Ngày 2.4, hóa đơn tiền điện tháng 3 được các công ty điện lực gửi lần lượt đến các hộ dùng điện.
Tiêu thụ kỷ lục, hóa đơn tăng cao
Phản hồi đến Thanh Niên, nhiều hộ gia đình đều cho biết hóa đơn tháng 3 – mới vào đầu mùa nóng – đã tăng vọt đáng lo ngại.
Điển hình, chị Nguyễn Thị Thảo (TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho biết hóa đơn tiền điện tháng 3 gia đình vừa nhận là 1,304 triệu đồng, với chỉ số điện sử dụng tăng gần 60 kWh so với tháng trước, số tiền trả cao hơn gần 200.000 đồng. Chị Thảo cho hay: “Phòng ngủ mở cửa sổ ra hướng sông, ban đêm gió lạnh còn phải dùng mền, hầu như không sử dụng máy lạnh khi ngủ, không rõ sao tăng nhiều vậy”. Tương tự, hộ bà Phan Thị Ngọc (Tây Ninh) báo chỉ số điện dùng trong tháng 2 là 180 kWh, sang tháng 3 tăng lên 230 kWh; hộ ông Nguyễn Minh Hậu (Bình Tân, TP.HCM) báo chỉ số điện tăng từ 310 – 350 kWh…
Trên diễn đàn “Quản gia hóa đơn” của Momo, cả ngày hôm qua (2.4), hàng trăm tin nhắn trao đổi chỉ với nội dung “điện bị gì mà tăng dữ vậy trời” của nhiều người từ các tỉnh thành vùng Tây nguyên, miền Nam và TP.HCM. Cụ thể, chị Hồ Thị Tiểu Bích cho biết tiền điện gia đình tháng này tăng hơn 400.000 đồng; Trương Vũ Văn Em “bật ngửa” khi tăng hơn 150.000 đồng; chị Trần Thị Kim Xuyến nói “muốn xỉu ngang với tiền điện tháng này”. Hỏi, chị báo hóa đơn tăng từ 1,3 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng; anh Đỗ Phú Việt báo tăng từ 970.000 đồng tháng 2, lên 1,342 triệu đồng với hóa đơn tháng 3; chị Lê Thiên Thanh nói “mình cũng tương tự”, tháng trước 1,1 triệu đồng, tháng này vọt lên 1,7 triệu đồng…
Thực tế, hóa đơn tiền điện tăng cao đã được ngành điện cảnh báo trước. Mới nhất, Tổng công ty Điện lực TP.HCM (EVNHCMC) cách đây vài ngày cho biết sản lượng điện thương phẩm tháng 3 tăng cao hơn 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, ngày 26.3, sản lượng điện tiêu thụ tại TP.HCM cao nhất tính từ đầu năm, lên 92,46 triệu kWh, tương ứng với nhiệt độ cao nhất trong ngày là 37 độ C. Mức này chỉ thấp hơn 2,34 triệu kWh so với mức tiêu thụ kỷ lục của ngày 6.5.2023 (94,8 triệu kWh) của điện lực TP.HCM.
Đại diện đơn vị này giải thích theo quy luật thời tiết quý 2 hằng năm tại khu vực TP.HCM là giai đoạn cao điểm nắng nóng, nhiệt độ nhiều thời điểm lên hơn 37 – 40 độ C, số giờ nắng nóng cũng nhiều hơn, nên Điện lực TP.HCM đưa ra dự báo không chỉ tháng 3, trong tháng 4 và 5, sản lượng tiêu thụ điện sẽ tăng nữa. Đặc biệt, có ngày vượt mốc 95 triệu kWh, phá kỷ lục mới về tiêu thụ điện của TP năm ngoái. Tương tự, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) ngày 2.4 cũng thông tin điện thương phẩm trong tháng 3 của Tổng công ty (21 tỉnh thành phía nam) tăng mạnh, lũy kế 3 tháng đầu năm, điện tiêu thụ trong khu vực đã tăng vọt 14,72% so cùng kỳ, tương đương hơn 21,805 tỉ kWh. Ngành điện dự báo tiêu thụ điện sẽ tiếp tục tăng từ nay đến tháng 6.
Tăng mạnh do nhảy bậc
Nắng nóng là “thủ phạm” khiến hóa đơn tiền điện tăng. Song thêm một lý do nữa là hóa đơn tiền điện của nhiều hộ gia đình tăng mạnh do bị nhảy bậc theo biểu giá lũy tiến 6 bậc. Trong đó, sản lượng điện dùng bị nhảy bậc càng cao, giá tiền trả càng tăng. Chẳng hạn, nếu xài 200 kWh trong khoảng bậc 3, giá điện tính tương đương giá điện bình quân, khoảng 2.167 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế GTGT), nhưng cao hơn số đó, tính theo bậc 4 là 2.730 đồng/kWh (chưa thuế GTGT), tương tự, từ 300 – 400 kWh, tính giá hơn 3.000 đồng/kWh và tiền điện tính theo bậc 6 là bậc cao nhất, với hơn 3.151 đồng/kWh.
