Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ngày càng có nhiều dự án phát triển nông nghiệp và bất động sản triển khai trên khắp cả nước. Điều này tạo ra thị trường việc làm đa dạng cho những người học ngành Quản lý đất đai.
Vậy ngành học này có dễ dàng xin việc và thu nhập cao hay không, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này.
Làm việc trong ngành Quản trị đất đai có giàu không?
Theo bài viết trên web Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, từ xưa đến nay, đất đai được luôn được ví von so sánh “tấc đất, tấc vàng”. Vì vậy hoạt động trong lĩnh vực quản lý đất đai luôn là điều kiện thuận lợi để bạn có mức thu nhập hấp dẫn, trở thành người giàu có.
Cùng với sự phát triển của thị trường bất động sản, các hoạt động liên quan đến đất đai ngày càng đa dạng, phong phú. Các hoạt động chuyển nhượng, cho thuê đất,… diễn ra hàng ngày trong đời sống từ đất nông nghiệp (ruộng, vườn…), đất ở, đất sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại, dịch vụ…. Điều này đòi hỏi nguồn nhân lực về quản lý đất đai phải không ngừng tăng lên cả về số lượng và chất lượng để đáp ứng các yêu cầu phát triển. Vì vậy, ngành Quản lý đất đai đã và đang thu hút rất nhiều nhân lực hiện tại và tương lai ở Việt Nam.
Ngành Quản lý đất đai trang bị cho sinh viên các kiến thức nền tảng để thực hiện công tác quản lý nhà nước về đất đai như: đo đạc lập bản đồ các loại; đăng ký, thống kê, kiểm kê đất đai; lập hồ sơ địa chính; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; lập quy hoạch – kế hoạch sử dụng đất.
Sinh viên cũng được học các kiến thức về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; định giá đất và bất động sản; thanh tra, giải quyết tranh chấp đất đai; xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, hệ thống thông tin đất đai.
Để làm việc tốt trong ngành này bạn cần có kỹ năng giao tiếp và khả năng thuyết trình tốt. Vì trong quá trình làm việc, bạn không chỉ làm việc với chủ lô đất mà còn phải làm việc với rất nhiều bên, từ chính quyền địa phương cho đến cấp cao hơn. Ngoài ra, khi bản thân bạn có tính kiên trì, nhẫn nại và nghiêm túc với công việc thì rất dễ thành công trong lĩnh vực này.
Bên cạnh đó, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm, quản lý dự án và sử dụng công nghệ thông tin cũng là một tố chất rất quan trọng để công tác trong ngành Quản lý đất đai. Do trong một số khía cạnh của ngành học này đòi hỏi kiến thức về kỹ thuật và công nghệ.
Dù có yêu cầu cao với người học, nhưng trên thực tế ngành học này sẽ mang lại cho bạn nhiều cơ hội việc làm nếu bạn có chuyên môn vững và biết nắm bắt cơ hội.
Vị trí việc làm ngành Quản lý đất đai
Bài viết trên web trường Đại học Tài nguyên và Môi trường phân tích, khi nhắc đến ngành Quản lý đất đai các bạn sinh viên mới theo học sẽ nghĩ ngay ra công việc của mình sau khi ra trường là làm cán bộ địa chính tại phường, xã. Tuy nhiên, ngành quản lý đất đai luôn là ngành học có sự đa dạng về lựa chọn nghề nghiệp và cơ hội nghề nghiệp rộng mở.
Ngoài vai trò là cán bộ địa chính tại các phường, xã, các bạn có thể đảm nhận các vị trí như cán bộ quản lý nhà nước về đất đai, giảng viên, nhân viên tư vấn và chuyên viên tại các đơn vị như sau:
+ Cán bộ, công chức trong các cơ quan quản lý nhà nước như:
– Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông…
– Tổng cục Quản lý đất đai, Viện Nghiên cứu Quản lý đất đai, Viện Khoa học Đo đạc và Bản đồ, Viện Quy hoạch thiết kế nông nghiệp, Viện Nông hóa thổ nhưỡng, Hội Trắc địa bản đồ Việt Nam; Cục Viễn thám Quốc gia; Cục Đo đạc Bản đồ và Thông tin Địa lý Việt Nam; Hội Khoa học đất; Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
– Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Xây dựng, Sở Tài chính… các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
– Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Quản lý đô thị các quận, phòng Tài chính… huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
– Văn phòng đăng ký đất đai, các bộ phận hành chính công, bộ phận 1 cửa.
– Cán bộ Địa chính – Xây dựng, Thanh tra xây dựng tại các xã, phường, thị trấn.
+ Nhân viên trong các ngân hàng, tổ chức tín dụng; trung tâm tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng; trung tâm định giá đất, môi giới nhà đất, sàn giao dịch bất động sản; đơn vị sự nghiệp ngành tài nguyên và môi trường; các công ty, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đất đai và bất động sản.
+ Giảng viên ngành Quản lý đất đai, Địa chính tại trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.
Ngành Quản lý đất đai tuyển sinh tổ hợp môn nào?
Tùy từng trường đại học sẽ có khối thi xét tuyển riêng, phù hợp với tiêu chí tuyển sinh trường. Dưới đây là một số tổ hợp môn phổ biến đang được nhiều trường sử dụng để xét tuyển ngành Quản lý đất đai, thí sinh có thể tham khảo thêm để đưa ra lựa chọn phù hợp nhất với năng lực bản thân.
- A00: Toán, Vật lý, Hóa học
- A01: Toán, Vật lý, tiếng Anh
- A02: Toán, Vậy lý, Sinh học
- A04: Toán, Vật lý, Địa lý
- B00: Toán, Sinh học, Hóa học
- C00: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý
- C04: Toán, Ngữ văn, Địa lý
- C08: Ngữ văn, Hóa học, Sinh học
- D01: Toán, Ngữ văn, tiếng Anh
Nếu đam mê ngành học này, thí sinh có thể tham khảo thông tin tuyển sinh và mức điểm chuẩn trong năm 2023 của một số trường như:
- Học viện Nông nghiệp Việt Nam lấy mức điểm chuẩn là 17 điểm (A00, A01, B00, D01).
- Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường có mức điểm chuẩn là 21,25 điểm (A00, B00, C00, D01).
- Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) lấy mức điểm chuẩn ngành Quản lý đất đai là 15 điểm (A00, B00, C00, C04).
- Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM xét tuyển 4 tổ hợp môn A00, A01, A04, D01, với mức điểm chuẩn là 18,75 điểm.
- Trường Đại học Nam Cần Thơ lấy mức điểm chuẩn là 15 điểm (A00, A02, B00, C08).