Bên cạnh tài năng thiên bẩm và quá trình tập luyện miệt mài, Nguyễn Trần Duy Nhất còn là tấm gương của tinh thần cầu thị, chịu khó học hỏi. Ngoài thời gian tập luyện, thi đấu, anh thường tìm đến các võ đường, lò võ cổ truyền nổi tiếng khắp các địa phương trên cả nước để học hỏi, tiếp thu những tinh hoa võ học cổ truyền dân tộc.
Những kiến thức, kỹ năng học được tiếp tục được anh nghiên cứu, bổ sung vào giáo án tập luyện, vận dụng linh hoạt trong thi đấu. Xem các clip ghi lại những trận đấu đỉnh cao của “độc cô cầu bại” Nguyễn Trần Duy Nhất trước các đối thủ cũng rất tài năng, giới võ thuật nhận ra những miếng đánh độc chiêu, nhanh, mạnh, dứt khoát, bất ngờ… được anh sử dụng để hạ đối thủ. Đó là những kỹ năng mà anh chắt lọc từ tinh hoa võ học cổ truyền Việt Nam…
Võ thuật cổ truyền Việt Nam rất phong phú, đa dạng. Mỗi vùng miền, mỗi môn phái có những sắc thái riêng nhưng đều có đặc điểm chung đó là đề cao tinh thần thượng võ, triết lý võ học, kỹ năng võ thuật phù hợp với khí chất, thể trạng con người Việt Nam. Đình, chùa cổ là không gian văn hóa tiêu biểu lưu giữ, bảo tồn, lan tỏa tinh thần thượng võ của người Việt.
Với chiều dài lịch sử khai khẩn, phát triển gần 330 năm của vùng đất Sài Gòn-Gia Định đã hình thành nên bề dày truyền thống võ học, trở thành di sản văn hóa vô giá của Thành phố mang tên Bác. Trong những ngôi đình, chùa cổ có niên đại hàng trăm năm, hiện vẫn còn lưu giữ, bảo tồn những hình ảnh, hiện vật, dấu tích lịch sử của những bậc hiền nhân, anh hùng dân tộc.
Đó là những người giữ vai trò thủ lĩnh, văn võ song toàn, lấy mái đình, sân chùa làm nơi luyện binh khởi nghĩa, chống lũ xâm lăng. Uy danh, tiếng thơm, công trạng của các bậc hiền tài mãi được sử sách lưu danh. Một trong những ngôi đình cổ nổi tiếng, từng là chiếc nôi huấn luyện võ thuật của vùng đất Sài Gòn-Gia Định trong lịch sử là đình Thần Chí Hòa, nằm trong một con hẻm trên đường Cách mạng Tháng Tám, quận 10. Ngôi đình cổ có niên đại hơn 300 năm này là nơi cụ Võ Trường Toản tổ chức huấn luyện võ thuật cho các môn sinh cuối thế kỷ 18.
Tiếp nối di sản của cụ Võ Trường Toản, những năm đầu thế kỷ 20, cụ Phan Xích Long cũng chọn đình Thần Chí Hòa làm nơi luyện binh khởi nghĩa kháng Pháp. Tinh thần thượng võ thông qua hệ thống di sản văn hóa vật thể tại đây vẫn đang được bảo tồn gần như nguyên trạng.
Khi bàn đến chiến lược bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của hệ thống di tích lịch sử, đình, chùa cổ ở TP Hồ Chí Minh, nhiều người trong giới nghiên cứu đề xuất cần khôi phục hình thức huấn luyện võ thuật ở các công trình có không gian phù hợp.
Đây là giải pháp hay, vừa bảo tồn được những sắc thái văn hóa truyền thống, nuôi dưỡng tinh thần thượng võ, giáo dục tinh thần yêu nước cho thanh, thiếu niên, vừa là sản phẩm kích cầu du lịch hấp dẫn.
SƠN TRÀ