Ngôi sao Toán học

Ông Khâu Thành Đồng sinh năm 1949 ở Sán Đầu (Quảng Đông, Trung Quốc) và lớn lên tại Hong Kong. Bố ông là giáo sư Triết học Khâu Trấn Anh. Xuất thân trong gia đình trí thức, từ nhỏ ông được bố dạy bảo nghiêm khắc. 

Lên cấp 2, ông Đồng thể hiện rõ sự quan tâm và năng khiếu về Toán học, đặc biệt là Hình học mặt phẳng. Tuy nhiên, biến cố ập đến đã thay đổi cuộc đời ông ở tuổi 14. Sự ra đi đột ngột của bố ông khiến gia đình mất trụ cột chính. 

Không còn lựa chọn khác, lúc này ông đành gác lại việc học để đi làm. Đối với ông đây là những ngày tháng đen tối nhất trong cuộc đời. Thậm chí những lúc bế tắc ông nghĩ đến việc sang thế giới bên kia cùng bố.

May mắn tình hình gia đình nhanh chóng được cải thiện nhờ sự nỗ lực của mẹ. Lúc này, ông có cơ hội quay lại trường học. Tuy nhiên, việc bỏ học lâu khiến điểm số của ông bị ảnh hưởng nặng nề. Duy chỉ môn Toán của ông vẫn đứng đầu.

Dù phải nghỉ học một thời gian nhưng kiến thức Toán của ông vẫn chắc chắn. Về sau, ông dần tìm lại sự tự tin, bắt kịp bạn bè trong lớp và điểm số được cải thiện.

Giáo sư Toán học Khâu Thành Đồng. Ảnh: Baidu

Ở tuổi 17, ông đỗ vào khoa Toán của Đại học Trung Văn Hong Kong với kết quả xuất sắc. Vào đại học, ông dành hàng giờ ngồi thư viện đọc sách. Năm 1968, tham gia Cuộc thi Toán học toàn quốc dành cho sinh viên ông đạt giải Nhất. Hoàn thành các học phần trong 3 năm, do đó, ở tuổi 20 ông tốt nghiệp đại học.

Sau đó, ông may mắn gặp được bậc thầy về Hình học – giáo sư Trần Tỉnh Thân. Nhận thấy tài năng Toán học của ông Đồng, giáo sư quyết định giới thiệu ông đến Đại học California (Mỹ) với tư cách là nghiên cứu sinh.

Tại đây, ông dành ra 1 năm để hoàn thành luận án tiến sĩ. Thời điểm đó, bài báo khoa học lý giải Giả thuyết Wolf (phân bố số nguyên tố) của ông cũng nhận được sự quan tâm của giới học thuật. Cộng đồng Toán học thế giới thừa nhận ông là ngôi sao của ngành.

Thành tựu nổi bật

Tốt nghiệp tiến sĩ năm 1971, ông được mời về làm tại Viện Nghiên cứu Toán học của Đại học Princeton (Mỹ). 1 năm sau, ông về Đại học New York (Mỹ) với vai trò là trợ lý giáo sư. 

Năm 1973, tại Hội nghị về Hình học vi phân do Hiệp hội Toán học Mỹ tổ chức, ông Đồng đưa ra 3 báo cáo liên quan đến lĩnh vực này và nhận được sự đánh giá cao của các chuyên gia. Cũng chính tại hội nghị, ông Đồng đặt ra một số vấn đề liên quan đến Giả thuyết Calabi. 

Trước đó 20 năm, cũng tại hội nghị nhà Toán học người Ý Eugenio Calabi đã đặt ra Giả thuyết Calabi với câu hỏi: “Liệu trong không gian kín có tồn tại trường hấp dẫn không có phân bố vật chất hay không?”. Calabi tin có tồn tại, nhưng không ai chứng minh được trong đó bao gồm cả ông.

Hơn 10 năm sau, các nhà Toán học vẫn chưa thể giải quyết. Họ cho rằng, Giả thuyết Calabi sai không tồn tại. Năm 1976, ở tuổi 27, giáo sư Đồng thành công tìm ra sự tồn tại của giả thuyết bằng cách giải phương trình vi phân từng phần. 

Ông chinh phục được lĩnh vực Lý thuyết dây đa tạp Calabi – Yau – không gian 6 chiều, đặt tên theo 2 nhà Toán học Eugenio Calabi và Khâu Thành Đồng. Cuối cùng, giáo sư đã chứng minh được khả năng compact hóa các chiều phụ. Điều này góp phần đặt nền móng cho nhiều nhà Vật lý bắt đầu nghiên cứu các đa tạp. 

Năm 1974, ông được bổ nhiệm làm phó giáo sư Toán tại Đại học Stanford (Mỹ). Sau 2 năm cống hiến tại đây, ở tuổi 27, ông chính thức trở thành giáo sư. Từ năm 1977-1987, ông tham gia giảng dạy tại Đại học California (Berkeley), Viện Toán học của Đại học Princeton và Đại học California (San Diego).

