Một nhân chứng lịch sử Điện Biên Phủ ở tuổi 94 đã thỏa nguyện về thăm nơi từng diễn ra đám cưới của mình 70 năm trước tại hầm Đờ-Cát chỉ sau chiến thắng Điện Biên Phủ ít ngày. Bà là vợ cố trung tướng Cao Văn Khánh.
Đầu tháng 3, một nhân chứng lịch sử Điện Biên Phủ đã thực hiện được nguyện vọng về thăm nơi từng diễn ra đám cưới của mình 70 năm trước, đó là giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Toản. Bà là vợ của vị tướng lẫy lừng – trung tướng Cao Văn Khánh, nguyên Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ông bà từng có một đám cưới nổi tiếng diễn ra tại hầm Đờ-Cát ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ ít ngày. Với sự thuận lợi di chuyển khi có thể bay thẳng từ TP.HCM đến Điện Biên, GS Nguyễn Thị Ngọc Toản năm nay dù 94 tuổi đã đặt chân đến Điện Biên trong những ngày cả nước đang hướng về mảnh đất lịch sử này.
Chia sẻ với Thanh Niên, ông Cao Quý Bảo, con trai GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Toản, cho biết lần gần nhất bà lên thăm lại Điện Biên đã cách đây 40 năm, khi Điện Biên Phủ kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điện Biên.
Năm nay, dù sức khỏe bà đã yếu nhưng vẫn ước muốn được trở lại thăm Điện Biên nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Ông Bảo đã lên Điện Biên trước đó để chuẩn bị đón mẹ cùng em gái bay từ TP.HCM ra.
Thăm lại chiến trường xưa, cũng là nơi ghi dấu kỷ niệm đám cưới đặc biệt 70 năm trước, GS-TS Nguyễn Thị Ngọc Toản tóc đã bạc trắng, phải dùng xe lăn để đi lại thuận tiện hơn, vẫn rất vui và xúc động dù hành trình khá vất vả.
“Cô dâu Điện Biên” là tên gọi thân thương vẫn được nhiều người nhắc về GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Toản. Đám cưới nổi tiếng giữa nữ quân y Ngọc Toản và chú rể Cao Văn Khánh, đại đoàn quân Tiên phong được tổ chức tại hầm Đờ-Cát chỉ sau chiến thắng Điện Biên Phủ ít ngày.
Tướng Khánh khi đó trực tiếp chỉ huy Đại đoàn 308 – Đại đoàn quân Tiên phong trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã đánh trận đồi Độc lập, đồi A1, bao vây Mường Thanh. Còn bà Ngọc Toản làm công tác cứu thương tại Đội điều trị 2 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Hai người hẹn ước sau chiến dịch sẽ về chiến khu Việt Bắc để báo cáo gia đình làm đám cưới.
Nhưng sau khi thắng trận, cả hai người đều bộn bề công việc giải quyết những vấn đề sau chiến tranh, khiến ý định về chiến khu Việt Bắc tổ chức đám cưới không thành. Nhiều đồng đội, cán bộ cấp trên gợi ý, tác thành, ông bà đã tổ chức lễ cưới ngay tại hầm Đờ-Cát.
Lễ cưới được tổ chức ngay trong hầm Đờ-Cát, tròn 2 tuần sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi – cô dâu chú rể chụp ảnh cưới ngay trên xe tăng Pháp bị bắn cháy.
Câu chuyện tình yêu và đám cưới tại hầm chỉ huy tướng Đờ-Cát của nữ quân y Nguyễn Thị Ngọc Toản và Đại đoàn phó Cao Văn Khánh tới nay vẫn được cán bộ, hướng dẫn viên, thuyết minh viên hàng ngày giới thiệu cho du khách tại di tích chiến trường xưa.
Thanhnien.vn