(MPI) – Ngày 15/3/2024, tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Đỗ Thành Trung có buổi tiếp Đại diện Chương trình Hệ thống lương thực bền vững Ireland về phiên họp kỹ thuật triển khai Chương trình chuyển đổi hệ thống thực phẩm thông qua hỗ trợ kỹ thuật (IVAP) tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: MPI |
Mục đích của Chương trình chuyển đổi hệ thống thực phẩm thông qua hỗ trợ kỹ thuật nhằm nghiên cứu và chia sẻ các kinh nghiệm phát triển hợp tác xã của Ireland gồm chia sẻ về các mô hình thành công trong phát triển nông nghiệp bền vững theo chuỗi giá trị gắn với phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp và các tác nhân tham gia chuỗi của Ireland và trên thế giới. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng sổ tay hướng dẫn pháp luật, các chính sách hỗ trợ mới của Nhà nước mà hợp tác xã cần lưu ý; nghiên cứu cách thức sản xuất bền vững và các cơ hội phát triển thị trường hướng tới xuất khẩu sản phẩm nông sản của khu vực hợp tác xã; tư vấn, nghiên cứu chuyên sâu về một số vấn đề liên quan để tổ chức và hoạt động của hợp tác xã như: nâng cao nhận thức và thúc đẩy vai trò của thành viên trong việc tham gia quản lý và thực hiện các hoạt động của hợp tác xã; minh bạch trong quản trị, quản lý tài sản, huy động vốn và phân phối lợi nhuận trong hợp tác xã, … Hỗ trợ triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, chính sách về hợp tác xã.
Còn đối với trọng tâm phát triển kinh tế nông nghiệp bao gồm triển khai các nghiên cứu chính sách nông nghiệp như nghiên cứu, đánh giá các sản phẩm tiềm năng có thể áp dụng quy trình sản xuất giảm phát thải, hướng tới mục tiêu xuất khẩu bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm và hiệu quả sản xuất. Nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả đầu tư nguồn lực phát triển kinh tế nông nghiệp hiệu quả, bền vững (theo nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 26/NQ-CP ngày 27/2/2023 của Chính phủ về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghiên cứu xây dựng tài liệu hướng dẫn doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam sản xuất xanh, bền vững; Nghiên cứu thu hút nguồn lực để triển khai Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030.
Thực hiện trao đổi, triển khai các hội chợ, hội thảo, diễn đàn, các sự kiện kết nối… cho các hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam và Ailen. Chia sẻ kinh nghiệm trong đầu tư phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với phát triển khu vực hợp tác xã và các tác nhân tham gia chuỗi; đặc biệt là kinh nghiệm của Ireland trong phát triển các trang trại Xanh – Các bon thấp. Tạo điều kiện kết nối, giao lưu cho doanh nghiệp, hợp tác xã của hai nước.
Giám đốc Cơ quan hệ thống thực phẩm bền vững Ireland Davi Butler phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: MPI |
Tại buổi làm việc, Giám đốc Cơ quan hệ thống thực phẩm bền vững Ireland Davi Butler cho biết, thông qua Chương trình, Ireland mong muốn phát triển thương mại song phương với các nước. Có 6 trọng tâm chính trong chương trình chuyển đổi an toàn thực phẩm gồm có an toàn thực phẩm, sức khỏe động vật, bền vững, những sáng kiến và hệ thống nghiên cứu về khuyến nông và trao đổi kiến thức và phát triển chuỗi giá trị.
Chương trình hợp tác giữa Ireland và Việt Nam về nông nghiệp và thực phẩm có những trọng tâm chính gồm xây dựng hệ thống sản xuất bền vững, an toàn thực phẩm và chuyển đổi thực phẩm, nâng cao tính sáng tạo và chất lượng của nông nghiệp và thực phẩm để hỗ trợ Việt Nam tiến tới nền nông nghiệp giảm khí thải và bền vững, có nền nông nghiệp có thể cung cấp cho người dân thực phẩm sạch và đủ chất dinh dưỡng và có thể xuất khẩu và nâng cao tính minh bạch, cạnh tranh bền vững trong chuỗi giá trị thực phẩm.
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: MPI |
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cảm ơn những giúp đỡ và hợp tác của Ireland dành cho Việt Nam. Đồng thời, bày tỏ mong muốn hai bên cùng nghiên cứu để xác định ra mục tiêu tổng quát, mục tiêu chiến lược, hoạt động tuyên truyền, thời gian, dự kiến chi phí, các yếu tố khác như địa bàn, lĩnh vực cụ thể, … Để làm đâu hiệu quả đó và có thể lồng ghép được các mục tiêu quốc gia vào hoạt động cụ thể như kiểm soát từ quy trình chăn nuôi, ăn uống, ….
Việt Nam mong muốn được Ireland hỗ trợ nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm để làm sao cuối cùng tạo ra những sản phẩm phát triển có giá trị. Ngoài ra, có thể tập trung nghiên cứu chuyên sâu một số sản phẩm để đảm bảo tăng thêm lương thực, đảm bảo an ninh lương thực. Cùng với đó là đẩy mạnh truyền thông, vì nguồn lực hạn chế nên cần có những ưu tiên trong thực hiện để đạt hiệu quả cao nhất./.