Cuốn sách tập hợp nhiều bài viết của các chuyên gia về lịch sử, khảo cổ, văn hóa, chuyên gia tín ngưỡng và tôn giáo xoay quanh hai chủ đề lớn, cũng là hai phần của cuốn sách.
Đó là chủ đề “Lịch sử và ý nghĩa của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam” và “Bảo tồn và phát huy giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương hiện nay”.
Thông qua kho tàng di sản Hán Nôm, các văn bản thư tịch cổ, kết quả nghiên cứu của ngành khảo cổ học, các bài viết của các chuyên gia được tập hợp trong cuốn sách làm sáng tỏ lịch sử hình thành và ý nghĩa của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam.
Bài viết “Truyền thuyết và sự thật lịch sử về thời đại Hùng Vương” của PGS.TS Đỗ Lan Hiền cùng những bài viết khác mang đến những thông tin thú vị về một chủ đề còn là những câu hỏi ngỏ.
Thêm những minh chứng khảo cổ học trong bài viết của chuyên gia khảo cổ, PGS.TS Bùi Văn Liêm về Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ cho thấy thời đại Hùng Vương và việc thờ cúng Hùng Vương đã có từ xa xưa trong lịch sử, mặc dù sử sách chép lại nguồn gốc của các Vua Hùng có nhuốm màu thần thoại.
Từ kết quả từ các đợt khảo cổ học cho thấy trong khu vực Kinh đô nước Văn Lang xưa đã có tới 71 di chỉ khảo cổ học liên quan đến việc thờ tự các Vua Hùng.
Hiện tại, theo thống kê của Cục Di sản văn hóa, có 1.417 di tích thờ cúng Hùng Vương và các tướng lĩnh thời đại Hùng Vương trên cả nước.
Theo GS.TS Tạ Ngọc Tấn, cuốn sách còn bàn chủ đề về sự tồn tại của tín ngưỡng này trong tâm thức người Việt và các tộc người thiểu số trên nhiều vùng, miền của Tổ quốc và của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Sách cũng khẳng định vai trò của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với việc hình thành bản sắc văn hóa, xây dựng con người Việt Nam và trong chiến lược đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong phần hai, cuốn sách cũng đặt trọng tâm vào vấn đề tiếp tục bảo tồn, phát huy các giá trị của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với tư cách một Di sản văn hóa thế giới, những biến đổi trong Lễ hội Đền Hùng ở Việt Nam.
Việc khai thác di tích và Lễ hội Đền Hùng trong hoạt động du lịch bền vững hiện nay cùng những vấn đề đặt ra cho công tác quản lý nhà nước về hoạt động tín ngưỡng và bảo tồn di sản văn hóa nhân loại.