Ngày 29/3, Đoàn công tác Bộ GTVT làm việc với Công ty TNHH MTV đóng tàu Nha Trang, Công ty TNHH MTV đóng tàu Cam Ranh và Công ty TNHH Đóng tàu HD Hyundai Việt Nam (HVS, TX Ninh Hòa) trên địa bàn Khánh Hòa nhằm triển khai Nghị quyết 220 của Chính phủ về phá sản Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ (SBIC).
Theo ông Võ Ngọc Tuấn, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Đóng tàu Cam Ranh, thời gian qua, đơn vị sụt giảm sản xuất kinh doanh. Năm 2023, giá trị sản xuất của công ty chỉ đạt hơn 21,6 tỷ đồng, bằng 81% kế hoạch năm. Tuy nhiên, công ty vẫn duy trì số lao động thường xuyên là 60 người, với thu nhập bình quân 7,8 triệu đồng/người/tháng.
Năm 2024, dự báo nhu cầu đóng mới của khách hàng trong khu vực ít, điều kiện về cơ sở hạ tầng, tài chính của công ty thêm áp lực. Đơn vị này đang nỗ lực tập trung vào việc khai thác các khách hàng có nhu cầu đóng mới sà lan 150-300T… để đảm bảo kế hoạch kinh doanh.
Tương tự, ông Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV đóng tàu Nha Trang cũng cho biết, năm 2023 tình hình tài chính của công ty gặp khó khăn do doanh thu không đạt kế hoạch (hơn 8,8 tỷ đồng).
Đáng kể, vì khó khăn tài chính nên công ty chưa thể thực hiện được việc thiết lập, công bố bến cảng, cầu cảng, vùng nước, luồng hàng hải chuyên dùng theo quy định.
Theo ông Tuấn, cùng với việc xúc tiến sửa chữa các sản phẩm chuyển giao năm 2024, doanh nghiệp sẽ phát huy tối đa nguồn lực để đạt được kế hoạch sản phẩm đã đề ra.
Chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp, Đoàn công tác Bộ GTVT đề nghị các đơn vị có giải pháp tháo gỡ, tổ chức rút kinh nghiệm cho từng sản phẩm cụ thể, rút ngắn thời gian thi công và tăng chất lượng.
Theo ông Trần Mạnh Hùng, Vụ phó Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT), hai công ty cần thông tin đầy đủ những khó khăn, điều kiện pháp lý, tính minh bạch để đối tác yên tâm hợp tác. Từ đó, đảm bảo sản xuất để duy trì thu nhập, tạo nguồn sống cho người lao động.
Ông Hùng cho hay, các đơn vị không thể chờ việc mà luôn chủ động tìm kiếm nguồn hàng như dịch vụ sửa chữa tàu hàng, tàu dầu, sà lan… Bởi việc sửa chữa chi phí bỏ ra không lớn, dễ thu hồi vốn nhanh. Tuy nhiên, cần rút ngắn về mặt thời gian, giá thành hợp lý.
Ngoài ra, các công ty vẫn tiếp tục chào giá các sản phẩm như kết cấu thép; làm dịch vụ để khai thác hạ tầng, đất, mặt nước của nhà máy, đảm bảo việc làm cho người lao động.
Đoàn công tác Bộ GTVT lưu ý các đơn vị cần duy trì thu nhập cho người lao động, tránh tình trạng nợ lương, chậm lương, nợ bảo hiểm, đặt quyền lợi người lao động lên trên hết.
Làm việc tại Công ty TNHH Đóng tàu HD Hyundai Việt Nam (HVS), ông Kim Song Hag, Tổng giám đốc HVS cho biết, HVS sẽ quan tâm giúp đỡ đào tạo nguồn nhân lực.
Cùng với đó là nâng cao thu nhập cho người lao động để người lao động gắn bó lâu dài và làm tốt công tác an sinh xã hội cho địa phương.
Đại diện Đoàn công tác Bộ GTVT cũng mong muốn HVS tăng cường đào tạo nâng cao tay nghề cho các công nhân, mở rộng quy mô tạo việc làm cho người lao động; tăng cường hợp tác để năng lực đóng tàu trong nước ngày càng phát triển.
Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị quyết số 220 về việc xử lý Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) theo hướng phá sản Công ty mẹ – SBIC và 7 công ty con là công ty TNHH MTV đóng tàu Hạ Long, Phà Rừng, Bạch Đằng, Thịnh Long, Cam Ranh; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn và Công ty TNHH MTV Đóng tàu và công nghiệp hàng hải Sài Gòn.
Cùng đó, thu hồi phần vốn của Công ty mẹ – SBIC tại Công ty CP Đóng tàu Sông Cấm; Tiếp tục xử lý đối với các doanh nghiệp thuộc SBIC, thu hồi tài sản và quyền tài sản của Công ty mẹ – SBIC và 7 công ty con tại các doanh nghiệp này.