Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa có tổng hợp ý kiến thảo luận của các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách tại hội nghị lần thứ 5 vừa qua về dự Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).
Đề xuất tăng để tạo điều kiện cho chồng hỗ trợ vợ chăm con nhỏ
Theo dự luật, lao động nam đang tham gia bảo hiểm xã hội khi vợ sinh con được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản với thời gian 5 ngày làm việc với trường hợp người vợ sinh thường, 7 ngày làm việc nếu vợ sinh con phải phẫu thuật, hoặc sinh con dưới 32 tuần tuổi.
Trường hợp vợ sinh đôi, được nghỉ 10 ngày làm việc, từ sinh 3 trở lên cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc; trường hợp vợ sinh đôi phải phẫu thuật được nghỉ 14 ngày làm việc; từ sinh 3 trở lên phải phẫu thuật, cứ thêm mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày làm việc.
Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản được tính trong khoảng thời gian 60 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.
Theo ông Cường, có ý kiến đại biểu đề nghị tăng số ngày nghỉ với lao động nam lên tối thiểu 10 ngày đối với trường hợp thông thường và cao hơn gấp đôi đối với những trường hợp sinh đôi trở lên hoặc sinh con phải phẫu thuật.
Việc này để bảo đảm tính trách nhiệm cũng như tạo điều kiện cho người chồng hỗ trợ người vợ trong quá trình chăm con nhỏ.
Đồng thời điều chỉnh quy định về khoảng thời gian người chồng được nghỉ hưởng chế độ thai sản từ trong khoảng thời gian 60 ngày lên trong khoảng thời gian 6 tháng kể từ ngày vợ sinh con.
Trước đó, nêu ý kiến góp ý về dự thảo luật tại hội nghị đại biểu chuyên trách lần thứ 5, đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) đã kiến nghị về chế độ thai sản với lao động nam.
Bà Vang kiến nghị nghiên cứu tăng số lần nghỉ lên tối thiểu 10 ngày đối với trường hợp người vợ sinh thông thường và cao hơn có thể gấp đôi đối với những trường hợp sinh đôi trở lên, hoặc sinh con phải phẫu thuật, để tạo điều kiện cho người cha hỗ trợ người mẹ trong quá trình chăm con nhỏ.
Đồng thời, thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản của người cha cần tăng lên trong vòng 6 tháng, kể từ ngày vợ sinh con để có thể hỗ trợ cho người mẹ chăm con sau khi hết thời gian nghỉ thai sản của người mẹ.
Bà Vang nêu rõ thực tế hiện nay tại khắp các khu công nghiệp, khu chế xuất, đa số các cặp vợ chồng trẻ sống xa gia đình, không có sự hỗ trợ của người thân khi sinh con nên rất cần có sự hỗ trợ của người chồng.
Đề xuất người lao động nhận con nuôi dưới 6 tháng tuổi vẫn được hưởng chế độ thai sản
Bên cạnh đó, theo ông Cường, có ý kiến đề nghị chỉnh lý quy định theo hướng người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi không nghỉ việc thì vẫn được hưởng chế độ thai sản giống như những trường hợp sinh con thông thường và cũng để bảo đảm phù hợp với quy định.
Trước đó đại biểu Tô Ái Vang cũng góp ý trường hợp người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi không nghỉ việc vẫn được hưởng chế độ thai sản giống như những trường hợp sinh con thông thường.
Bởi bản chất của chế độ thai sản là bù đắp một phần thu nhập cho người lao động khi phải chăm con và được chi trả trên nguyên tắc đóng hưởng.
Bà nói nếu người lao động đã đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội theo quy định thì phải được hưởng công bằng như các trường hợp khác.
Bà Vang cũng đề nghị tăng thêm thời gian nghỉ chăm sóc con ốm đau với những trường hợp con dưới 16 tuổi, hoặc quy định người lao động được hưởng chế độ ốm đau theo quy định tại dự luật.
Bà nêu Luật Trẻ em quy định trẻ em là người dưới 16 tuổi và trên thực tế khi con ốm thường bố mẹ vẫn phải nghỉ để chăm sóc, thậm chí có nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh nan y, mãn tính hoặc nằm viện cha mẹ cũng phải nghỉ việc để chăm con.