Báo cáo của Bộ KH-ĐT tại phiên họp kinh tế xã hội tháng 3 và quý 1/2024 do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì sáng 2.4 chỉ ra nhiều tín hiệu tích cực của nền kinh tế.
Theo đó, tăng trưởng GDP quý 1 ước tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, vượt kịch bản đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP (5,2 – 5,6%), là mức tăng cao nhất từ năm 2020 đến nay.
Khu vực công nghiệp và xây dựng dần lấy lại được đà tăng trưởng, ước tăng 6,28%, trong đó công nghiệp tăng 6,18%; khu vực nông, lâm, thủy sản và dịch vụ lần lượt tăng 2,98% và 6,12% so với cùng kỳ năm trước.
Một số địa phương tăng trưởng quý 1 cao, như Bắc Giang (14,2%), Thanh Hóa (13,2%), Trà Vinh (13,9%), Khánh Hòa (12,4%), Quảng Ninh (8,9%), TP.HCM (6,54%), Hải Phòng (9,3%), Hà Nội (5,5%)…
Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục diễn biến tích cực.
Sức mua giảm, người dân vẫn thắt chặt chi tiêu
Dù vậy, theo lãnh đạo Bộ KH-ĐT, những khó khăn, thách thức chung của thế giới, khu vực tiếp tục tác động không nhỏ đến tình hình kinh tế xã hội quý 1 của nước ta.
Cụ thể, sản xuất công nghiệp phục hồi còn chậm. Sản xuất nông nghiệp tại đồng bằng sông Cửu Long gặp nhiều khó khăn do hạn mặn tăng cao và có thể tiếp tục kéo dài.
Tốc độ tăng cầu tiêu dùng trong nước quý 1 thấp hơn cùng kỳ năm 2023 và các năm trước dịch 2011 – 2019. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý 1 năm 2024 tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước. Các năm trước đều tăng 9%.
“Sức mua giảm, người dân thắt chặt chi tiêu, cho thấy tâm lý thận trọng, chi tiêu tiết kiệm của doanh nghiệp, người dân trước những khó khăn của nền kinh tế hiện nay. Nhu cầu của thị trường trong nước thấp, tính cạnh tranh cao là các khó khăn lớn nhất với doanh nghiệp chế biến, chế tạo hiện nay”, Bộ trưởng KH-ĐT nêu.
Theo khảo sát xu hướng kinh doanh quý 1 của Tổng cục Thống kê, 55,1% và 49,8% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn về nhu cầu thị trường trong nước và tính cạnh tranh của hàng hóa trong nước.
Báo cáo cũng phản ánh, ngành hàng không đối mặt với nhiều khó khăn, số máy bay thương mại giảm mạnh, nhiều đường bay trong nước bị cắt hoặc giảm tần suất, làm tăng giá vé máy bay, ảnh hưởng đến phát triển du lịch và nhu cầu đi lại của nhân dân. Đến cuối tháng 3 là khoảng 170 máy bay, giảm hơn 40 máy bay so với cùng kỳ năm 2023.
Thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn, nhất là về quy định, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội; tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỉ đồng còn chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng đề ra.
Đến nay mới có 28/63 UBND tỉnh công bố 68 dự án tham gia chương trình nhưng chỉ có 30 dự án có nhu cầu vay vốn. Các ngân hàng thương mại đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỉ đồng; tổng số tiền đã giải ngân đạt 640 tỉ đồng cho 8 chủ đầu tư và giải ngân 6 tỉ đồng đối với người mua nhà.
Đặc biệt, trong quý 1, có gần 74.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,8% so với cùng kỳ 2023, chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh là gần 53.400 doanh nghiệp, tăng 24,5%, doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể và đã giải thể là 20.600 doanh nghiệp, tăng 18,4%.
Chênh lệch vàng trong nước và thế giới 12,7 triệu đồng/lượng
Quản lý thị trường vàng còn bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn. Tính đến 1.4, chênh lệch giá lên tới 12,7 triệu đồng/lượng.
Ngoài ra, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 1 là 4,79% (cuối năm 2022 là 2,03%, năm 2023 là 4,55%), làm tăng chi phí của hệ thống ngân hàng, ảnh hưởng đến khả năng giảm lãi suất cho vay, sức chống chịu trước các thách thức trên thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu và có thể tiềm ẩn rủi ro đến an toàn hệ thống.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã chuyển biến tích cực, nhưng còn nhiều khó khăn, khối lượng phát hành quý 1 giảm 36% so với cùng kỳ năm trước, áp lực đáo hạn trái phiếu năm 2024 lớn.
Vẫn theo Bộ KH-ĐT, sự cố giao dịch của VNDirect đã tác động không nhỏ đến tâm lý, quyền lợi nhà đầu tư, có thể ảnh hưởng đến việc xem xét nâng hạng thị trường chứng khoán. Do đó, cần tập trung tăng cường bảo mật thông tin, an toàn, an ninh mạng, hoàn thiện các quy định bảo vệ nhà đầu tư, đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường tài chính thời gian tới.
Trước đó, Chính phủ yêu cầu năm 2024, Việt Nam tiếp tục giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn để nhà đầu tư yên tâm; quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ “cận biên lên mới nổi” trong năm 2025.