Trong khi lượng điện dùng tăng thì số hộ sử dụng điện nhảy bậc cũng tăng theo. Theo EVNHCMC, tiền điện của các hộ gia đình trong tháng 3 tăng mạnh do thống kê của EVNHCMC cho thấy lượng khách hàng sử dụng điện đến bậc 6 (từ 401 kWh trở lên, giá cao nhất trong 6 bậc, 3.151 đồng/kWh, chưa bao gồm thuế GTGT – PV) chiếm hơn 30%. Trong khi đó, những tháng trước chỉ khoảng 20 – 25% trong tổng số hơn 2,6 triệu khách hàng ở TP.HCM. Tương tự, số lượng hộ bị nhảy bậc từ bậc 3 lên bậc 4 cũng tăng đáng kể.
Bà Nguyễn Hoàng (Q.Tân Bình, TP.HCM) cho biết hóa đơn tháng 2 của bà dùng 177 kWh, đóng hơn 378.000 đồng; sang tháng 3, hóa đơn tiền điện mới nhận chiều 2.4 tăng lên 254 kWh, trong đó có 54 kWh điện phải tính theo giá điện bậc 4, nên tổng hóa đơn thanh toán cao hơn 591.000 đồng. Nếu tính theo tỷ lệ tăng thì hóa đơn tiền điện tháng 3 so với tháng 2 của hộ gia đình bà Hoàng tăng hơn 43% về sản lượng nhưng số tiền phải trả tăng hơn 56%.
“Ngành điện kêu gọi tiết kiệm điện, hơn ai hết, người tiêu dùng bỏ tiền ra để sử dụng điện rất ý thức về vấn đề này. Ra khỏi phòng tắt ngay bóng đèn, không để các thiết bị ti vi ở chế độ “ngủ”, không bật máy lạnh ở nhiệt độ quá thấp… Nhưng không phải vì khách hàng thắt lưng buộc bụng với điện rồi phải chịu trả tiền cao chỉ vì biểu giá lũy tiến khó hiểu như vậy”, bà Nguyễn Kiều Oanh, cán bộ thuế về hưu (Q.11, TP.HCM), bức xúc.
Chuyên gia năng lượng, TS Ngô Đức Lâm cho rằng Bộ Công thương đang lấy ý kiến hạ bậc trong biểu giá bán lẻ điện từ 6 bậc hiện nay xuống 5 bậc. Tuy nhiên, cho đến nay, cũng chưa có một số liệu công bố nào cụ thể về việc tại sao dùng 6 bậc, tại sao lại 5 bậc.
Ông nêu quan điểm: “Khi tính biểu giá điện ở các cấp bậc khác nhau, nhà quản lý đặt ra 2 mục tiêu. Thứ nhất để tiết kiệm điện, thứ hai để bù chéo giữa những hộ dùng nhiều và những hộ dùng ít. Vấn đề trong thời gian qua tiết kiệm điện được nhờ phong trào vận động, không phải nhờ giá điện cao, ngại bị vượt bậc mà người dân tiết kiệm điện. Vấn đề đó càng rõ ràng hơn khi thời tiết cực đoan, người dùng điện cố gắng lắm cũng khó tiết kiệm để tránh vượt bậc. Thế nên, không nên lấy biểu giá điện lũy tiến theo bậc thang để ép người tiêu dùng”.
Ông Ngô Đức Lâm nói thẳng: Từ khi áp dụng biểu giá điện 6 bậc, chưa có cuộc thanh tra đúng nghĩa nào công bố các số liệu trên công bố cho toàn dân biết. Vì vậy, tôi mong muốn phải minh bạch các số liệu trên, thanh tra cần vào cuộc làm rõ. Theo đó, nếu tổng doanh thu theo bậc từ khách hàng lớn hơn tổng doanh thu tính theo giá điện bình quân, dân sẽ ủng hộ để áp dụng biểu giá 6 bậc, hay 5 bậc sao cho hợp lý nhất.
Việc bù chéo giá điện và tính theo bậc đã và đang không đúng theo quy luật thị trường. Khi người dân sử dụng điện theo thị trường điện lực, người dùng nhiều phải trả nhiều, người dùng ít trả ít; không có chuyện khách hàng đã dùng nhiều, phải trả tiền nhiều, lại còn phải chịu giá điện ở bậc cao, phải trả tiền nhiều hơn nữa. Không ai có quyền lấy của người này bù cho người khác, nên việc bù chéo là không hợp lệ và ít hiệu quả, thậm chí có thể lợi cho bên bán điện.
TS Ngô Đức Lâm
Trong tháng 3, sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống (toàn quốc) đạt 25,7 tỉ kWh, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế cả quý 1, sản lượng điện sản xuất toàn ngành đạt 69,4 tỉ kWh – tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2023.