Năm 1979, giáo sư Đồng về nước theo lời mời của ông Hoa La Canh – Phó Viện trưởng Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc. Ngay khi trở về, ông lập tức phát triển nền Toán học quốc gia. Giáo sư cho rằng, nếu Trung Quốc muốn trở thành cường quốc kinh tế, trước hết phải là quốc gia mạnh về Toán học, Khoa học và Công nghệ.

Năm 1980, giáo sư Trần Tỉnh Thân chủ trì Hội nghị quốc tế về Hình học và phương trình vi phân tại Trung Quốc. Nhân cơ hội này, ông đưa ra 100 vấn đề hình học tại hội nghị với hy vọng tìm kiếm các nhà Toán học trẻ ở Trung Quốc có thể giải quyết được vấn đề. 

Sau khi tìm được các tài năng trẻ về Toán học ở Trung Quốc, ông thành lập Trung tâm Toán học Morningside tại Học viện Khoa học Trung Quốc để đào tạo họ. Năm 1993, ông Cao Côn – hiệu trưởng Đại học Trung Văn Hong Kong ngỏ lời mời giáo sư Đồng về việc thành lập Viện nghiên cứu Toán học tại trường. Sau nhiều lần trao đổi giáo sư Đồng quyết định thành lập Viện nghiên cứu khoa học tại đây. 

Giáo sư Khâu Thành Đồng về nước cống hiến ở tuổi 73, sau gần 50 năm ở Mỹ. Ảnh: Baidu

Từ năm 1987-2022, ông giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Harvard. Trong 35 năm cống hiến tại đây, ông từng giữ chức vụ chủ nhiệm khoa Toán (2008-2012), giám đốc Trung tâm Toán học và ứng dụng (2014). Năm 2013, ông trở thành người đầu tiên trong lịch sử Harvard giữ chức giáo sư ở 2 khoa Toán và Vật lý.

Tháng 4/2022, sau gần nửa thế kỷ ở Mỹ, ông quyết định về nước cống hiến ở tuổi 73. Từ đó đến nay, ông giữ chức Viện trưởng Học viện Cầu Chân trực thuộc Đại học Thanh Hoa. Ngoài ra, giáo sư còn đảm nhận vai trò là chủ nhiệm Trung tâm Khoa học Toán học Khâu Thành Đông (tiền thân là Trung tâm Khoa học Toán học Đại học Thanh Hoa). 

Để tiếp nối ngọn đuốc truyền thống của cố giáo sư Trần Tỉnh Thân và đưa ra mục tiêu giúp Trung Quốc trở thành cường quốc về Toán học trong 1 thập kỷ, chỉ sau 2 năm về nước ông đã chứng minh được năng lực bản thân. Bằng cách, ông đã đẩy thứ hạng khoa Toán của Đại học Thanh Hoa từ ngoài top 100 vươn lên top 20.

Tháng 1/2024, giáo sư Đồng được bổ nhiệm làm Viện trưởng đầu tiên của Viện Toán học và Nghiên cứu liên ngành Thượng Hải (Trung Quốc). Trước đó, năm 2023, ông nhận được giải Shaw trị giá 1 triệu USD (24 tỷ đồng) vì những đóng góp nổi bật trong lĩnh vực Hình học vi phân và giải tích. Hiện tại, ở tuổi 75, ông vẫn tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại Đại học Thanh Hoa. 

Việc nắm bắt kỹ Giả thuyết Calabi – Yan giúp giáo sư đạt nhiều thành tựu trong nghiên cứu như giải quyết được Thuyết tương đối rộng, bài toán Dirichlet cho phương trình Monge – Ampere phức và tính chính quy, bất đẳng thức Minkowski…

Thành tựu này giúp giáo sư giành được loạt giải thưởng danh giá như: Veblen về Hình học vi phân (1981); Huy chương Fields (1982); Giải Crafoord (1994)…

Năm 1978, ở tuổi 29, ông được mời phát biểu tại Hội nghị Toán học quốc tế tổ chức ở Phần Lan. Điều này khẳng định lại lần nữa về những đóng góp to lớn của ông đối với Toán học.

Sau những đóng góp nổi bật, năm 1997, ông được Tổng thống Mỹ Bill Clinton trao tặng Huân chương Khoa học quốc gia. Năm 2003, ông được nhà nước trao tặng giải thưởng Hợp tác Khoa học và Công nghệ quốc tế. Năm 2010, giáo sư nhận được giải thưởng Wolf về Toán học.

Giáo sư Thần kinh học về nước làm hiệu trưởng đại học Y khoaTRUNG QUỐC – Sau khi từ bỏ sự nghiệp ở Mỹ, năm 2007, giáo sư Thần kinh học Nhiễu Nghị về nước cống hiến. Năm 2019, ở tuổi 57, ông được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Đại học Y khoa Thủ đô (Bắc Kinh).