(Chinhphu.vn) – Ngày ¼, trong Chương trình Lãnh đạo Cao cấp Việt Nam (VELP) 2024, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng đoàn công tác đã trao đổi với các chuyên gia của Trường Đại học Harvad Kennedy về chủ đề: “Nền kinh tế toàn cầu và triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam” với 4 phiên thảo luận về kinh tế, AI và công nghiệp bán dẫn.
Như đã đưa, từ ngày 30/3 đến ngày 08/4/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Chương trình Lãnh đạo Cao cấp Việt Nam (VELP) 2024 và làm việc tại Hoa Kỳ.
Tham dự đoàn đại biểu có đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước; các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Bộ Ngoại giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Nam, UBND thành phố Hồ Chí Minh.
Sáng 1/4 (giờ địa phương), tại Trường Đại học Harvard Kennedy, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và đoàn công tác đã nghe Giáo sư Thomas Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard, đại diện Trường Đại học Harvard Kennedy giới thiệu chủ đề “Nền kinh tế toàn cầu và triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam”, với các phiên thảo luận: “Các cuộc khủng hoảng và triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đến năm 2030, tác động đối với các nền kinh tế mới nổi” – Diễn giả là Giáo sư Kinh tế Jason Furman, Trường Havard Kennedy, Nguyên Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Barack Obama; “Những diễn biến kinh tế gần đây ở châu Á và tác động tới kinh tế toàn cầu và Việt Nam” – diễn giả là Giáo sư Quan hệ Quốc tế Anthony Saich, Trường Harvard Kennedy.
Buổi chiều, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và đoàn công tác dự các phiên thảo luận “Cách mạng trí tuệ nhân tạo – Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam” – Diễn giả Tiến sĩ Lê Viết Quốc, Google Deepmand; “Chiến tranh bán dẫn: Cuộc đua giành công nghệ quan trọng nhất thế giới” – diễn giả Tiến sĩ Chris Miller, Đại học Tufts.
Tại các phiên thảo luận, Giáo sư Thomas Vallely, Giám đốc Chương trình Việt Nam tại Đại học Harvard Kennedy khẳng định “Việt Nam thành công nhờ mở cửa”. “Việt Nam đã có sự phát triển rất tốt, đồng thời cũng cần hoàn thiện về chính sách cho giai đoạn tới”.
Giáo sư Jason Furman cho biết ông đã 2 lần đến Việt Nam và bày tỏ ấn tượng trước sự thành công của nền kinh tế Việt Nam. Theo ông, Việt Nam là một trong những nền kinh tế có sự chuyển đổi thành công nhất thế giới trong 2 thập kỷ qua. Giáo sư Jason Furman cũng đánh giá “Việt Nam kiểm soát lạm phát rất tốt” và chúc mừng Việt Nam về việc này.
Đánh giá về triển vọng kinh tế toàn cầu và lời khuyên với Việt Nam, Giáo sư Jason Furman cho rằng, Việt Nam đã tận dụng rất tốt các cơ hội và “có lợi rất nhiều” từ toàn cầu hóa. Người tiêu dùng Hoa Kỳ cũng “hạnh phúc hơn khi được mua hàng từ Việt Nam”.
Nhấn mạnh “tôi rất lạc quan về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam”, Giáo sư Jason Furman cho rằng việc Việt Nam đang triển khai nhiều giải pháp để phát triển trí tuệ nhân tạo là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng. Giáo sư Jason cũng nêu các khuyến nghị: Việt Nam nên đầu tư vào công nghệ mới nổi và những lĩnh vực có tính lan tỏa, triển khai các giải pháp phát triển khu vực kinh tế tư nhân,…
Giáo sư Quan hệ Quốc tế Anthony Saich khẳng định, Việt Nam rất giỏi trong việc cân đối quan hệ giữa các nước lớn; cho rằng “sự bền bỉ của Việt Nam khó nước nào sánh kịp”, đồng thời cũng nêu các thách thức và gợi mở các giải pháp đối với Việt Nam trong bối cảnh diễn biến thế giới phức tạp và các nước lớn có sự điều chỉnh chính sách đối ngoại.
Trong phần trình bày của mình Tiến sĩ Lê Viết Quốc cho biết: Theo thống kê, AI có thể đóng góp lên đến 25,6 nghìn tỷ USD vào nền kinh tế thế giới (McKinsey, 2023). Vào năm 2023, quy mô thị trường AI toàn cầu đạt gần 208 tỷ USD. Dự kiến đến năm 2030, quy mô thị trường sẽ đạt gần 2000 tỷ USD (Statista, 2023).
Tiến sĩ Lê Việt Quốc khẳng định chúng ta đang ở giữa tời kỳ bùng nổ của AI; khoa học và các mô hình AI được phổ biến rất nhanh chóng. Bày tỏ “lạc quan về AI của Việt Nam”, Tiến sĩ Lê Việt Quốc cho rằng: Việt Nam có rất nhiều cơ hội trong ứng dụng AI, điện toán đám mây và thiết kế chip; chia sẻ quan điểm về phát triển nguồn nhân lực và hệ sinh thái AI tại Việt Nam.
