Dùng mật ong, lá tần ô, cây thường xuân, gừng, tỏi đúng cách có thể làm loãng đờm, thông thoáng đường thở, giảm ho.
Đờm xuất hiện do các bệnh nhiễm trùng ở đường hô hấp như viêm phổi, nhiễm trùng nhẹ, lao, ung thư phổi, viêm phế quản, viêm xoang, viêm họng. Nguyên nhân có thể do virus, vi khuẩn, nấm. Để loại bỏ đờm hiệu quả cần biết rõ nguyên nhân. Bên cạnh uống thuốc, dùng máy tạo độ ẩm, nghỉ ngơi, chọn một số đồ uống tốt cũng có tác dụng giảm đờm.
Nước làm tăng độ ẩm trong chất nhầy để chúng dễ thoát ra ngoài. Người bệnh nên uống nhiều nước hơn bình thường, có thể uống trà thảo dược, nước ép. Dùng nước xông mũi cũng có ích.
Mật ong có đặc tính kháng khuẩn, kháng viêm, dùng để giảm ho và nghẹt mũi. Uống mật ong hai lần mỗi ngày góp phần cải thiện viêm nhiễm, làm dịu triệu chứng viêm đường hô hấp, tiêu đờm.
Dùng mật ong trực tiếp, pha với nước ấm hoặc cho vào các loại trà thảo dược đều tốt. Cha mẹ có thể pha mật ong với nước cam, nước ép cho trẻ trên một tuổi uống. Không dùng mật ong cho trẻ dưới một tuổi vì nguy cơ ngộ độc cao.
Gừng được sử dụng rộng rãi làm thuốc, gia vị trong nấu ăn. Gừng góp phần giảm tắc nghẽn và hoạt động như thuốc long đờm tự nhiên. Người bị ho đờm có thể giã gừng và đun sôi trong vài phút, uống nước gừng hoặc trà gừng trong ngày.
Tuy nhiên, gừng có thể gây rối loạn hệ tiêu hóa, ợ nóng và buồn nôn nếu sử dụng quá nhiều. Người bị hạ huyết áp tránh dùng gừng vì có thể khiến huyết áp tụt nhanh hơn.
Tỏi có nhiều công dụng và phổ biến trong nhiều gia đình. Nó chứa chất allicin có đặc tính giảm viêm và chống oxy, giúp long đờm. Người bị ho có thể nghiền nát tỏi, trộn với mật ong và uống một thìa ba lần mỗi ngày hoặc ăn tỏi sống, cho vào các món xào, kho. Người đang dùng thuốc chống đông máu không dùng tỏi.
Húng chanh (lá tần ô) là loại thảo mộc có tác dụng loãng chất nhầy, được dùng trong nhiều loại thuốc giảm ho, đờm. Người lớn có thể hái 3-4 lá húng chanh rửa sạch, giã nát và pha với 1-2 hạt muối, sau đó uống trực tiếp. Phụ huynh dùng khoảng 10 lá húng chanh chưng cách thủy với chanh, mật ong, đường phèn làm hỗn hợp thuốc ho tự nhiên cho trẻ sử dụng.
Cam thảo có khả năng loãng dịch nhầy, bớt đau họng. Cho nửa thìa cà phê cam thảo vào cốc nước và đun sôi trong 10 phút, sau đó sử dụng. Súc miệng bằng nửa thìa cam thảo pha với nước ấm mỗi ngày giúp loãng đờm nhanh hơn.
Bạc hà chứa tinh dầu bạc hà, cải thiện triệu chứng nhiễm trùng nhờ tác dụng cải thiện co thắt cơ trong đường hô hấp. Nhỏ một giọt dầu bạc hà vào nước nóng và dùng nó để xông hơi hoặc uống trà bạc hà, ngậm kẹo bạc hà.
Nha đam với đặc tính chống viêm, làm dịu và giảm kích ứng đường hô hấp.
Lá thường xuân có tác dụng long đờm, hỗ trợ mở rộng đường thở, kích thích tiết chất lỏng để tống đờm ra ngoài.
Anh Chi (Theo Healthline)
Độc giả đặt câu hỏi về bệnh tai mũi họng tại đây để bác sĩ giải đáp |