Theo bà Liên, để giúp người nộp thuế nắm vững cách xử lý khi phát hiện HĐĐT có mã hoặc không có mã của cơ quan thuế mà người bán đã lập có sai sót, nhằm kê khai trung thực và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước, Cục Thuế tỉnh đã tổ chức các buổi tập huấn, hỗ trợ người nộp thuế thông qua các trang mạng xã hội, qua điện thoại hay tư vấn trực tiếp tại trụ sở cơ quan thuế.
Theo bà, khi người bán phát hiện HĐĐT đã được cấp mã của cơ quan thuế chưa gửi cho người mua có sai sót thì phải xử lý như thế nào?
Lúc này, người bán cần thực hiện thông báo với cơ quan thuế theo mẫu số 04/SS-HĐĐT Phụ lục IA ban hành kèm theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP về việc hủy HĐĐT có mã đã lập có sai sót và lập HĐĐT mới, ký số gửi cơ quan thuế để cấp mã hóa đơn mới thay thế hóa đơn đã lập để gửi cho người mua. Cơ quan thuế thực hiện hủy HĐĐT đã được cấp mã có sai sót lưu trên hệ thống của cơ quan thuế.
Còn trong trường hợp, HĐĐT có mã của cơ quan thuế hoặc HĐĐT không có mã của cơ quan thuế đã gửi cho người mua mà người mua hoặc người bán phát hiện có sai sót phải xử lý như thế nào?
Trường hợp có sai sót về tên, địa chỉ của người mua nhưng không sai mã số thuế, các nội dung khác không sai sót thì người bán thông báo cho người mua về việc hóa đơn có sai sót và không phải lập lại hóa đơn. Người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế về HĐĐT có sai sót như trên đã hướng dẫn, trừ trường hợp HĐĐT không có mã của cơ quan thuế có sai sót nêu trên chưa gửi dữ liệu hóa đơn cho cơ quan thuế.
Trường hợp sai về mã số thuế; số tiền ghi trên hóa đơn, thuế suất, tiền thuế hoặc hàng hóa ghi trên hóa đơn không đúng quy cách, chất lượng thì người bán lập HĐĐT điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót. Trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn điều chỉnh cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót. Sau đó, người bán lập HĐĐT điều chỉnh hóa đơn đã lập có sai sót. HĐĐT điều chỉnh HĐĐT đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Điều chỉnh cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… số… ngày… tháng… năm”.
Người bán có thể lập HĐĐT mới thay thế cho HĐĐT có sai sót, trừ trường hợp người bán và người mua có thỏa thuận về việc lập văn bản thỏa thuận trước khi lập hóa đơn thay thế cho hóa đơn đã lập có sai sót thì người bán và người mua lập văn bản thỏa thuận ghi rõ sai sót, sau đó người bán lập HĐĐT thay thế hóa đơn đã lập có sai sót.
HĐĐT mới thay thế HĐĐT đã lập có sai sót phải có dòng chữ “Thay thế cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… số… ngày… tháng… năm”.
Người bán ký số trên HĐĐT mới điều chỉnh hoặc thay thế cho HĐĐT đã lập có sai sót sau đó người bán gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng HĐĐT không có mã của cơ quan thuế) hoặc gửi cơ quan thuế để cơ quan thuế cấp mã cho HĐĐT mới để gửi cho người mua (đối với trường hợp sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế).
Đối với ngành hàng không thì hóa đơn đổi, hoàn chứng từ vận chuyển hàng không được coi là hóa đơn điều chỉnh mà không cần có thông tin “Điều chỉnh tăng/giảm cho hóa đơn Mẫu số… ký hiệu… ngày… tháng… năm”. Doanh nghiệp vận chuyển hàng không được phép xuất hóa đơn của mình cho các trường hợp hoàn, đổi chứng từ vận chuyển do đại lý xuất.
Cơ quan thuế xử lý như thế nào khi phát hiện HĐĐT có mã của cơ quan thuế hoặc không có mã của cơ quan thuế mà người bán đã lập có sai sót, thưa bà?
Trường hợp cơ quan thuế phát hiện HĐĐT đã lập có sai sót thì cơ quan thuế thông báo cho người bán để người bán kiểm tra sai sót. Theo thời hạn thông báo, người bán thực hiện thông báo với cơ quan thuế về việc kiểm tra HĐĐT đã lập có sai sót.
Hết thời hạn thông báo mà người bán không thông báo với cơ quan thuế thì cơ quan thuế tiếp tục thông báo lần 2 cho người bán. Trường hợp quá thời hạn thông báo lần 2 mà người bán không có thông báo thì cơ quan thuế xem xét chuyển sang trường hợp kiểm tra về sử dụng HĐĐT.
Trường hợp người bán đã lập hóa đơn và thu tiền trước, nhưng sau đó có phát sinh chấm dứt việc cung cấp dịch vụ thì phải xử lý như thế nào đối với hóa đơn đã lập?
Trường hợp này, người bán thực hiện hủy HĐĐT đã lập và thông báo với cơ quan thuế về việc hủy hóa đơn.
Khi HĐĐT đã lập có sai sót và người bán đã điều chỉnh theo quy định, sau đó lại phát hiện hóa đơn tiếp tục có sai sót thì xử lý tiếp như thế nào, thưa bà?
Trường hợp HĐĐT đã lập có sai sót và người bán đã xử lý theo hình thức điều chỉnh hoặc thay thế, sau đó lại phát hiện hóa đơn tiếp tục có sai sót thì các lần xử lý tiếp theo người bán sẽ thực hiện theo hình thức đã áp dụng khi xử lý sai sót lần đầu.
Trường hợp điều chỉnh HĐĐT đã lập có sai sót có được ghi dấu âm không?
Riêng đối với nội dung về giá trị trên hóa đơn có sai sót thì điều chỉnh tăng (ghi dấu dương), điều chỉnh giảm (ghi dấu âm) đúng với thực tế điều chỉnh
Khi bảng tổng hợp dữ liệu HĐĐT đã gửi cơ quan thuế có sai sót thì người bán xử lý như thế nào?
Sau thời hạn chuyển bảng tổng hợp dữ liệu HĐĐT đến cơ quan thuế, trường hợp thiếu dữ liệu HĐĐT tại bảng tổng hợp dữ liệu HĐĐT đã gửi cơ quan thuế thì người bán gửi bảng tổng hợp dữ liệu HĐĐT bổ sung.
Trường hợp bảng tổng hợp dữ liệu HĐĐT đã gửi cơ quan thuế có sai sót thì người bán gửi thông tin điều chỉnh cho các thông tin đã kê khai trên bảng tổng hợp. Việc điều chỉnh hóa đơn trên bảng tổng hợp dữ liệu HĐĐT phải được thực hiện theo đúng quy định.
Xin cảm ơn bà!