới do Thủ tướng Mohammed Mustafa đứng đầu đã chính thức tuyên thệ nhậm chức vào ngày 1/4 tại Ramallah, theo hãng thông tấn chính thức của Palestine (WAFA).
Phát biểu trên WAFA, ông Abbas cho biết: “Mục tiêu chính trị của chúng tôi là đạt được tự do, độc lập và giải phóng khỏi sự chiếm đóng, đồng thời chúng tôi đang hợp tác với các bên Ả Rập và quốc tế có liên quan để có được tư cách thành viên đầy đủ của Liên hợp quốc”.
Liên Hợp quốc tiếp nhận thành viên mới như thế nào?
Các quốc gia muốn gia nhập Liên hợp quốc thường nộp đơn đăng ký lên Tổng thư ký Liên hợp quốc, người sẽ gửi đơn đến Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên để đánh giá và bỏ phiếu.
Trong trường hợp của Palestine, người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric cho biết Đặc phái viên Riyad Mansour đã gửi một lá thư cho Tổng thư ký Antonio Guterres hôm thứ Ba yêu cầu Hội đồng Bảo an xem xét lại đơn đăng ký tư cách thành viên chính thức của Palestine được đưa ra vào năm 2011.
Tổng thư ký Guterres sau đó cũng đã gửi thư tới Hội đồng Bảo an. Một ủy ban hội đồng gồm 15 thành viên trước tiên sẽ đánh giá đơn đăng ký để xem liệu Chính quyền Palestine có đáp ứng các yêu cầu để trở thành thành viên Liên hợp quốc hay không.
Sau đó, đơn đăng ký có thể được gác lại hoặc đưa ra để bỏ phiếu chính thức tại Hội đồng Bảo an. Việc phê duyệt cần ít nhất 9 phiếu ủng hộ và không có sự phủ quyết nào của các thành viên thường trực là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp hoặc Vương quốc Anh.
Nếu Hội đồng Bảo an chấp thuận, đơn đăng ký sẽ được chuyển đến Đại hội đồng để phê duyệt. Yêu cầu trở thành thành viên cần có đa số 2/3 để được hội đồng chấp thuận. Một quốc gia chỉ có thể gia nhập Liên Hợp quốc khi được cả Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng chấp thuận.
Nguyễn Khánh