Trình bày bài viết “Chiến tranh bán dẫn: Cuộc đua giành công nghệ quan trọng nhất thế giới”, Tiến sĩ Chris Miller tác giả cuốn sách “Chiến tranh bán dẫn” cho rằng: Những tiến bộ về AI luôn phụ thuộc vào sự tăng trưởng cấp số nhân của năng lực điện toán. Đó là lý do tại sao nhiều chính phủ đang nhắm đến thúc đẩy tăng trưởng năng lực điện toán như là mục tiêu quốc gia. Phân tích sâu về công nghệ bán dẫn và mối liên hệ giữa bán dẫn, chip, AI, Tiến sĩ Chris Mille đã gợi mở những cơ hội và khuyến nghị những chính sách đối với Việt Nam để có thể tham gia vào chuỗi giá trị này.
Phát biểu tại chương trình, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cảm ơn Giáo sư Jason Furman và Giáo sư Anthony Saich đã có bài trình bày rất toàn diện, sâu sắc, mở ra bức tranh toàn cảnh và triển vọng của kinh tế thế giới, thực trạng và đường hướng phát triển của các nền kinh tế lớn và những ảnh hưởng đa chiều đối với Việt Nam.
Các giáo sư cũng đã phân tích rất sâu về vấn đề lãi suất, lạm phát, chính sách tiền tệ; những thách thức an ninh phi truyền thống, địa chính trị,… và gợi mở những giải pháp để Việt Nam có chính sách ứng sử phù hợp.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cảm ơn Tiến sĩ Lê Việt Quốc, chúc mừng một người con Việt Nam đã vươn lên trở thành chuyên gia hàng đầu của Google, có nhiều đóng góp quan trọng không chỉ cho Google mà còn cho cả thế giới. Cảm ơn những tâm huyết và khuyến nghị giá trị của Tiến sĩ Lê Việt Quốc đối với Việt Nam, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Bộ KHCN, Bộ TTTT tiếp thu, nghiên cứu báo cáo Chính phủ các giải pháp phát triển lĩnh vực này.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng mong muốn Tiến sĩ Lê Việt Quốc, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là các nhà khoa học trong lĩnh vực này tiếp tục có những khuyến nghị giá trị để Việt Nam có thể tận dụng được những cơ hội từ AI đối với sự phát triển của đất nước.
Phó Thủ tướng cảm ơn các giáo sư của Đại học Harvard đã trình bày với đoàn công tác những chuyên đề quan trọng được cả thế giới quan tâm là AI và chip bán dẫn, giúp cho đoàn công tác có thêm những thông tin hữu ích để nghiên cứu và có những định hướng trong thời gian tới.
Trong điều kiện nền kinh tế Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi, độ mở lớn, sức chống chịu còn hạn chế, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự tham vấn, khuyến nghị của các nhà khoa học của chương trình VELP và Trường Đại học Harvard Kennedy trong quá trình xây dựng và thực thi các chính sách phát triển kinh tế – xã hội.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái gặp Hiệu trưởng Trường Đại học Harvard Kennedy Douf Elmendor.
* Theo chương trình, ngày 2/4, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và đoàn công tác sẽ dự thảo luận với chủ đề “Thúc đẩy chuyển đổi số của Việt Nam và tăng trưởng dựa vào các công nghệ đột phá”, với các phiên thảo luận: “Công nghệ – những thách thức với an ninh toàn cầu và giải pháp ứng phó” – Diễn giả: bà Anne Neuberger, Phó Cố vấn An ninh quốc gia về an ninh mạng và công nghệ mới nổi; “Điện toán đám mây và hàm ý chính sách cho Việt Nam” – Diễn giả: Bà Alla Seiffert, đại diện Amazon Web Services; “Lợi thế tối đa trong môi trường số của Việt Nam: Phần cứng hay phần mềm” – Diễn giả: Tiến sĩ Lê Quân, Trường Đại học Fulbright; “Triển vọng thúc đẩy tăng trưởng và chuyển đổi kinh tế vào năm 2024” – Diễn giả: Ông Nguyễn Xuân Thành, Giảng viên cao cấp, Đại học Fulbright.
Ngày ¾, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cùng đoàn công tác thảo luận chủ đề “Các hành lang hẹp và bẫy thu nhập trung bình” với các phiên thảo luận: “Động lực tăng trưởng ở Việt Nam – một nước thu nhập trung bình: Xuất khẩu, Đầu tư, Công nghệ và Đô thị hóa” – Diễn giả: Giáo sư David Dapice, Kinh tế trưởng, Chương trình Việt Nam, Tròng Đại học Harvard Kennedy – Giáo sư danh dự Đại học Turfs; “Đổi mới mô hình tăng trưởng để thoát bẫy thu nhập trung bình” – Diễn giả: Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công, Đại học Fulbright.
Trần Mạnh – Chinhphu.vn