Ngày 28/3/2024, VKSND tối cao tổ chức Hội nghị triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong ngành Kiểm sát nhân dân năm 2024. Đồng chí Lê Minh Trí, Uỷ viên Trung ương Đảng, Viện trưởng VKSND tối cao dự và chỉ đạo Hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Hải Trâm, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ngành Kiểm sát nhân dân chủ trì Hội nghị.
Cùng dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao; đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao.
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối từ điểm cầu chính tại Trụ sở VKSND tối cao đến các điểm cầu trong toàn Ngành. Tham dự Hội nghị tại điểm cầu VKSND tối cao có các đồng chí Kiểm sát viên VKSND tối cao; đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ VKSND tối cao; Lãnh đạo Vụ Dân vận các cơ quan nhà nước, Ban Dân vận Trung ương; đại diện Lãnh đạo các tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Ban Thanh tra nhân dân VKSND tối cao; thành viên Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong ngành Kiểm sát nhân dân; Lãnh đạo các đơn vị thuộc VKSND tối cao; thư ký Lãnh đạo VKSND tối cao; Lãnh đạo VKSND cấp cao tại Hà Nội và Lãnh đạo các Viện nghiệp vụ thuộc VKSND cấp cao tại Hà Nội; toàn thể công chức, viên chức, người lao động công tác tại VKSND tối cao, VKSND cấp cao tại Hà Nội.
Tại Hội nghị, đại biểu tham dự được nghe Báo cáo về kết quả việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trong ngành Kiểm sát nhân dân từ năm 2021 đến năm 2023 thông qua video clip. Trong thời gian qua, Ban cán sự đảng, Lãnh đạo VKSND tối cao đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành phối hợp với cấp ủy cùng cấp tiếp tục quán triệt, triển khai nghiêm các văn bản của Đảng, Nhà nước và quy định của Ngành về thực hiện dân chủ ở cơ sở, trọng tâm là Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022; Kết luận số 120-KL/TW ngày 07/01/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; Kết luận số 54-KL/TW ngày 09/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Quyết định số 99-QĐ/TW ngày 03/10/2017 của Ban Bí thư về ban hành Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và Quy định số 11-QĐi/TW ngày 18/02/2019 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân; tiếp tục triển khai Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”; thực hiện nghiêm Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về “Những điều đảng viên không được làm”.
Cùng với đó, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành các Chỉ thị, Kế hoạch công tác, Chương trình trọng tâm công tác, quy chế, quy định nghiệp vụ… để lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ngành. Trong đó có nội dung yêu cầu người đứng đầu các cấp Kiểm sát trong toàn ngành Kiểm sát nhân dân thực hiện nghiêm dân chủ ở cơ sở gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Ngành và của địa phương. Đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong thực hành dân chủ ở cơ sở; đi đầu, gương mẫu trong thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước, các quy định quản lý nội bộ ngành Kiểm sát nhân dân; xây dựng tập thể đơn vị đoàn kết, giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ; thường xuyên tự phê bình, nêu cao trách nhiệm với công việc, giữ gìn uy tín, hình ảnh của người cán bộ Kiểm sát trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân; công khai dân chủ trong các mặt hoạt động công tác, tạo điều kiện để công chức, viên chức, người lao động tham gia ý kiến và thực hiện vai trò giám sát, kiểm tra; kịp thời giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Về công tác tổ chức triển khai thực hiện dân chủ ở cơ sở của Thủ trưởng, Viện trưởng VKSND các cấp, thực hiện chỉ đạo của Ban cán sự đảng VKSND tối cao, của Viện trưởng VKSND tối cao và của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ngành Kiểm sát nhân dân; hằng năm, Viện trưởng VKSND các cấp, Thủ trưởng các đơn vị trong Ngành đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm, gương mẫu trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, cụ thể: Sửa đổi, bổ sung các quy định của cơ quan, đơn vị để phù hợp với các quy định mới được ban hành; duy trì các cuộc họp giao ban của đơn vị; kịp thời quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, Nhà nước và của Ngành về thực hiện dân chủ ở cơ sở tại các cuộc họp giao ban, đăng tải văn bản lên hệ thống thư điện tử để công chức, viên chức, người lao động khai thác, nghiên cứu; lấy ý kiến tham gia góp ý của công chức, viên chức, người lao động vào chương trình, kế hoạch công tác, báo cáo sơ kết, tổng kết của cơ quan, đơn vị; hàng năm phối hợp với Công đoàn cùng cấp tổ chức Hội nghị cán bộ công chức…
Về kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ, căn cứ yêu cầu công tác của ngành Kiểm sát nhân dân và chỉ đạo của Viện trưởng VKSND tối cao, Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ngành Kiểm sát nhân dân đã ban hành Chương trình công tác, Kế hoạch kiểm tra, Hướng dẫn nhiệm vụ trọng tâm hằng năm để triển khai nhiệm vụ trong toàn Ngành, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, thực chất; chủ động đề ra các biện pháp, cách thức hoạt động đổi mới, hiệu quả, như: Kịp thời tham mưu Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSND tối cao phổ biến, quán triệt và lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các quy định của Đảng và Nhà nước về thực hiện dân chủ ở cơ sở; chủ động xây dựng Chương trình công tác, Kế hoạch kiểm tra, trong đó, đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên của Ban Chỉ đạo là trưởng các đoàn để tiến hành kiểm tra việc thực hiện dân chủ ở cơ sở tại các đơn vị trong toàn Ngành, giao thành viên Ban Chỉ đạo theo dõi, phụ trách việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trong từng lĩnh vực chuyên môn được phân công; yêu cầu các đơn vị trong toàn Ngành xây dựng Chuyên đề về dân chủ ở cơ sở và tổ chức Hội nghị để phổ biến, quán triệt nội dung Chuyên đề đến công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị… Kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ngành Kiểm sát nhân dân và của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ tại VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh đã giúp cho việc thực hiện dân chủ ở cơ sở được Lãnh đạo VKSND các cấp quan tâm, thực hiện đầy đủ hơn; công chức, viên chức, người lao động phát huy quyền tham gia ý kiến, giám sát, kiểm tra và trách nhiệm trong thực hiện dân chủ ở cơ sở. Qua đó, đã góp phần vào thành tích đạt được của ngành Kiểm sát nhân dân trong thời gian qua.
