Chiều tối 2-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Thủ tướng Chính phủ với các trưởng cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, ngoại giao kinh tế đã đạt được nhiều kết quả nổi bật khi có nhiều cam kết, thỏa thuận được ký kết. Quan hệ đối ngoại và hợp tác kinh tế được mở rộng; chúng ta có các khuôn khổ quan hệ với 30 đối tác chiến lược, đối tác toàn diện được nâng tầm, nâng cấp.
Nâng cấp quan hệ 4 đối tác lớn
Từ nửa cuối năm 2023 đến nay, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với bốn đối tác lớn là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Úc với nhiều nội hàm hợp tác quan trọng như khoa học công nghệ, bán dẫn, ODA thế hệ mới, kinh tế xanh, kinh tế số…
Ngoại giao kinh tế đã tích cực hỗ trợ xúc tiến, quảng bá, tháo gỡ rào cản thương mại để mở rộng thị trường. Thu hút nguồn lực để phát triển các ngành có thể tạo đột phá như công nghệ cao bán dẫn và đào tạo nguồn nhân lực, AI, kinh tế số, kinh tế xanh, chuyển đổi năng lượng…
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng cần đẩy mạnh tinh thần “ba phát huy” trong ngoại giao kinh tế. Đó là việc phát huy thế và lực của đất nước; phát huy sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tính năng động, sáng tạo, linh hoạt, thông minh của người Việt Nam.
Cùng đó là những định hướng lớn trong ngoại giao kinh tế. Bao gồm việc tổ chức tốt các chương trình đối ngoại của lãnh đạo cấp cao và hoạt động đối ngoại các cấp.
Ngoại giao kinh tế tiếp tục có vai trò trọng tâm để vừa làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng), phát huy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức), các lĩnh vực mới và mang tính đột phá (công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, bán dẫn, hydrogen, AI…).
Làm mới các động lực tăng trưởng
Khai thác tối đa tiềm năng của các khuôn khổ, quan hệ vừa được nâng cấp, các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết. Huy động nguồn lực hơn 6 triệu người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ phát triển đất nước để trở thành một chủ thể quan trọng.
Người đứng đầu Chính phủ cũng giao các nhiệm vụ cụ thể. Đó là cần chủ động chuyển tải thông điệp tới các đối tác quốc tế về tinh thần cầu thị và cam kết của Chính phủ bảo đảm môi trường chính trị, đầu tư, kinh doanh an toàn, hấp dẫn.
Các bộ ngành, địa phương phải lượng hóa, báo cáo rõ về những kết quả trong thực hiện ngoại giao kinh tế, xác định các khó khăn để có giải pháp. Củng cố quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với các thị trường lớn, chủ chốt và mở rộng, đa dạng hóa thị trường, chú trọng hơn các địa bàn tiềm năng, còn nhiều dư địa hợp tác như UAE, Trung Đông – châu Phi, thị trường Halal…
Ông cũng yêu cầu tạo đột phá trong thu hút đầu tư các lĩnh vực mới như bán dẫn, AI, năng lượng…; thúc đẩy và đón tiếp chu đáo đoàn công tác của các tổ chức doanh nghiệp, các tập đoàn lớn trên thế giới tới Việt Nam; nắm bắt và kiến nghị xử lý phù hợp, kịp thời các đề xuất của cộng đồng doanh nghiệp…
Tới đây cần tổ chức thiết thực, hiệu quả Diễn đàn trí thức chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài cùng với Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài để các chuyên gia, trí thức Việt kiều chia sẻ, đóng góp cho những vấn đề về phát triển của đất nước.
Trong đó, Thủ tướng lưu ý cần nâng cao chất lượng, tính nhạy bén, kịp thời của công tác nghiên cứu, thông tin, tham mưu chiến lược, nắm bắt xu thế, phản ứng chính sách kịp thời, phục vụ điều hành kinh tế – xã hội. Tập trung vào các xu thế mới, xu hướng điều chỉnh chính sách, ưu tiên mới của các đối tác theo tinh thần “những thứ họ cần chứ không phải thứ mình có”.