Theo trang SCMP, bang Meghalaya cung cấp mạng lưới hang động lớn, không chỉ là minh chứng cho tính nghệ thuật của thiên nhiên mà còn là chìa khóa để hiểu về quá khứ và hiện tại liên quan đến khí hậu của Trái đất.
Ý thức bảo tồn lâu đời
Những người bảo vệ kho báu thiên nhiên này là các bộ lạc Khasi, Garo và Jaintia, duy trì truyền thống bảo vệ môi trường lâu đời qua nhiều thế hệ trong xã hội mẫu hệ. Họ đã sử dụng kiến thức sâu rộng trong dân gian để tạo ra một ngành du lịch phát triển giúp du khách hiểu được vẻ đẹp và ý nghĩa của hang động ở đây.
Nhưng những hệ sinh thái mỏng manh này đang đối mặt với những thách thức khó khăn. Từ mối đe dọa khai thác trái phép đến mối lo ngại cấp bách về biến đổi khí hậu, tính bền vững của thế giới dưới lòng đất này đang bị đe dọa.
Hang động Mawmluh là một trong những hang động dài nhất và sâu nhất ở Meghalaya, đông bắc Ấn Độ. Hướng dẫn viên du lịch cộng đồng Arkeynoldson Wankhar đang cố gắng truyền đạt tầm quan trọng của hệ sinh thái ngầm này với một nhóm du lịch.
“Các nhà địa chất đã tìm thấy bằng chứng về Kỳ Meghalaya trong hệ thống hang động này”, hướng dẫn viên Wankhar, 32 tuổi, giải thích với nhóm khách du lịch.
Kỳ Meghalaya là thuật ngữ khoa học chỉ thời đại địa chất, bắt đầu từ khoảng 4.200 năm trước. Được đặt theo tên Meghalaya vì măng đá được tìm thấy trong Hang Mawmluh cung cấp bằng chứng về một đợt hạn hán nghiêm trọng, ảnh hưởng đến văn minh cổ đại trên khắp thế giới.
Tình trạng hạn hán là điều mà các nhà địa chất sử dụng để đánh dấu sự khởi đầu của Thời đại Meghalayan. Hang động Mawmluh là một trong những hang động dài nhất và sâu nhất ở Ấn Độ. Các điều kiện tự nhiên ở đây cần phải bảo tồn để tránh các hiện tượng hóa học thay đổi của quá trình chuyển đổi kỳ địa chất.
Wankhar là thành viên của bộ tộc Khasi, một trong những nhóm thổ dân sớm nhất ở tiểu lục địa Ấn Độ, cùng với người Garo và người Jaintia. Cả ba đều được biết đến với xã hội mẫu hệ và kỹ năng chế tạo những cây cầu từ cây vả. Họ đã cùng nhau bảo vệ kho báu thiên nhiên và những khu rừng thiêng đa dạng sinh học ở vùng núi Meghalaya và một phần bang Assam.
Bên cạnh đó, Meghalaya cũng là nơi có nhiều hệ sinh thái ngầm ngoạn mục, bao gồm Krem Puri, hang động sa thạch dài nhất thế giới và Krem Um Ladaw, nơi có trục sâu nhất trên thế giới.
Những hang động này chứa đựng hệ động vật đa dạng, bao gồm cả loài troglobites nhỏ – loài động vật sống hoàn toàn trong phần tối của hang động và thường không có mắt hoặc sắc tố hoạt động – cũng như loài cá hang động lớn nhất thế giới là loài Neolissochilus Pnar mới được phát hiện gần đây.
Hang Mawmluh, được người dân địa phương gọi là Krem Mawmluh, nằm ở khu vực Cherrapunji-Mawsynram, được mệnh danh là khu vực ẩm ướt nhất thế giới. Đây là một phần của mạng lưới hang động đá vôi và sa thạch quý hiếm rộng khắp trong khu vực, là thành phần quan trọng của khu vực Hindu Kush Himalaya (HKH) nhạy cảm về mặt sinh thái.
Nhiều hang động trong số này được kết nối với nhau như một mê cung và chứa vô số các hang động quan trọng, bao gồm cả măng đá và nhũ đá.
Khảo sát hang động
Ông Brian D Kharpan là nhà nghiên cứu hang động đầu tiên của Ấn Độ và là người sáng lập Hiệp hội những nhà thám hiểm Meghalaya. Cùng với đội ngũ thám hiểm và khám phá hang động nhiệt huyết, ông Brian D Kharpan đã khám phá hơn 1.700 hang động – thành tựu này đã giúp phát triển du lịch hang động và sinh kế bền vững cho các bộ lạc địa phương.
Ngày nay, ngành du lịch Meghalaya cung cấp các chuyến tham quan hang động được tuyển chọn dành cho người mới bắt đầu và các chuyến thám hiểm chuyên biệt dành cho những người đam mê khám phá hang động, cùng với các lựa chọn chỗ ở như nhà dân gần hang động và các chuyến tham quan leo núi. Sự tăng trưởng này đã mang lại lợi ích đáng kể cho các bộ lạc, một trong những xã hội mẫu hệ cuối cùng trên thế giới.
Trong khi một số hang động đã phát hiện – chẳng hạn như Mawmluh, Arwah và Mawsmai – được những người đi bộ và khách du lịch thường xuyên lui tới thì nhiều hang động vẫn chưa được biết đến và chưa được lập bản đồ.
“Không phải tất cả các hang động được khám phá đều mở cửa cho khách du lịch. Hầu hết các hang động này đều có giá trị nội tại rất lớn và cần được bảo vệ, bảo tồn”, ông Kharpan nói.
Bất chấp những hạn chế, du lịch hang động vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ hệ sinh thái dưới lòng đất ở Meghalaya để tránh khỏi hoạt động khai thác trái phép. Điều đó đặc biệt quan trọng vì những hang động này đã được chứng minh là một công cụ mạnh mẽ trong việc dự đoán các kiểu thời tiết trong quá khứ và tương lai.
Hang Mawmluh hiện thu hút hàng nghìn khách du lịch cũng như các nhà địa chất và nhà khoa học hàng năm. Đáng chú ý, đây cũng là một trong 100 di sản địa chất đầu tiên được Liên minh Khoa học Địa chất Quốc tế (IUGS) thuộc UNESCO ghi tên vào năm 2018.
Ngoài việc cung cấp bằng chứng quan trọng, các nhà khoa học trái đất hiện đang tiếp tục nghiên cứu thêm về sự hình thành của các speleothem (một dạng thạch nhũ) đổ bóng dài bên trong Mawmluh để dự đoán mô hình hạn hán và gió mùa, vì các hang động này nằm ở khu vực ẩm ướt nhất thế giới.
Một nghiên cứu đã phát hiện ra mối liên hệ giữa lượng mưa ở Meghalaya và các kiểu khí hậu ở vùng nhiệt đới trung tâm Thái Bình Dương bằng cách kiểm tra măng đá.
Jessica L. Oster, phó giáo sư tại Đại học Vanderbilt và là thành viên của nhóm nghiên cứu, lưu ý rằng sau khi thực hiện khảo sát từ năm 1964 đến 2013, rất nhiều các mẫu măng đá được lấy từ hang Mawmluh và nhóm các nhà khoa học đã thực hiện phân tích.
“Những phát hiện mới nêu bật mối liên kết giữa hệ thống khí hậu toàn cầu và cung cấp những hiểu biết có giá trị để hiểu và dự đoán sự thay đổi lượng mưa ở khu vực Đông Bắc Ấn Độ”, bà Jessica L. Oster nói thêm./.