Chiều 29/3, phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Bình Định năm 2024, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh về vai trò, tầm quan trọng của chuyển đổi xanh và chuyển đổi số (CĐS) được xem là 2 chuyển đổi quan trọng nhất của nhân loại trong nhiều thập kỷ tới. Bình Định có lợi thế trong cả 2 chuyển đổi này.
Theo Bộ trưởng, lợi thế của chuyển đổi xanh là nắng và gió. Lợi thế của CĐS là không cần đầu tư nhiều nhưng hiệu quả mang lại sẽ rất lớn. Hai cái thuận lợi này thì Bình Định đều đã có. Chỉ cần sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, nhất là người đứng đầu.
“Bình Định muốn đi đầu thì phải đi đầu về cái mới. Muốn đi đầu về cái mới thì phải xây dựng các cơ sở hạ tầng mới và hiện đại hoá các hạ tầng hiện tại”, ông Hùng nhấn mạnh và đánh giá thêm: Một trong những hạ tầng quan trọng nhất cho cái mới chính là hạ tầng số.
Theo đó, Bình Định phải xây dựng hạ tầng số hiện đại, coi hạ tầng số cũng quan trọng như hạ tầng giao thông, bởi đây là dòng chảy dữ liệu tương ứng. Hiện đại hoá các hạ tầng hiện tại thì không chỉ là riêng hạ tầng giao thông, mà còn là hiện đại hoá các cơ sở hạ tầng khác về kinh tế, xã hội và môi trường bằng cách thông minh hoá chúng thông qua ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ số.
“Bình Định mà không xây dựng các cơ sở hạ tầng mới, không hiện đại hoá, thông minh hoá các hạ tầng hiện có thì sẽ không thể tạo ra tăng trưởng nhanh và bền vững được, nhất là không thể tăng trưởng được”, ông Hùng nhấn mạnh.
Người đứng đầu Bộ TT&TT lưu ý, định hướng phát triển của Bình Định phải toát lên được tinh thần là cái gì mới, kể cả công nghệ mới, mô hình mới, thể chế mới, định hướng mới thì cho thử ở đây trước, phát triển ở đây trước để từ đây đi ra cả nước và xa hơn. Làm cho toát lên được ý này thì sẽ rất rõ định hướng phát triển của Bình Định là xây dựng tỉnh thành một trung tâm KHCN và đổi mới sáng tạo (ĐMST).
Bộ trưởng so sánh, Bình Định mà tăng trưởng cao hơn trung bình các tỉnh lân cận 20-30% về những cái truyền thống thì sẽ không phải là dễ. Nhưng tăng trưởng về những cái mới, thí dụ như kinh tế số, cao hơn trung bình các tỉnh lân cận 30-50% thì lại không khó.
Phát trển nhanh cần không gian mới
Theo Bộ trưởng, CĐS có thể giúp Bình Định giải quyết tốt một số bài toán lớn. Đó là giảm khoảng cách thành thị và nông thôn, nhất là về y tế, giáo dục, thông qua CĐS 2 ngành này; Giải bài toán nghèo của người nông dân thông qua việc truy xuất nguồn gốc nông sản, tạo ra thương hiệu nông sản đến từng hộ nông dân, đưa các đặc sản của tỉnh lên môi trường số để mở rộng thị trường, tăng được giá bán; Nâng cao chất lượng công chức thông qua trợ lý ảo AI; Giải bài toán quan liêu của bộ máy hành chính thông qua hệ thống quản trị số dựa trên dữ liệu; Giải bài toán phòng chống tham nhũng thông qua CĐS toàn diện, số hoá toàn diện để có thể giám sát toàn diện, phát hiện sớm các vấn đề, nhắc nhở, xử lý sớm và tránh được mất cán bộ và các tai nạn lớn.
Cuối cùng, Bộ trưởng đặt niềm tin vào 2 chuyển đổi trên của Bình Định, nhờ lãnh đạo Bình Định có tầm nhìn, có mục tiêu, có khát vọng, nhất là quyết tâm xây dựng tỉnh trở thành một trung tâm CĐS, KHCN, ĐMST, ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Người dân Bình Định văn võ song toàn, ứng dụng nhanh trong công nghệ trong đời sống cùng hạ tầng đồng bộ.
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn cho hay: đến năm 2030, Bình Định phấn đấu trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; Kinh tế của tỉnh phát triển nhanh, bền vững và xanh hơn dựa trên các trụ cột tăng trưởng: công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ du lịch, cảng biển – logistics, đô thị hóa.
Tầm nhìn phát triển đến năm 2050, Bình Định tiếp tục thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung, với GRDP bình quân đầu người và tỷ lệ đô thị hóa cao hơn mức bình quân chung của cả nước; là trung tâm khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nơi ứng dụng trí tuệ nhân tạo quan trọng của Việt Nam…