(Dân trí) – Bên cạnh yêu cầu phát triển lành mạnh thị trường bất động sản, thị trường vốn, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo bảo đảm đủ điều kiện triển khai chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7.
Chỉ đạo này được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra khi phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, sáng 3/4.
Khái quát nhiều kết quả đạt được trong quý I/2024 về tình hình kinh tế – xã hội, song Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh còn nhiều tồn tại, hạn chế mà Việt Nam phải đối mặt.
Cần theo dõi chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới
Theo Thủ tướng, sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô, nhất là lạm phát, lãi suất, tỷ giá còn cao do giá dầu thô, giá lương thực, lãi suất, tỷ giá trên thị trường thế giới biến động mạnh; rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản thế giới; xu hướng bất ổn chính trị, kinh tế, xã hội tiếp tục gia tăng.
Thủ tướng lưu ý trong đó tỷ giá USD/VND có xu hướng tăng và chênh lệch giá vàng trong nước – thế giới cần tiếp tục được theo dõi, điều hành linh hoạt, kịp thời, phù hợp.
Thách thức thứ hai là một số ngành sản xuất công nghiệp phục hồi chậm; các lĩnh vực dịch vụ ăn uống, giải trí chưa phục hồi rõ nét.
Lãnh đạo Chính phủ cũng lưu ý số máy bay hoạt động thương mại đến cuối tháng 3 giảm so với cùng kỳ năm 2023, trong khi nhu cầu sẽ tăng cao trong dịp nghỉ lễ 30/4 và dịp hè sắp tới.
Thứ ba, người đứng đầu Chính phủ nhắc hoạt động sản xuất kinh doanh trong một số lĩnh vực còn khó khăn; số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường còn lớn. Mặc dù mặt bằng lãi suất cho vay giảm, nhưng lãi suất đối với các khoản dư nợ hiện tại còn cao; tiếp cận vốn còn khó khăn.
Đưa 2 tuyến cao tốc về đích vào 30/4
Nhắc đến những nhiệm vụ trọng tâm, Thủ tướng dẫn chứng các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc sử dụng hóa đơn điện tử đã đạt 99,96%, việc này đã hoàn thành trong vòng 3 tháng thay vì 2 năm như báo cáo của các bộ ngành.
Tương tự, dự án đường dây 500kV mạch 3 chậm trễ nhiều năm nhưng đang cơ bản bảo đảm tiến độ để hoàn thành vào tháng 6. Hai ví dụ này cho thấy cần quyết tâm cao và cách làm đổi mới để thúc đẩy công việc, theo lời Thủ tướng.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh tinh thần kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, giữ vững bản lĩnh, kiên định mục tiêu đề ra với quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt, hiệu quả hơn.
Về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Thủ tướng nhấn mạnh thực hiện cao nhất, tốt nhất, phấn đấu đạt và vượt các mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2024, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng khoảng 6,5%, với tinh thần “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm” và “5 đẩy mạnh”.
Cụ thể, “5 quyết tâm” gồm:
1- Quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức.
2- Quyết tâm thực hiện, không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm; không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với phương châm “thắng không kiêu, bại không nản”.
3- Quyết tâm bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; đồng thời thúc đẩy phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.
4- Quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, tăng cường phân cấp, phân quyền, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.
5- Quyết tâm nỗ lực phấn đấu cao nhất để thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, ứng phó biến đổi khí hậu.
Thủ tướng yêu cầu cần quyết tâm hoàn thành đường dây 500kV mạch 3 vào 30/6 và hai dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo và Diễn Châu – Bãi Vọt vào 30/4.
Với yêu cầu “5 đảm bảo”, Thủ tướng lưu ý bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế và kiểm soát lạm phát, tạo nền tảng và điều kiện thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng, phát triển nhanh và bền vững.
Bên cạnh đó, bảo đảm phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch các loại thị trường, gồm thị trường hàng hóa, dịch vụ; thị trường lao động; thị trường bất động sản, thị trường vốn (ngân hàng, chứng khoán, trái phiếu)…
Đặc biệt, Thủ tướng quán triệt bảo đảm đầy đủ điều kiện để triển khai chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7.
Theo lãnh đạo Chính phủ, cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; tiếp tục có biện pháp mạnh giảm mặt bằng lãi suất cho vay; thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước – quốc tế…
Với mục tiêu tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước, Thủ tướng yêu cầu tập trung triển khai sử dụng hóa đơn điện tử, nhất là các hoạt động kinh doanh ăn uống, dịch vụ, bán lẻ xăng dầu.
Bên cạnh đó, Thủ tướng nhắc thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian sớm nhất; tăng cường công tác bảo mật, an ninh, an toàn hệ thống thông tin tài chính, ngân hàng, chứng khoán. Tăng cường quản lý giá cả, thị trường và dứt khoát không để thiếu điện.
Giao một số nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành, địa phương với mốc thời hạn hoàn thành cụ thể, Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ tổng hợp, phân loại kiến nghị của địa phương để các bộ, ngành, cơ quan giải quyết theo thẩm quyền.
Với các vấn đề còn ý kiến khác nhau, ông giao các Phó Thủ tướng theo lĩnh vực phân công làm việc trực tiếp các bộ ngành để xử lý, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Dantri.com.vn