Tại kỳ họp, với đa số phiếu tán thành, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tại Nghị quyết này, HĐND TP giao UBND TP tiếp thu ý kiến thẩm tra của Ban Đô thị và ý kiến của đại biểu HĐND TP để hoàn thiện nội dung của Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, HĐND cũng giao Thường trực HĐND, các Ban HĐND, các tổ đại biểu, đại biểu HĐND TP và đề nghị Ủy ban MTTQ TP Hà Nội giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Trước đó, báo cáo thẩm tra của Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội bày tỏ quan điểm nhất trí về sự cần thiết ban hành nghị quyết. Đồng thời đề nghị cần quan tâm tới các vấn đề như: hạ tầng thu gom, xử lý rác thải, xử lý nước thải còn thiếu và yếu; hạ tầng phát triển dịch vụ còn chưa đáp ứng yêu cầu; ô nhiễm môi trường, trong đó có môi trường không khí, rác thải, ô nhiễm nguồn nước có xu hướng gia tăng, báo động; tình trạng ngập úng khi mùa mưa lũ và tình trạng thiếu nước sạch đối diện với nhiều nguy cơ, thách thức phức tạp; công tác lập, quản lý quy hoạch và phát triển đô thị chậm đổi mới, chưa tạo chuyển biến về diện mạo Thủ đô văn minh, hiện đại.
Theo Ban Đô thị, cần nhấn mạnh hơn nữa quan điểm phát triển Thủ đô Hà Nội dựa trên chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn. Bổ sung quan điểm phát triển Thủ đô dựa trên 5 trụ cột: Văn hóa – di sản; phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số; hạ tầng đồng bộ, giao thông hiện đại; xã hội số – đô thị thông minh; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và nguồn nhân lực.
Ông Đoàn Việt Cường – Phó trưởng Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội cũng cho rằng, cần làm rõ nét hơn phương án phát triển trục sông Hồng để đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị. Cụ thể là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Hà Nội. Đây chính là động lực phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới. Đưa ra phương án nghiên cứu, điều chỉnh hành lang thoát lũ, xây dựng đê kiên cố, vĩnh cửu để nâng cao hiệu quả sử dụng đất các khu vực hai bên bờ sông Hồng, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của Thủ đô.
Cùng với đó, phát triển hệ thống giao thông công cộng tích hợp giữa các loại hình xe đạp, xe buýt, đường sắt đô thị. Đặc biệt có lộ trình, cơ chế đối với chuyển đổi giao thông xanh. Ngoài ra, cần chú ý mục tiêu về vận tải, hệ thống cao tốc cấp quốc gia, đường thành phố, xử lý các điểm đen, chỉ tiêu về an toàn giao thông, nghiên cứu, xây dựng thêm 1 sân bay quốc tế đáp ứng yêu cầu phát triển vùng Thủ đô.
Trước đó, thảo luận về vấn đề trên, ĐB Nguyễn Tiến Minh (tổ ĐB huyện Thường Tín) đề nghị, chú trọng vào quy hoạch giao thông vận tải để xứng đáng với quy mô thành phố 100 triệu dân, lấy sông Hồng làm trung tâm của quy hoạch. Bên cạnh đó, xử lý tốt nước thải để làm “sống lại” các dòng sông.
Trong khi đó, ĐB Đường Hoài Nam (tổ ĐB quận Long Biên) cho rằng, cần quan tâm đến niên độ quy hoạch, làm cơ sở quan trọng để các cấp ủy lãnh đạo phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt, tập trung giải pháp hoàn thiện về mặt thể chế, cần có sự ưu tiên trong bố trí nguồn lực, việc phân cấp phân quyền và bố trí nguồn lực phải đồng bộ, nhất quán. “Những vấn đề cấp bách như giao thông và ô nhiễm môi trường cần được ưu tiên hàng đầu” – ông Nam kiến nghị.
Về vấn đề trên, trong phát biểu khai mạc kỳ họp, ông Nguyễn Ngọc Tuấn – Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho biết, căn cứ Luật Quy hoạch năm 2017 và Quyết định số 313 ngày 7/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, thời gian qua TP Hà Nội đã tập trung, khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Ông Tuấn nhấn mạnh, đây là nội dung lớn, rất quan trọng, cùng với dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi đang được tập trung hoàn thiện trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 tới đây và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được HĐND TP thông qua và đang trình Thủ tướng Chính phủ sẽ tạo ra khung khổ pháp lý, thể chế quan trọng cho sự phát triển Thủ đô, cũng như tạo lập không gian phát triển mới, động lực mới và giá trị mới để xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội.
Cùng ngày, với đa số đại biểu HĐND tán thành, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh tổng biên chế sự nghiệp thành phố năm 2024 và giao bổ sung biên chế viên chức giáo dục từ năm học 2023 – 2024. Giao bổ sung 2.648 biên chế viên chức giáo dục từ năm học 2023 – 2024 cho Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND quận, huyện, thị xã. Trong đó, giao 447 biên chế viên chức các trường THPT; 1.033 biên chế viên chức các trường THCS; 977 biên chế viên chức các trường tiểu học; 191 biên chế viên chức các trường mầm non.