Với nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn cùng hạ tầng đồng bộ, Quảng Ninh đang trở thành điểm đến thu hút đông du khách. Tuy nhiên, Quảng Ninh cần có chiến lược phát triển du lịch lâu dài và bền vững, trong đó, đổi mới truyền thông, quảng bá là một trong những giải pháp hữu hiệu.
Theo đánh giá của các chuyên gia, trên đà phục hồi mạnh mẽ của du lịch nội địa, từ dịp nghỉ lễ 30/4-1/5/2022, Quảng Ninh gần như là một trong những địa phương đi đầu trong thu hút du khách, tuy nhiên kết quả này không được duy trì liên tục. Theo kết quả của Google Destination Insights, Hạ Long nằm trong top 10 điểm đến của du lịch Việt Nam được tìm kiếm nhiều nhất trong giai đoạn nửa đầu năm 2022, tuy nhiên, đến nửa cuối 2022, điểm đến Hạ Long đã không còn ở trong top 10 này.
Nhìn vào thực tế, trong hơn hai năm đại dịch Covid-19, du lịch Quảng Ninh có thêm nhiều màu sắc. Đó là việc hình thành những điểm đến, như: Sống lưng khủng long (huyện Bình Liêu), đỉnh Phượng Hoàng (TP Uông Bí), Đồng Sơn Kỳ Thượng (huyện Hoành Bồ) và một loạt địa điểm phù hợp với các hoạt động ngoài trời như Vân Đồn, hồ Yên Trung, Yên Lập… Cùng với đó, bằng những nỗ lực rất đáng ghi nhận của nhiều doanh nghiệp và chính quyền, Quảng Ninh đã xây dựng được những sản phẩm du lịch chất lượng và đem lại giá trị cao, như Yoko Onsen Quang Hanh đưa vào hoạt động từ tháng 6/2020, Phố đêm du thuyền bao gồm nhiều trải nghiệm trên du thuyền về đêm từ tháng 4/2022… Tuy nhiên, những sản phẩm này lại khá hạn chế về truyền thông, chưa được nhận diện phổ biến khi định vị điểm đến, một số sản phẩm còn gặp nhiều rào cản khi triển khai các thủ tục pháp lý.
Theo ông Phạm Văn Hiệp, Giám đốc điều hành vùng Đông Bắc, Tập đoàn Sun Group, công tác truyền thông quảng bá du lịch hiện nay chưa gắn với các câu chuyện, ít yếu tố văn hóa, chưa quyết liệt triển khai ngay từ khi du lịch có dấu hiệu phục hồi… dẫn đến khó cạnh tranh với các điểm đến khác như Đà Nẵng, Phú Quốc. Cùng với việc hoàn thiện hạ tầng giao thông trong tỉnh và liên tỉnh, du lịch cũng chưa gắn được với việc truyền thông về cơ sở hạ tầng để định vị điểm đến. Quảng Ninh có nhiều tài nguyên, nhiều hoạt động, một năm địa phương có hàng trăm hoạt động văn hóa, du lịch nhưng lại chỉ mang tính chất liệt kê, mà không có tính liên kết và đặc biệt là những hoạt động, hình ảnh tạo điểm nhấn. Vì vậy, việc truyền thông nâng cao thương hiệu điểm đến du lịch Quảng Ninh cần được đầu tư một cách nghiêm túc và đặc biệt là phải phát huy được sức mạnh và nguồn lực doanh nghiệp, xã hội; đầu tư các hoạt động, sự kiện truyền thông, marketing, quảng bá điểm đến, tập trung tại các trung tâm du lịch của Quảng Ninh. Đặc biệt, tỉnh cần tận dụng tối đa nguồn lực để truyền thông trên các kênh truyền hình, phát thanh, báo chí, mạng xã hội…, nhất là tranh thủ tận dụng cơ hội, đón đầu xu thế và tận dụng nguồn lực xã hội hoá, huy động sự vào cuộc trong truyền thông, marketing quảng bá, bắt tay với các nền tảng mạng xã hội, người nổi tiếng,… để truyền thông quảng bá điểm đến.
Ngành Du lịch sớm hoàn thiện bộ nhận diện và thông điệp điểm đến “Kỳ quan bốn mùa”. Các doanh nghiệp cũng cần cùng địa phương xây dựng nội dung truyền thông bài bản, hấp dẫn, gắn với thương hiệu điểm đến Quảng Ninh, điểm đến du lịch bốn mùa, có đầy đủ cơ sở hạ tầng thuận lợi và môi trường du lịch thân thiện, văn minh. Trong đó, tập trung chuyển đổi số thông qua đầu tư về đội ngũ nhân sự CNTT trình độ cao, hiểu biết và có khả năng áp dụng những tiến bộ công nghệ vào sản phẩm du lịch như: Ứng dụng mobile, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và Chatbots, đánh giá và xếp hạng về sản phẩm thông qua các nền tảng số, du lịch thực tế ảo (Virtual Reality)…
Theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch, tỉnh Quảng Ninh cần nhanh chóng đầu tư xây dựng thương hiệu du lịch để định vị điểm đến trong lòng du khách. Theo đó, xác định rõ hình ảnh, giá trị và sản phẩm đặc thù, nổi bật của du lịch Quảng Ninh làm cơ sở cho việc định vị thương hiệu du lịch Quảng Ninh trong thời gian tới. Một số hình ảnh và giá trị nổi bật của điểm đến có thể được thể hiện thông qua một số từ khóa như: “xanh”, “di sản thiên nhiên”, “nghỉ dưỡng cao cấp, giải trí sôi động”, “sắc màu văn hóa”, “sức khỏe”, “bền vững”… Từ đó, xây dựng mới bộ nhận diện thương hiệu du lịch Quảng Ninh gắn với biểu trưng (logo) và khẩu hiệu (slogan) cụ thể. Tỉnh cũng cần triển khai các chiến dịch, các sự kiện, các chương trình xúc tiến du lịch đặc biệt của tỉnh; liên kết trong xúc tiến, quảng bá du lịch nhằm tạo nguồn lực và sức mạnh tổng hợp cho các hoạt động xúc tiến, quảng bá và phát triển thị trường.
Cùng với đó, tỉnh cũng cần xác định rõ những cạnh tranh của du lịch Quảng Ninh trong thời gian tới, bao gồm cả các điểm đến du lịch trong nước và quốc tế, như: Đà Nẵng, Khánh Hòa, Kiên Giang (Việt Nam), Phuket (Thái Lan), Bali (Indonesia)… để có các giải pháp phát triển thị trường và xúc tiến, quảng bá du lịch phù hợp. Cụ thể, xác định thị trường và phân khúc thị trường mục tiêu như thị trường nội địa, tập trung vào Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng, các tỉnh, thành trung tâm miền Trung và miền Nam, như: Huế, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Cần Thơ và các tỉnh miền Tây Nam Bộ khác cũng như các địa phương có điều kiện kết nối hàng không đến Vân Đồn. Đối với thị trường khách quốc tế, Đông Bắc Á đã và vẫn sẽ là thị trường mục tiêu lớn nhất của du lịch Quảng Ninh trong thời gian tới, tiếp đến là khu vực ASEAN, Tây Âu, Bắc Mỹ và Ấn Độ.