Tiếp đó, các đại biểu đã trình bày các Báo cáo chuyên đề về Quán triệt nội dung cơ bản của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Thực hiện dân chủ trong công tác tổ chức, cán bộ trong ngành Kiểm sát nhân dân; Thực hiện dân chủ trong công tác quản lý tài chính, tài sản công, đầu tư xây dựng cơ bản trong ngành Kiểm sát nhân dân…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao đánh giá cao công tác chuẩn bị tài liệu Hội nghị của Thanh tra VKSND tối cao, Vụ Tổ chức cán bộ, Cục Kế hoạch – Tài chính; đồng thời nhấn mạnh các chuyên đề được trình bày tại Hội nghị là những nội dung quan trọng, cần quán triệt, phổ biến và xây dựng thành cẩm nang, hướng dẫn trong toàn Ngành đối với việc thực hiện dân chủ ở cơ sở. Trong đó, người đứng đầu các cấp Kiểm sát cần đặc biệt lưu ý đến nội dung chuyên đề thực hiện dân chủ trong công tác quản lý tài chính, tài sản công, đầu tư xây dựng cơ bản trong ngành Kiểm sát nhân dân và chuyên đề về thực hiện dân chủ trong công tác tổ chức cán bộ trong Ngành để tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện tốt trong thời gian tới.
Đề cập đến một số nội dung liên quan đến các quy định, hướng dẫn về dân chủ cơ sở; các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí nhấn mạnh, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát không chỉ nhằm ngăn ngừa vi phạm mà còn là phương pháp hữu hiệu trong quản lý, chỉ đạo, điều hành nhằm tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong ngành Kiểm sát nhân dân; người đứng đầu phải tổ chức tự kiểm tra trong đơn vị; Thủ trưởng các đơn vị nghiệp vụ thuộc VKSND tối cao phải chịu trách nhiệm trước Lãnh đạo VKSND tối cao, thực hiện quyền kiểm tra trong lĩnh vực được giao phụ trách trong toàn Ngành. Phát huy dân chủ phải gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; giải quyết kịp thời những phản ánh, kiến nghị hợp pháp, chính đáng của công chức, viên chức, người lao động trong Ngành.
Người đứng đầu các đơn vị, Viện trưởng Viện kiểm sát các cấp cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, triển khai thực hiện các văn bản của Đảng, Nhà nước về dân chủ ở cơ sở, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022, các văn bản hướng dẫn thi hành, các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ngành Kiểm sát nhân dân; công chức, viên chức, người lao động nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với công việc, từ đó bảo đảm việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trong ngành Kiểm sát nhân dân được thường xuyên, nghiêm túc, thực chất và hiệu quả.
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Hải Trâm, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ngành Kiểm sát nhân dân tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao; đồng thời nhấn mạnh thực hiện dân chủ ở cơ sở là phương thức để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, để công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra giám sát các vấn đề theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Việc thực hiện đúng những quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác dân chủ ở cơ sở tại cơ quan, đơn vị nhằm bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; bảo đảm mọi hoạt động từ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu và tập thể Lãnh đạo đơn vị đều được bàn bạc công khai, minh bạch, có sự đồng thuận trong phạm vi thẩm quyền, chức trách của Lãnh đạo đơn vị. Bên cạnh đó, việc thực hiện tốt quy định về dân chủ ở cơ sở cũng làm giảm tình trạng lợi dụng dân chủ vi phạm kỷ cương, vi phạm pháp luật; gắn với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cải cách hành chính và chống tham nhũng, lãng phí tại cơ quan, đơn vị.
Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hải Trâm đề nghị toàn Ngành nắm bắt và ghi nhớ những yêu cầu có tính nguyên tắc đã được đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao chỉ đạo tại Hội nghị; trên cơ sở đó yêu cầu Thủ trưởng, người đứng đầu các cấp Kiểm sát tiếp tục quán triệt, triển khai sâu sắc thêm một bước nữa để đảm bảo việc triển khai thi hành Luật đạt được hiệu quả, kịp thời, đáp ứng đúng những yêu cầu đề ra, góp phần tích cực xây dựng ngành Kiểm sát nhân dân ngày càng phát triển trong sạch, vững mạnh.
TH – TL- Cổng TTĐT Viện Kiểm sát nhân dân tối cao