Hà NộiBé gái 9 tuổi suy thận giai đoạn cuối, phải lọc máu 3 lần/tuần, trở lại cuộc sống bình thường sau ca ghép thận tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Bệnh nhi ở TP. HCM, nặng 22 kg, thấp bé hơn nhiều so với các bạn cùng trang lứa. Một năm trước, trẻ được chẩn đoán mắc suy thận mạn giai đoạn cuối, kèm tăng huyết áp, suy tim, phải lọc máu chu kỳ 3 lần/tuần tại Khoa Thận và Lọc máu, Bệnh viện Nhi Trung ương.
Chạy thận nhân tạo có thể giúp trẻ duy trì sự sống, nhưng chất lượng cuộc sống rất thấp, kèm nhiều nguy cơ đe dọa tính mạng. Vì vậy, ghép thận được xem là phương pháp duy nhất giúp trẻ sống sót.
Sau gần một năm chạy thận, bé đủ điều kiện sức khỏe để có thể ghép thận. Cách đây 3 tháng, bệnh nhi nhiễm sán, các bác sĩ phải đưa ra phác đồ điều trị tốt nhất, nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ sau khi ghép.
“Đặc biệt, trước ghép, bệnh nhi được phân tích kết quả xét nghiệm gene đối chiếu với kết quả lâm sàng, nhằm loại trừ các nguyên nhân suy thận do đột biến gene, giúp việc ghép thận có tiên lượng tốt hơn”, bác sĩ Trương Thùy Linh, Khoa Thận và Lọc máu, chia sẻ.
Ngày 11/3, hai cuộc mổ lấy thận từ người cho sống và ghép thận được tiến hành song song. Sau 5 giờ, ca phẫu thuật thành công, thận phải ngay sau khi được ghép hồng hào, tưới máu tốt và bắt đầu có nước tiểu.
ThS.BS Lê Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, cho biết đây là ca ghép thận thứ 62 thành công từ năm 2004. Kỹ thuật ghép thận đã được nơi này thực hiện thành thạo, song mỗi ca bệnh sẽ có những đặc thù khác nhau. Với ca này, khó khăn nhất khi ghép là khi nối tĩnh mạch thận của người cho vào người nhận bị quá dài. Vì vậy, các bác sĩ phải cắt bớt và tái tạo hình hai nhánh của tĩnh mạch thận trước khi nối lại và ghép cho trẻ.
Một tuần sau ghép, tình trạng bệnh nhi ổn định, tiểu tốt, xuất viện hôm 30/3.
Lê Nga