Từ ngày 1/3/2024, Cục Viễn thông – Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các nhà mạng chính thức chặn không cho phép nhập mạng mới đối với các điện thoại 2G không thuộc danh sách được chứng nhận hợp quy do Cục Viễn thông quy định. Việc này nhằm thực hiện lộ trình dừng công nghệ di động cũ, phổ cập điện thoại thông minh để thúc đẩy kinh tế số, xã hội số. Tại Phú Thọ, Sở Thông tin và Truyền thông đã lên phương án, thống nhất với các đơn vị viễn thông để tăng cường tuyên truyền và thực hiện phương án hỗ trợ chuyển đổi tối ưu cho người dùng.
Bà Nguyễn Thị Hến ở phường Nông Trang, thành phố Việt Trì (người bên trái) đang sử điện thoại 2G cho biết sẽ chủ động chuyển sang sử dụng điện thoại thông minh có kết nối 4G
Xu thế tất yếu
Việt Nam là một trong những quốc gia “đi tắt đón đầu” trong việc ứng dụng công nghệ mới giữa thời điểm mạng analog vẫn còn phổ biến khi áp dụng mạng 2G từ năm 1993. Sau gần 30 năm, mạng 2G đã lạc hậu, không theo kịp sự phát triển của các dịch vụ viễn thông cũng như nhu cầu truy cập internet tốc độ cao, dung lượng lớn để giải quyết các thủ tục hành chính, làm việc, kinh doanh, mua bán trên các sàn thương mại điện tử và giải trí… Bên cạnh đó, mạng 2G đã bộc lộ nhiều lỗ hổng bảo mật thông tin đang bị các tổ chức tội phạm mạng tận dụng khai thác, tiềm ẩn rủi ro thiệt hại cho người dùng.
Từ thực tế trên đòi hỏi phải có những giải pháp thay thế mạng di động mới mạnh hơn, nhanh hơn, an toàn hơn. Từ năm 2020, Việt Nam được xem là một trong những quốc gia đầu tiên thí điểm và ứng dụng 5G thành công với một số nhà mạng. Đến thời điểm hiện tại, mạng 5G đã được thí điểm ở 55 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, chi phí vận hành cùng lúc mạng 2G, 3G, 4G, 5G khá tốn kém đối với các nhà mạng. Do đó, việc tắt sóng 2G nhằm tối ưu việc quy hoạch tần số, hạ tầng mạng lưới viễn thông, chi phí vận hành nhằm đáp ứng với yêu cầu của quá trình chuyển đổi số quốc gia, xây dựng kinh tế số, xã hội số.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng phòng Bưu chính – Viễn thông, Sở Thông tin và Truyền thông: Việc tắt sóng 2G sẽ giúp các doanh nghiệp tiết giảm được phần lớn chi phí cho việc duy trì, vận hành hệ thống hạ tầng mạng lưới 2G, các doanh nghiệp sẽ có lợi thế cạnh tranh khi sẵn sàng cung cấp cho khách hàng các dịch vụ chất lượng và bảo mật, an toàn hơn so với công nghệ cũ 2G…
Tại Công văn số 4833/BTTTT-CVT, ngày 27/9/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã định hướng lộ trình triển khai kế hoạch tắt sóng 2G trên toàn quốc. Theo đó từ tháng 9/2024, trên mạng di động sẽ không còn thuê bao 2G. Tuy nhiên, từ tháng 9/2024 – 9/2026, Bộ vẫn cấp phép cho các nhà mạng duy trì công nghệ 2G để cung cấp dịch vụ cho thuê bao 3G và 4G không có dịch vụ thoại. Từ tháng 9/2026, băng tần 900 MHz (đang dùng cho 2G) sẽ được thu hồi, đấu giá và cấp phép cho 4G, 5G. Chủ trương dừng công nghệ 2G, chuyển sang 4G phù hợp với xu thế chung của thế giới, góp phần thúc đẩy người dân chuyển sang dùng dịch vụ viễn thông tốc độ nhanh, chất lượng cao hơn, thúc đẩy chuyển đổi số. Đồng thời loại bỏ công nghệ cũ, lạc hậu, giải phóng băng tần, tiết kiệm được tài nguyên dành cho các công nghệ mới, cung cấp các dịch vụ tốt hơn cho người dân.
