Chiều 28/3, tại Hà Nội, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn Trung Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga đã ký kết Chương trình phối hợp Tuyên truyền, vận động phụ nữ và nhân dân tham gia quản lý chất thải rắn sinh hoạt giai đoạn 2024 – 2027. Tham gia buổi Lễ ký kết có đại diện của các cơ quan chuyên môn của hai cơ quan.
Theo đó, mục đích của việc ký kết giữa hai cơ quan nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong các hoạt động hỗ trợ triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên toàn quốc thông qua việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, xây dựng mô hình về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là nội dung về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại hộ gia đình, cá nhân nhằm nâng cao nhận thức và hình thành thói quen của các tầng lớp nhân dân trong việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt, từ đó giảm thiểu phát sinh, thúc đẩy tái chế, coi chất thải là tài nguyên, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và đảm bảo môi trường bền vững.
Phát biểu tại buổi Lễ ký kết, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho biết, nhận thức sâu sắc vai trò quan trọng của lực lượng phụ nữ trong công tác bảo vệ môi trường, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xác định bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được thực hiện nhiều nhiệm kỳ qua, thông qua Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phong trào “Chống rác thải nhựa”.
Nhiều cách làm hay, mô hình sáng tạo đã được các cấp Hội tích cực triển khai như thu gom, phân loại, xử lý rác thải; tái chế rác thải nhựa… đã và đang góp phần tích cực tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động bảo vệ môi trường của mỗi cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng; khẳng định vai trò, trách nhiệm của phụ nữ, của tổ chức Hội trong bảo vệ môi trường.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga cho rằng, Lễ ký kết chương trình phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là việc làm hết sức có ý nghĩa, là sự cụ thể hóa Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050, góp phần thực hiện quy định Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Về phía Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ cam kết: tiếp tục tăng cường các hoạt động tuyên truyền, vận động sâu rộng, thiết thực để nâng cao nhận thức, hành vi của phụ nữ và nhân dân trong bảo vệ môi trường nói chung và công tác phân loại, thu gom, tái chế rác thải nói riêng; chủ động xây dựng các mô hình về bảo vệ môi trường, phân loại chất thải rắn sinh hoạt; tiếp tục nghiên cứu, đóng góp, đề xuất chính sách phù hợp giúp phụ nữ tham gia hiệu quả các hoạt động bảo vệ môi trường; đưa những hành động, việc làm bảo vệ môi trường, trong đó có việc phân loại rác thải tại nguồn trở thành thói quen, thành nếp sống văn hóa của mỗi gia đình và toàn xã hội.
Phát biểu tại buổi Lễ, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh ghi nhận với vai trò là tổ chức đại diện cho phụ nữ Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã luôn quan tâm chỉ đạo, tích cực tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường.
Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam là một trong những tổ chức đặc biệt tích cực, đi đầu trong các hoạt động bảo vệ môi trường tại cộng đồng, tiêu biểu có thể kể đến các kết quả thiết thực từ phong trào “Chống rác thải nhựa” đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ký cam kết thực hiện từ năm 2018.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho rằng, nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo của phụ nữ được xây dựng, duy trì và nhân rộng đã góp phần tích cực thay đổi trong nhận thức và hành động bảo vệ môi trường tại cộng đồng. Các mô hình phụ nữ thu gom phế liệu, “biến rác thành tiền”, “phân loại rác thải tại nhà”, “đổi rác thải nhựa mua bảo hiểm y tế”… đã khẳng định vai trò của phụ nữ góp phần giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, từng bước cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cũng như khẳng định sự đồng hành của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác quan trọng này.
Nhằm tiếp tục Phát huy vai trò của phụ nữ trong các hoạt động hỗ trợ triển khai thực hiện có hiệu quả công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt trên toàn quốc là mục đích của Chương trình phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhằm triển khai công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ và nhân dân tham gia quản lý chất thải rắn sinh hoạt giai đoạn 2024 – 2027.
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, chương trình phối hợp hướng tới việc nâng cao nhận thức và hình thành thói quen, nếp sống của các tầng lớp nhân dân trong việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt, giảm thiểu phát sinh chất thải rắn sinh hoạt, xử lý, tái chế chất thải rắn sinh hoạt, thông qua việc triển khai thường xuyên những nhiệm vụ như: Tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách, quy định pháp luật, văn bản về quản lý chất thải, phân loại chất thải rắn sinh hoạt; phát động phong trào xây dựng các mô hình phân loại rác tại nguồn; lựa chọn các điểm sáng, gương điển hình trong công tác quản lý chất thải, phân loại chất thải rắn sinh hoạt…
Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh tin tưởng Chương trình phối hợp tuyên truyền, vận động phụ nữ và nhân dân tham gia quản lý chất thải rắn sinh hoạt giai đoạn 2024 – 2027 giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ góp phần thu hút toàn thể nhân dân tham gia công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt, đóng góp có hiệu quả cho công tác bảo vệ môi trường nhằm đạt được các mục tiêu về Bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.
NỘI DUNG PHỐI HỢP
1. Tuyên truyền, phổ biến chủ trương chính sách, quy định pháp luật, văn bản về quản lý chất thải, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các cấp Hội Phụ nữ; trên hệ thống truyền thông của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Cổng thông tin điện tử của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Báo Phụ nữ Việt Nam, Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Tờ Thông tin Phụ nữ, fanpage của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, fanpage Phụ nữ sống xanh và hệ thống fanpage của các tỉnh/thành Hội) và trên hệ thống truyền thông của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, sự kiện phù hợp về quản lý chất thải, phân loại chất thải rắn sinh hoạt trong các chiến dịch, sự kiện lớn về môi trường như: Ngày Môi trường thế giới (5/6), Tuần lễ quốc gia Nước sạch – Vệ sinh môi trường (từ ngày 29/4 đến ngày 6/5), Chiến dịch “Làm cho thế giới sạch hơn” (tuần thứ 3 của tháng 9 hàng năm), “Ngày Quốc tế không rác thải ” (ngày 30/3 hàng năm)…
3. Vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân, tổ chức, cơ sở thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt; xây dựng các mô hình về phân loại chất thải rắn sinh hoạt; lựa chọn nhân rộng một số mô hình, điểm sáng, gương điển hình về quản lý chất thải, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại cơ sở để nhân rộng trên cả nước.
4. Tổ chức giám sát việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân hội viên, phụ nữ.
Một số hình ảnh tại buổi Lễ Ký kết