Ngày 30/3, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức Hội thảo định vị và xây dựng thương hiệu du lịch tỉnh Hà Giang trong liên kết vùng Đông, Tây Bắc.
Phát biểu chào mừng hội thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Trần Đức Quý cho biết là tỉnh miền núi, biên giới nằm ở cực Bắc của Tổ quốc, có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch, Hà Giang phấn đấu đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, thu hút trên 3 triệu lượt khách du lịch; phấn đấu đến năm 2030 thu hút 5 triệu lượt khách; giá trị du lịch đóng góp trên 14% vào tổng sản phẩm trên địa bàn và giúp tạo việc làm cho trên 20.000 lao động trực tiếp.
Từ năm 2010, khi Cao nguyên Đá Đồng Văn được UNESCO công nhận và vinh danh là thành viên mạng lưới Công viên Địa chất UNESCO toàn cầu, được coi là cơ sở hình thành nên thương hiệu du lịch của Hà Giang, Việc khai thác giá trị di sản quốc tế tại địa phương luôn gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc.
Hiện nay Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hà Giang cũng triển khai nhiều giải pháp để đầu tư cơ sở hạ tầng, tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và đẩy mạnh chương trình xúc tiến quảng bá. Hình ảnh du lịch tỉnh Hà Giang đã khẳng định được thương hiệu mang tính đặc trưng riêng có.
Năm 2023, du lịch Hà Giang vinh dự được nhiều tổ chức, hãng truyền thông uy tín xếp hạng: Hà Giang được công nhận điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á do Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards-WTA) lần thứ 30 khu vực châu Á và châu Đại Dương bình chọn; tờ New York Times (Mỹ) xếp Hà Giang vào top 25/52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới; thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ vinh dự được nhận giải thưởng ASEAN về lĩnh vực du lịch cộng đồng; được Google Year In Search năm 2023 công bố Hà Giang đứng top 4/10 điểm du lịch nổi bật nhất năm 2023. Trang Booking.com công bố Hà Giang là một trong 10 điểm đến thân thiện nhất Việt Nam năm 2024.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông biểu dương, ghi nhận những thành tích đã đạt được của Hà Giang trong thời gian qua, đặc biệt là tỉnh đã tổ chức thành công Lễ hội Văn hóa, Du lịch và Ẩm thực Quốc tế lần thứ nhất năm 2024. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động bảo tồn văn hóa dân tộc, thực hiện công nghiệp hóa văn hóa và đặc biệt là lễ hội văn hóa du lịch nhằm quảng bá Hà Giang điểm đến mới nổi hàng đầu châu Á.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng cho rằng Hà Giang đã biến khó khăn thành cơ hội phát triển, người dân Hà Giang đã sống trên đá, thoát nghèo từ đá và đang làm giàu từ đá. Với lợi thể cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, cùng hệ thống di sản địa chất, di tích lịch sử, văn hóa phong phú, đa dạng trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đã tăng cường kết nối với các địa phương trong nước và quốc tế thúc đẩy phát triển du lịch gắn với bảo tồn, phát huy di sản và bản sắc văn hóa các dân tộc. Cùng với cả nước, Hà Giang đã và đang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế.
Để xây dựng được thương hiệu đã khó, việc giữ vững được thương hiệu càng khó hơn. Chính vì vậy, Thứ trưởng Tạ Quang Đông đề nghị Hà Giang cần tiếp tục biến khó khăn thành cơ hội phát triển. Với phương châm “Liên kết chặt chẽ-Phối hợp nhịp nhàng-Hợp tác sâu rộng-Bao trùm toàn diện-Hiệu quả bền vững”…
Hà Giang cần tiếp tục chủ động xây dựng kế hoạch sát thực tiễn để thúc đẩy phát triển du lịch; hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp du lịch trong việc chuyển đổi các hoạt động phù hợp với xu thế trong tình hình mới.
Hà Giang cần xác định lấy văn hóa để phát triển du lịch, lấy du lịch để phát triển văn hóa, phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, xanh và bền vững; đồng thời, tăng cường mở rộng hợp tác phát triển trong liên kết vùng…
Thứ trưởng Tạ Quang Đông tin tưởng rằng với sự nỗ lực, quyết tâm du lịch Hà Giang sẽ cất cánh và sớm đạt mục tiêu thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, xây dựng thành công khu du lịch quốc gia Cao nguyên Đá Đồng Văn vào năm 2030, là điểm đến ấn tượng của du khách trong nước và quốc tế.
Hội thảo cũng dành nhiều thời gian để nghe các chuyên gia trao đổi, chia sẻ về xu thế phát triển du lịch trong nước và thế giới. Sự cần thiết định vị, xây dựng thương hiệu du lịch các địa phương nói chung và tỉnh Hà Giang nói riêng. Vai trò, vị trí của định vị thương hiệu du lịch; cơ sở lý luận và thực tiễn về định vị và xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch; những thách thức trong việc định vị và xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang hiện nay…
Sự cần thiết quảng bá thương hiệu du lịch Hà Giang; quan tâm chuyển đổi xanh để phát triển du lịch bền vững; giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp đồng bộ đáp ứng yêu cầu phát triển thương hiệu du lịch; việc thu hút du khách nước ngoài; nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch cốt lõi; quan tâm cơ sở hạ tầng, đảm bảo môi trường, phát huy các giá trị văn hóa đặc thù cho việc xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang.
Trong khuôn khổ chương trình Hội thảo, Ban Tổ chức Lễ hội Văn hóa, Du lịch và Ẩm thực Quốc tế Hà Giang lần thứ Nhất, năm 2024 đã trao giải cho các tổ chức, cá nhân có món ăn tiêu biểu tham gia tại Lễ hội. Trong đó, giải Nhất thuộc về đầu bếp Nguyễn Cao Cường, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, với món Rêu đá; giải Nhì thuộc về Hợp tác xã nông nghiệp dược liệu Thiên Phúc, tỉnh Thái Nguyên, với món Gà H’Mông hầm sâm Cung Bảo. Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng trao giải món ăn chế biến sáng tạo nhất, món ăn có giá trị dinh dưỡng nhất, món ăn trình bày đẹp nhất, món ăn có câu chuyện hấp dẫn nhất.
Cũng tại Hội thảo, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cao Bằng và các đại biểu đã thực hiện nghi thức công bố sản phẩm du lịch “Một hành trình hai công viên,” liên kết giữa Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên Đá Đồng Văn tỉnh Hà Giang và Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng./.