Hỗ trợ tối đa cho người dùng
Tại tỉnh Phú Thọ hiện nay, tổng số trạm thu, phát sóng thông tin di động (BTS) 2G trên địa bàn tỉnh là 869 trạm (chiếm 23,6% tổng số trạm BTS toàn tỉnh). Trong đó, số lượng trạm BTS 2G của Viettel chiếm đa số (55,6% tổng số trạm BTS 2G toàn tỉnh), tiếp theo là VinaPhone với số trạm BTS 2G chiếm 31,1% tổng số trạm BTS 2G toàn tỉnh.
Từ năm 2021, các nhà mạng VinaPhone và Mobifone đã từng bước tắt sóng các trạm BTS 2G. Trong đó, VinaPhone từ cuối năm 2021 đến nay đã tắt luỹ kế 86 BTS 2G (24,2% tổng số BTS 2G của doanh nghiệp); Mobifone từ tháng đầu năm 2022 đến nay đã tắt luỹ kế 135 BTS 2G (53,8% tổng số BTS 2G của doanh nghiệp). Viettel không tắt sóng BTS 2G nhưng tập trung tắt sóng BTS 3G, từ cuối năm 2022 đến nay đã tắt luỹ kế 563 BTS 3G (78,3% tổng số BTS 3G của doanh nghiệp).
Cán bộ Viettel Phú Thọ hướng dẫn khách hàng sử dụng các ứng dụng tiện ích trên điện thoại thông minh
Theo khảo sát, toàn tỉnh có 151.742 thuê bao 2G (chiếm 11,6% tổng số thuê bao toàn tỉnh). Trong đó, số thuê bao 2G chủ yếu thuộc mạng Viettel (chiếm 80% tổng số thuê bao 2G toàn tỉnh). Theo dõi số liệu thuê bao trong khoảng thời gian 3 tháng liên tiếp gần đây (từ tháng 12/2023 – 02/2024) cho thấy, số thuê bao 2G của VinaPhone và Mobifone giảm dần đều theo thời gian (trung bình khoảng 01%/tháng), tuy nhiên, thuê bao 2G Viettel thay đổi chưa ổn định, chưa theo chiều hướng tích cực, có tháng thuê bao 2G không giảm mà còn tăng thêm, mặc dù thời gian qua doanh nghiệp đã tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ chuyển dịch thuê bao 2G lên 4G.
Khách hàng sử dụng sóng 2G đa số đều là người cao tuổi, phụ nữ, người dân ở vùng sâu vùng xa, khả năng tiếp cận thông tin thấp, gặp rào cản về kỹ năng và chi phí thay thế thiết bị. Do đó, để thực hiện lộ trình tắt sóng 2G, Sở Thông tin và Truyền thông đang phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông khảo sát hiện trạng thuê bao sử dụng sóng 2G; tích cực tuyên truyền qua nhiều kênh thông tin để người dân nắm rõ chủ trương, lộ trình tắt sóng 2G. Khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông xây dựng những chương trình cụ thể hỗ trợ khách hàng chuyển đổi sử dụng sóng 2G sang 4G. Đặc biệt, Sở tăng cường quản lý không để các doanh nghiệp nhập, mua bán các thiết bị điện thoại di động công nghệ 2G, 3G hoặc sử dụng đồng thời công nghệ 2G, 3G nhưng không tích hợp công nghệ 4G, các thiết bị không đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật QCVN 117:2023/BTTTT của Bộ thông tin và Truyền thông.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp viễn thông đã chủ động tắt sóng một số trạm 2G không phát sinh lưu lượng sử dụng. Đồng thời xây dựng kịch bản chuyển đổi cụ thể với các lớp khách hàng như người già, người sống ở khu vực nông thôn có thu nhập thấp với các chương trình như hỗ trợ đổi máy, trợ giá, đi kèm các gói cước hấp dẫn để giúp thuê bao chuyển đổi lên 4G; giảm khuyến mại các dịch vụ 2G, tăng khuyến mại với người dùng 4G; bố trí nhân viên nâng cấp sim 4G cho thuê bao; trực tiếp hỗ trợ người dân cài đặt những tính năng cơ bản và hướng dẫn cách sử dụng thiết bị để không bị gián đoạn liên lạc…
Có thể thấy, việc tắt sóng 2G là xu thế tất yếu của thế giới, góp phần loại bỏ chất lượng dịch vụ thấp, giảm bớt chi phí khai thác, phù hợp với chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là phổ cập mạng di động 4G, 5G và điện thoại thông minh đến từng người dân Việt Nam./.